Giám sát việc thực thi pháp luật tại địa phương

Bài cuối: Hoàn thiện pháp luật về quản lý tài nguyên, đất đai

- Thứ Năm, 20/02/2020, 08:46 - Chia sẻ
Quá trình giám sát việc thực thi pháp luật tại địa phương của HĐND tỉnh Quảng Trị đặt ra yêu cầu cần tiếp tục rà soát, bổ sung hoàn thiện pháp luật cho phù hợp với thực tiễn hội nhập quốc tế, trong đó pháp luật về quản lý tài nguyên, đất đai rất cấp bách. Quá trình nghiên cứu, sửa đổi, đề nghị các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội cần có diễn đàn để HĐND các tỉnh được tham gia ý kiến khi những nội dung chính sách liên quan đến chính quyền địa phương, nhất là vai trò, vị trí của HĐND các cấp trong thi hành pháp luật.

>> Bài 1: Tăng cường đối thoại, giải trình

Từ thực tiễn giám sát HĐND tỉnh Quảng Trị trong việc thực thi pháp luật tại địa phương thời gian qua, có nhiều vấn đề đặt ra trong thi hành pháp luật ở địa phương.

Thứ nhất, về lĩnh vực đất đai, theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 62 Luật Đất đai năm 2013, các dự án được Nhà nước thu hồi đất trong các trường hợp sau đây: “Thực hiện các dự án do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư mà phải thu hồi đất bao gồm: Dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, khu đô thị mới, dự án đầu tư bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển (ODA)”. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 31, Luật Đầu tư năm 2014 và thực tế hiện nay, không có quy định Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư dự án xây dựng khu kinh tế, chỉ có Quyết định thành lập, mở rộng Khu kinh tế, ban hành quy chế hoạt động; đồng thời, phê duyệt quy hoạch chung khu kinh tế để triển khai thực hiện. Từ quy định trên đây, việc thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư trong Khu kinh tế theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 62 Luật Đất đai năm 2013 đang bị vướng vì chưa có quy định về trình tự, thủ tục kiểm tra về lĩnh vực pháp luật đất đai.


Ban Pháp chế HĐND tỉnh thẩm tra kế hoạch biên chế hành chính - sự nghiệp năm 2020 và giám sát kết quả sắp xếp, sáp nhập các thôn, bản, khu phố trên địa bàn tỉnh 
Ảnh: Văn Phúc

 Sau Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Quốc hội, Chính phủ đã thực hiện phân quyền, phân cấp, ủy quyền cho HĐND các cấp, nhất là cấp tỉnh tăng lên về nhiệm vụ và thẩm quyền, đặc biệt là quyết định ngân sách, đầu tư và chính sách. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ chuyên trách theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 vẫn chưa kiện toàn xong lại phải thay đổi, cắt giảm; HĐND đang từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả lại phải quay trở lại lối làm việc cũ, lúng túng và khó khăn hơn trước.

Chủ trương tinh giản biên chế là đúng nhưng tinh giản theo lối cào bằng mà không coi trọng tăng cường bộ máy nhà nước, những người trực tiếp giải quyết công việc của dân và doanh nghiệp, trực tiếp quản lý nhà nước và xã hội, kể cả việc sáp nhập cơ học các cơ quan văn phòng vẫn sẽ dẫn đến lãng phí và kém hiệu quả.

Thứ hai, những dự án đa mục đích, trong đó có mục đích được giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá, có mục đích thuộc trường hợp phải đấu giá; dự án xây dựng các khu nhà ở đơn lập và song lập phục vụ bán cho khách hàng để ở nghỉ dưỡng nhưng không hình thành đơn vị ở (Căn hộ nghỉ dưỡng không hình thành đơn vị ở). Các dự án này nằm trong tổng thể dự án khu dịch vụ - du lịch, việc xác định các khu nhà ở đơn lập và song lập chưa có quy định cụ thể (đất ở hay đất thương mại dịch vụ, thời hạn là lâu dài hay 50 năm).

Thứ ba, Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10.11.2014 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai không có điều khoản xử lý các trường hợp hủyhoại đất, sử dụng đất không hiệu quả. Vì vậy, một số hành vi vi phạm xảy ra nhưng chưa có chế tài để xử lý, chấn chỉnh sai phạm, có dự án kéo dài hàng chục năm nhưng vẫn không thu hồi được, gây bức xúc trong Nhân dân.

Thứ tư, quy định thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trong một số trường hợp doanh nghiệp chưa được giao đất thực hiện dự án khai thác khoáng sản làm phát sinh nợ đọng chưa phù hợp thực tiễn, kiến nghị Chính phủ có quy định để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đơn cử như Công ty Cổ phần phát triển khoáng sản 4 đã được Bộ Tài nguyên - Môi trường cấp mỏ tại các địa phương, nhưng chưa thực hiện đầy đủ quy trình, quy định Pháp lệnh hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn (tại các Điều 19, 20, 21) số 34/2007/PL-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIII. Địa phương đã kiến nghị nhiều năm nhưng chưa được giải quyết. Do vậy, kính đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến với Chính phủ rút giấy phép của Công ty Cổ phần phát triển khoáng sản 4 để trả lại đất cho Nhân dân sản xuất, phát triển kinh tế rừng.

Thứ năm, tỉnh Quảng Trị đã nhiều lần đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi khung giá Thông tư số 44/2017/TT-BTC ngày 12.5.2017 quy định khung giá tính thuế tài nguyên đối với nhóm, loại tài nguyên có tính chất lý, hóa giống nhau theo hướng điều chỉnh giảm quy định theo khu vực. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa sửa đổi do khung giá quy định quá cao so với thực tế một số loại khoáng sản không kim loại trên địa bàn tỉnh. Do vậy, kính đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến với Chính phủ chỉ đạo sớm có sửa đổi cho phù hợp.

Thứ sáu, Khoản 2, Điều 89, Luật Đầu tư công năm 2019 có hiệu lực từ ngày 1.1.2020 quy định các dự án bổ sung kế hoạch vốn có thời gian thực hiện trong 2 kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn liên tiếp phải bảo đảm tổng số giá trị tổng mức đầu tư của các chương trình, dự án phải thực hiện trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau không vượt quá 20% tổng số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước. Hiện nay, chưa có đánh giá cụ thể, trong lúc đó HĐND các tỉnh phải họp để thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2020 do tỉnh quản lý.

Kết quả giám sát thi hành pháp luật tại địa phương đặt ra yêu cầu cần tiếp tục rà soát, bổ sung hoàn thiện pháp luật cho phù hợp với thực tiễn hội nhập quốc tế, trong đó pháp luật về quản lý tài nguyên, đất đai rất cấp bách. Những nội dung này, quá trình nghiên cứu, sửa đổi, đề nghị các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội cần có diễn đàn để HĐND các tỉnh được tham gia ý kiến khi những nội dung chính sách liên qua đến chính quyền địa phương, nhất là vai trò vị trí của HĐND các cấp trong thi hành pháp luật. Cần có cơ chế gắn kết hơn nữa trách nhiệm hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với HĐND các cấp.

HOÀNG MAI