Thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động tại 3 trường nghề

Bài cuối: Mục tiêu có việc làm và làm được việc

- Thứ Sáu, 13/09/2019, 08:01 - Chia sẻ
Sau tất cả nỗ lực đổi mới, đích đến vẫn phải là giúp người học ra trường có việc làm và làm được việc. Bên cạnh đó, bảo đảm tài chính để nâng cao đời sống cán bộ, giáo viên; thu hút và giữ chân chuyên gia có tay nghề cao phục vụ công cuộc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu trên, phải điều chỉnh, bổ sung các quy định pháp luật liên quan, và có sự vào cuộc của các đơn vị chủ quản.

>> Bài 1: Năng động, sáng tạo hơn

>> Bài 2: Dám làm, dám chịu

Ngân sách tiết kiệm - thu nhập tăng

Thực tế hoạt động của cả 3 trường cao đẳng: Kỹ nghệ II, Công nghệ Quốc tế Lilama2 và Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn cho thấy, tư duy về công tác tài chính được đổi mới rõ nét nhất. Công tác tài chính được triển khai thực hiện theo hướng cơ chế doanh nghiệp. Cơ chế “khoán” đã được nhiều khoa trong các trường đăng ký thực hiện. Cân đối thu - chi được rà soát và thường xuyên cập nhật. Chế độ thưởng - phạt được thực hiện nghiêm khắc và công khai, minh bạch. Tăng cường nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ gắn kết với đào tạo: Thu đúng - thu đủ - thu kịp thời. Không còn sự bình quân về việc làm và thu nhập. Mỗi thành viên trong từng trường đều xác định “thu nhập” gắn với năng suất lao động và năng lực làm việc… Những điểm này hoàn toàn khác biệt với khi chưa thực hiện tự chủ. Nhờ vậy, đã tạo động lực cũng như sự tự giác, sáng tạo trong công việc cho mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên.

Cũng chính sự thay đổi về tư duy vận hành trường theo cơ chế thị trường (thị trường đặc thù); cùng với đó là thay đổi tư duy tài chính đã mang lại cho Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II nguồn thu dịch vụ đào tạo tăng hơn 30%/năm; góp phần cải thiện môi trường học tập, làm việc và đời sống của cán bộ, giáo viên, nhân viên. Đặc biệt, sự quyết đoán, mạnh dạn trong đổi mới đã giúp nhà trường tiết kiệm cho ngân sách nhà nước 57 tỷ đồng trong 3 năm thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động.

Đổi mới tư duy tài chính cũng giúp Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn tiết kiệm cho NSNN 30 tỷ đồng; duy trì và có tăng thu nhập cho cán bộ, giáo viên, nhân viên trong Nhà trường.

Để tự chủ bền vững và lan tỏa

Mục tiêu đặt ra đối với các trường thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động là được tự chủ về nhân sự, tài chính và chương trình, giáo trình. Tuy nhiên, cùng một cơ chế, cùng một thời điểm thực hiện và xuất phát điểm tương đối giống nhau, nhưng trên thực tế kết quả thực hiện của 3 trường có sự cách biệt khá lớn. Nếu như ở Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II, việc tự chủ được thực hiện 100%, thì ở hai trường còn lại các mục tiêu này có chuyển biến nhưng không đáng kể.

Chẳng hạn, tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn, vấn đề nhân sự chủ chốt phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định của tỉnh Bình Định. Từ tháng 3.2018 đến nay, nhà trường chỉ có một Phó hiệu trưởng phụ trách và thiếu một Phó hiệu trưởng nhưng tỉnh vẫn chưa bổ nhiệm và cũng chưa có văn bản trả lời. Trong khi, theo quy định của Đề án Thí điểm đổi mới, 3 trường nêu trên được tự quyết định bổ nhiệm đến các cấp phó trong Ban lãnh đạo nhà trường. Đây cũng là khó khăn của Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế Lilama2 khi nhà trường chưa thực hiện được bổ nhiệm cấp Phó hiệu trưởng do phải tuân theo Quy định, Quy chế bổ nhiệm cán bộ của Bộ Xây dựng - đơn vị chủ quản của trường; đồng thời, trường vẫn thực hiện tuổi nghỉ hưu của cán bộ theo quy định của Bộ luật Lao động.


Tốt nghiệp Khoa Công nghệ ô tô, Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II, anh Nguyễn Văn Bình (ngoài cùng bên trái) về làm việc tại Công ty Toyota Biên Hòa được hai năm và hiện là thợ chính, hưởng mức lương 13 triệu đồng/tháng
Ảnh: Đức Kiên

Hay vấn đề tài chính, đặc biệt là mức học phí, nếu ở Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II, học phí được nâng lên gấp đôi ở cả bậc trung cấp và cao đẳng, thì tại Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế Lilama2, mức học phí chủ yếu do kinh phí đặt hàng từ Bộ Xây dựng theo Nghị định 86/NĐ-CP. Tuy nhiên, định mức kinh phí đặt hàng theo Nghị định này chưa có danh mục các nghề dịch vụ công và định mức kinh phí tính đúng, tính đủ, nên gây khó khăn cho nguồn thu nhà trường.

Tại sao kết quả giữa các trường không đồng đều? Nguyên nhân có phải do Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế Lilama2 và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn mới thực hiện tự chủ tài chính từng phần nên dẫn đến quyền tự quyết nhân sự cũng chỉ đạt một phần? Trao đổi về vấn đề này, TS. Nguyễn Thị Hằng - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II cho rằng, quan trọng nhất là phải đồng bộ giữa cơ chế tự chủ với các quy định pháp luật. Do vậy, Luật Viên chức, Bộ luật Lao động, Luật Đầu tư và một số luật liên quan cần được điều chỉnh, bổ sung trước khi xây dựng nghị định quy định tự chủ trong cơ cở giáo dục nghề nghiệp. Riêng đối với Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần nhanh chóng có cơ chế đặt hàng đào tạo các trình độ để bảo đảm công bằng về chất lượng đào tạo giữa các trường. Cùng với đó, Chính phủ có cơ chế cho phép các trường được sử dụng dữ liệu Kỳ thi THPT Quốc gia hàng năm để tư vấn, xét tuyển; được dạy chương trình văn hóa, thi tốt nghiệp THPT theo hệ giáo dục thường xuyên nhằm thực hiện công tác phân luồng hiệu quả. 

Thái Bình