Phân cấp, phân quyền với việc sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương

Bài cuối: Mấu chốt vẫn là đổi mới tư duy

- Thứ Sáu, 09/08/2019, 07:28 - Chia sẻ
Phân cấp, phân quyền là câu chuyện “nói mãi rồi”. Vấn đề bây giờ là làm thế nào để phân cấp, phân quyền phát huy tác dụng trên thực tế. Phân cấp, phân quyền gắn bó mật thiết với năng lực của chính quyền. Nếu chỉ nói một vế phân cấp, phân quyền trong điều kiện chính quyền nơi đó còn yếu kém sẽ rất nguy hiểm. Thực tế vừa qua đã minh chứng rõ điều này. Vì thế, một trong những yêu cầu đặt ra, đó là phải thực hiện song song hai việc: Vừa phân cấp, phân quyền, vừa tăng năng lực của chính quyền địa phương.

>> Bài 4: Vướng mắc lớn nhất ở đâu?

>> Bài 3: Mô hình nào, quyền lực ấy

>> Bài 2: Chưa hợp lý, thiếu rõ ràng

>> Bài 1: Phân cấp, phân quyền - nhiệm vụ dang dở

Gắn với sắp xếp các đơn vị hành chính

Về hành chính cần nhận thức rõ, một nền hành chính thống nhất không có nghĩa là đồng nhất, không thể tiếp tục thực hiện nền hành chính ở huyện Mường Tè thế nào, thì ở quận Ba Đình cũng vậy. Tương tự, công vụ địa phương và Trung ương phải được tách bạch. Công vụ địa phương chủ yếu do chính quyền địa phương làm và quyết định. Cái gì địa phương được quyền làm, Trung ương sẽ không làm. Trung ương chỉ tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện công vụ của cấp dưới, chứ không xuống tận huyện thanh tra để rồi xảy ra tình trạng tham nhũng như thời gian qua.
Nếu một nền hành chính công vụ na ná như nhau giữa các địa phương có quy mô kinh tế, trình độ phát triển khác nhau như hiện nay sẽ khó có thay đổi về phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương. Thay vào đó, phải rành mạch về công vụ của các cấp, để khi một bếp ăn ở tỉnh không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ quy ngay được trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh, chứ không phải đẩy “quả bóng” trách nhiệm lên Bộ trưởng Bộ Y tế, rồi đưa ra chất vấn tại các kỳ họp của QH.

ĐBQH Khóa XI, XII, XIII Trần Du Lịch

Năng lực của chính quyền địa phương có thể đo bằng các chỉ số, như tổ chức, điều kiện, con người, các mối quan hệ giữa các cơ quan. Việc tăng cường năng lực cho chính quyền địa phương cơ bản dựa trên những yếu tố này. Và một yếu tố không kém phần quan trọng, đó là vai trò của người dân trong kiểm soát việc thực hiện quyền lực của các cấp chính quyền, thực thi quy định của pháp luật. Như đã phân tích ở những bài trước, do mỗi địa phương có đặc điểm, điều kiện khác nhau, nên việc phân cấp không thể theo kiểu “anh có tôi cũng phải có”. Tương tự với phân quyền cũng như vậy, phải tùy theo mô hình tổ chức, ở đô thị khác, nông thôn khác và hải đảo khác.

Đặc biệt, theo các chuyên gia về tổ chức bộ máy, về lâu dài, thì phân cấp, phân quyền phải gắn chặt với sắp xếp các đơn vị hành chính. Hiện nay, chúng ta có quá nhiều cấp huyện, cấp xã. Trong khi đó, xu hướng chung và yêu cầu đặt ra hiện nay, đó là cần có sự thống nhất hơn về không gian pháp lý, không nên có quá nhiều ranh giới giữa các địa phương. Rất mừng là thời gian qua, hàng loạt văn bản đã được ban hành để quyết liệt thực hiện chủ trương này. Trung ương ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã. Quốc hội ban hành Nghị quyết số 56/2017/QH14 về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Gần đây nhất, ngày 12.3.2019, UBTVQH ban hành Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021; trong đó nêu rõ: Đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp là đơn vị hành chính có diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% tiêu chuẩn quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25.5.2016 của UBTVQH về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính. Đồng thời, khuyến khích việc sắp xếp các đơn vị hành chính không thuộc diện quy định (tại Khoản 2 Điều này) của Nghị quyết để giảm số lượng đơn vị hành chính.

Có thể thấy chủ trương và cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính đã khá đầy đủ. Vấn đề bây giờ là cần nỗ lực ở mức cao nhất để có thể hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu đề ra trong các Nghị quyết của Trung ương, của Quốc hội, của UBTVQH về sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính.

Rõ ràng, xử lý những vấn đề đặt ra về mô hình tổ chức, giảm bớt số lượng đơn vị hành chính sẽ giúp tập trung nguồn lực, đủ sức để giải quyết vấn đề một cách căn cơ và lâu dài. Vì rằng, trong bối cảnh nguồn lực của đất nước còn hạn hẹp, nếu cứ “chia anh này một tý, anh kia một tý” sẽ có những xã chỉ có vài trăm dân nhưng cũng vẫn phải hình thành bộ máy như các xã khác. Vậy nên, việc sáp nhập các huyện, xã chưa đủ tiêu chuẩn là đúng đắn và cần được thực hiện một cách rốt ráo.

Liên quan đến mô hình tổ chức, qua thời gian thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã cho thấy có không ít vấn đề đang đặt ra. Theo đề xuất của một số chuyên gia về tổ chức bộ máy, với đô thị, mô hình tổ chức có thể nghiên cứu để bỏ bớt cấp hành chính, chỉ để 1-2 cấp chính quyền thôi, còn lại tổ chức các văn phòng. Như thế, tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương mới gọn nhẹ, linh hoạt, năng động, ứng phó kịp thời với các vấn đề và tình huống phát sinh.

Nếu không thực sự thay đổi tư duy, tất cả chỉ là… nói cho vui

Và, một yếu tố rất căn bản nữa để hiện thực hóa các mục tiêu và yêu cầu đã đề ra, theo các chuyên gia về tổ chức bộ máy, đó là phải tiếp tục thay đổi tư duy một cách mạnh mẽ hơn nữa. Vì nếu không thực sự thay đổi về tư duy và từ sự thay đổi tư duy đó đi đến hành động thực tế thì tất cả “chỉ là nói cho vui”. Minh chứng sinh động nhất cho câu chuyện này là Đại hội VI của Đảng, trong đó yêu cầu đầu tiên được xác định là đổi mới tư duy, thay đổi cách nhìn, cách nghĩ. Từ đó mới dẫn đến thay đổi cách hành động. Quả ngọt của hơn 30 năm đổi mới tư duy, thay đổi cách nhìn, cách nghĩ nay là những thành tựu vô cùng to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà công cuộc Đổi mới mang lại.

Để thực sự đổi mới tư duy khi sửa các luật về tổ chức, ĐBQH Khóa XI, XII, XIII Trần Du Lịch cho rằng, trước hết cần xóa bỏ tư duy “lồng ghép công vụ” - lồng ghép công vụ quốc gia và công vụ địa phương. Về nguyên lý, chúng ta không nên có công vụ nhà nước chung chung. Đây là nền tảng để xây dựng mô hình chính quyền địa phương cũng như xóa bỏ cơ chế xin - cho giữa Trung ương và địa phương về công vụ. Qua đó, vừa giúp kiểm soát tình trạng lạm quyền, vừa bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương và phát huy vai trò của các cơ quan dân cử địa phương.

Cùng với cải cách hành chính công vụ cũng cần xóa bỏ cơ chế “ngân sách lồng ghép”, gọi chung là ngân sách nhà nước như hiện nay, qua đó tiến tới tách bạch rõ ràng giữa ngân sách quốc gia và ngân sách địa phương. Nếu không tách biệt được ngân sách và chỉ dừng ở việc cải tiến mô hình của Xô Viết cũ, theo ông Trần Du Lịch, sẽ không thể nào “vẽ” được hình hài rõ ràng của mô hình chính quyền đô thị, nông thôn hay hải đảo. Và, sẽ không khắc phục được sự lúng túng khi tiến hành phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương.

Câu chuyện về mô hình tổ chức gắn với sắp xếp các đơn vị hành chính không thể giải quyết gói gọn trong một đạo luật. Nhưng để đặt cơ sở cho việc tháo gỡ những vấn đề đang đặt ra, thì trước hết trong sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương lần này, cần có những quy định rõ hơn về các mô hình tổ chức chính quyền địa phương. Có nhiều cách xử lý khác nhau, nhưng một trong cách xử lý tổng hợp, theo chuyên gia về tổ chức bộ máy, là vừa quy định mô hình chính quyền đô thị, nông thôn, vừa quy định theo tốc độ phát triển. Hiện nay, tỉnh loại I của chúng ta mới được phân định bằng diện tích, dân số là chưa ổn. Phải “đo” bằng trình độ phát triển, bằng thu ngân sách, và nếu đạt, “anh” sẽ được công nhận tỉnh loại I. Dân số có thể ít, nhưng địa phương đó phát triển kinh tế rất mạnh thì có thể kéo tiêu chí dân số để được công nhận là tỉnh loại I và được phân cấp, phân quyền lớn hơn các địa phương khác. Và trong sửa Luật Tổ chức chính quyền địa phương lần này nên quy định tiêu chí phân định các tỉnh, thành phố, theo đó đáp ứng được tiêu chí nào sẽ được phân cấp, phân quyền tương ứng với năng lực ấy. (Thực tế, việc phân định tỉnh loại I, II, III hiện nay mới để xác định sự hỗ trợ cũng như nhân sự, mà chưa gắn với thẩm quyền của chính quyền địa phương, theo đó, tỉnh loại I không khác tỉnh loại II về quyền). Quy định như vậy sẽ thúc đẩy các địa phương nếu muốn được phân cấp, phân quyền nhiều hơn, thì phải phải phát triển ở mức độ cao hơn, thay vì cào bằng như hiện nay. Nếu luật hóa được điều này đồng nghĩa các địa phương không cần xin cơ chế đặc thù. Còn nếu Luật Tổ chức chính quyền địa phương chỉ quy định một nguyên tắc chung cho các luật chuyên ngành sẽ không tháo gỡ được bài toán phân cấp, phân quyền không thống nhất, chưa triệt để. Cần có cái nhìn từ nhiều phía, nhiều góc độ, từ mô hình tổ chức đến cấp độ phân loại... Có như vậy, vấn đề mới được tháo gỡ.

Nếu không thay đổi được tư duy thì những chủ trương, chính sách, dù đúng đắn, nhưng kết quả đạt được sẽ vẫn “xôi đỗ lắm”, vẫn là sự giằng xé giữa cái cũ và cái mới, trong đó cái cũ thường hay thắng thế. Tâm lý con người vốn ngại đổi mới, vì cho rằng đổi mới là phức tạp, phải đối mặt với không ít rủi ro. Nhưng nếu chỉ cốt tìm chốn an toàn, cứ theo “lối cũ, cách xưa” cho chắc ăn, thì làm sao thúc đẩy xã hội phát triển, làm sao có thể tạo được sự thay đổi theo mục tiêu, yêu cầu và mong muốn?

Với cách ví von như vậy, nhiều chuyên gia về tổ chức bộ máy nói rằng, hiện nay, nhiều địa phương đã trưởng thành thì cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho họ, tạo cơ chế để họ sáng tạo, bứt phá và có cơ chế để kiểm soát việc thực thi quyền được phân, được cấp đó. Phân cấp, phân quyền nhưng có các cơ chế, điều kiện kèm theo, bảo đảm quyền lực được thực thi một cách nghiêm túc, đúng Hiến pháp và pháp luật. Đã đến lúc cần có sự nghiên cứu nghiêm túc, cẩn trọng, nhưng quyết liệt về mô hình tổ chức chính quyền địa phương một cách cụ thể hơn. Từ đó, có cách thức hợp lý, khả thi để đưa những giá trị phổ quát của mô hình chính quyền địa phương đã, đang, sẽ tiếp tục bàn có cơ hội nảy mầm và phát triển phù hợp với từng loại hình đô thị, nông thôn, hải đảo.

Thanh Hải - Anh Thảo