Phòng, chống lụt, bão: Không gì bằng sức mạnh Nhân dân

Bài cuối: Khơi sức mạnh cộng đồng

- Chủ Nhật, 08/09/2019, 08:37 - Chia sẻ
Chính quyền sâu sát, dự báo, thông tin kịp thời chưa phải là yếu tố quyết định sự thắng lợi trong cuộc chiến chống thiên tai. Yếu tố quyết định chính là lòng dân. Chính quyền nói mà dân không thấu, không làm theo thì sự chỉ đạo, sâu sát ấy cũng vô nghĩa. Để khơi sức mạnh của cộng đồng, sức mạnh của nhân dân không gì khác chính là uy tín của cấp ủy, chính quyền, của cán bộ. Nhờ sự chủ động của mỗi một người dân nên cấp ủy, chính quyền cũng “khỏe”, chỉ đạo, triển khai đến đâu là răm rắp đến đó.

Anh hùng dân tộc, nhà văn hóa Nguyễn Trãi đã từng tâm niệm: “Đẩy thuyền đi là dân mà lật thuyền cũng là dân”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nói: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Sức mạnh của nhân dân được ví như nước, mênh mông và vô tận. Trong bất kỳ cuộc đấu tranh nào, chỉ cần lòng dân thuận thì đều dành được thắng lợi hoàn toàn. Trong cuộc chiến với thiên tai cũng vậy, không có giải pháp nào quan trọng hơn nắm được lòng dân, hướng cho dân làm thì mọi chuyện sẽ thành công.

Vậy làm sao để khơi sức mạnh của cộng đồng, sức mạnh của nhân dân, không gì khác chính là uy tín của cấp ủy, chính quyền, của cán bộ. Theo như Chủ tịch Hồ Chí Minh thì cách để dân nghe và làm theo là “Tuyệt đối chống cách khoán trắng, chống quan liêu, mệnh lệnh”. Đó là phải tôn trọng dân, nghe dân nói. Theo Người, phương án phòng chống thiên tai tốt không chỉ là sản phẩm trí tuệ của người cán bộ, mà đó còn là sự vận dụng kinh nghiệm thực tiễn, nó sẽ hoàn chỉnh hơn, hiệu quả hơn khi tranh thủ được ý kiến của nhân dân, được bàn bạc kĩ với nhân dân trước khi thực hiện. Vì thế, “cán bộ các cấp phải nhận rõ trách nhiệm, phải có kế hoạch thiết thực và đầy đủ, phải đi sát với nhân dân”; “cán bộ phải đi xuống cơ sở cùng với đồng bào bàn kế hoạch và thực hiện kế hoạch phòng và chống lụt, bão cho tốt”.

Chỉ cần cán bộ nói dân hiểu, dân làm

Là một xã nhỏ ngoài đê của huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, bình quân mỗi năm, xã Đức La đón nhận vài ba đợt bão lụt lớn nhỏ. Có vẻ như người dân nơi đây đã quá quen thuộc với bão lụt hoành hành nên mưa lớn mấy ngày qua nhưng mọi thứ có vẻ như rất bình thường. Con đường dẫn vào xã Đức La lênh láng đôi chỗ, nước sông La mấp mé chân cầu La Xá. Đúng như lời cụ Ngụ - Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã, nhà nào nhà nấy vẫn sinh hoạt bình thường, lũ trẻ con thi nhau lội nước bì bõm, con gái thì thả hoa, thả thuyền giấy, lũ con trai thì té nước, thả lưới bắt cá…

Cụ bảo: “Bốn tại chỗ, ba sẵn sàng” vận dụng cho tốt nhưng không gì bằng sức mạnh của người dân. Chỉ cần cán bộ nói dân hiểu, dân biết, dân bàn và dân làm thì xong hết, không lo gì bão lụt nữa. Ở xã ta, cứ đến mùa ni là bão lụt nên quen rồi. Từ kế hoạch sản xuất cũng xây dựng sát với thời tiết theo mùa nên dù nước vào nhưng ngoài đồng trống rồi, không lo gì nữa. Còn chuyện nhà cửa, tài sản thì cũng dễ vì nhiều nhà thiết kế phù hợp với đất lụt, di chuyển lên tầng hoặc chạn là xong. Những nhà neo đơn, yếu thế thì cán bộ xã và xóm bám nắm và hỗ trợ 24/24 trong trường hợp cần thiết. Điều quan trọng trong đối phó với thiên tai là thực phẩm, thuốc men mỗi nhà luôn chủ động. Nhờ đó, tiền lệ xã ta chưa có thiệt hại về người do bão lụt”.


Một thanh niên giúp đỡ cụ bà về nhà

Triển khai đến đâu răm rắp đến đó

Cũng như ở Đức Thọ, huyện Vũ Quang cũng là địa phương mà chính quyền và nhân dân luôn chủ động trong phòng, chống thiên tai, tuy nhiên trong đợt mưa lớn này Vũ Quang chịu ảnh hưởng lớn hơn. Do ảnh hưởng của Áp thấp nhiệt đới  đã làm cho huyện bị ngập úng, cô lập nhiều nơi. Mưa lớn nước dâng cao đã làm 25ha lúa hè thu chưa thu hoạch kịp bị ngập úng, trong đó Đức Lĩnh 10ha, Hương Minh 15ha; 1,5 ha Ngô bị ngập úng, đổ gãy. Bên cạnh đó, mưa lớn cũng đã làm sạt lở, ngập, cô lập một số tuyến đường chính như đường Sơn Long Chợ Bộng, đường vào xã Hương Thọ, nhiều tuyến đường vào nhà các hộ dân cũng đã bị cô lập. Một số trường học cũng đã bị ngập sân, sạt lở như khu vực phía sau Trường Mầm non Đức Lĩnh, Trường Tiểu học Hương Minh.

Trong những ngày này, các thành viên Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện, phòng NN - PTNT đã trực tiếp đi kiểm tra, đánh giá tình hình tại các địa phương, đôn đốc công tác thu hoạch lúa vụ hè thu, bổ cứu các biện pháp tiêu cho các xứ đồng; chủ động đối phó với mưa, lũ đặc biệt là công tác di dời các tài sản, chuẩn bị tốt công tác chuẩn bị sơ tán dân khi có lệnh. Không chỉ bám sát phương châm 4 tại chỗ trong chỉ đạo, cán bộ huyện Vũ Quang đã cùng với nhân dân chủ động lương thực, thuốc men, giúp dân dời dọn tài sản để sẵn sàng ứng phó với mưa lụt. Bà Nguyễn Thị Hồng - thôn 2, xã Đức Bồng, huyện Vũ Quang cho biết: Cán bộ thôn cũng như xã, huyện đều rất sâu sát; đảng viên đi trước, làng nước theo sau, trăm người, trăm nhà như một đều chủ động trước diễn biến của thời tiết để tự sắp xếp tài sản và sự an toàn của nhà mình, nhà nào neo người cán bộ cùng giúp và làng xóm giúp nhau. Ngoài chủ động của bà con thì có sự quan tâm, giúp đỡ của cán bộ nên trên địa bàn chưa xảy ra thiệt hại về người cũng như tài sản lớn. “Ở quen với lụt bão nên bầy tui miễn nhiễm với hiện tượng thiên nhiên này rồi” - bà Hồng nói vui.

Đúng như lời cụ Ngụ, bà Hồng nói, “quan trọng vẫn là sức mạnh của nhân dân”, nhờ sự chủ động của mỗi một người dân nên cấp ủy, chính quyền cũng “khỏe”, chỉ đạo, triển khai đến đâu là răm rắp đến đó. Bên cạnh đó, trong lúc khó khăn, người dân miền Trung rất đoàn kết, nghĩa tình. Họ sẵn sàng chia cho nhau từng manh áo, chén cơm, đỡ đần nhau lúc tối lửa tắt đèn. Nhờ vậy mà bao mùa bão lụt đi qua, mọi thứ dường như chẳng hề vơi đi mà còn đầy thêm, nhất là nghĩa tình.

BÌNH NGUYÊN