Xây dựng nông thôn mới ở Đakrông, Quảng Trị

Bài cuối: Đa dạng nguồn lực đầu tư

- Thứ Hai, 17/06/2019, 07:56 - Chia sẻ
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng, Đakrông hiện vẫn là huyện ‘‘trắng’’ nông thôn mới (NTM) của tỉnh Quảng Trị. Do đó, để các xã đạt 8 tiêu chí trở lên, trong đó Triệu Nguyên đạt chuẩn vào năm 2020, địa phương cần tranh thủ và lồng ghép đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, quan tâm đến lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục, môi trường…

>> Bài 1: Bức tranh dần khởi sắc

Nhiều tiêu chí khó hoàn thành

 Kiến nghị UBND tỉnh có chính sách đặc thù đối với huyện Đakrông để đến năm 2020 huyện có 1-2 xã về đích NTM và không có xã đạt dưới 8 tiêu chí; cân đối nguồn ngân sách để phân bổ kịp thời cho huyện hoàn thành các tiêu chí đạt chuẩn theo quy định... Bên cạnh đó, UBND tỉnh quan tâm hỗ trợ cho huyện một số dự án nước ngoài vào đầu tư; kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư vào huyện, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; giúp huyện hoàn thiện và từng bước nâng cao chất lượng các tiêu chí theo quy định; chỉ đạo các sở, ban ngành liên quan hướng dẫn giúp Đakrông hoàn thành các tiêu chí để đạt chuẩn đúng tiến độ.

Chủ tịch UBND huyện LÊ ĐẮC QUỲ

“Khó lắm” là câu trả lời chung khi được hỏi về việc hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM của huyện. Ba Nang là một trong những xã khó khăn nhất của huyện Đakrông, sau hơn 7 năm triển khai, xã mới chỉ đạt 5/19 tiêu chí NTM. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hồ Văn Biệt, với một xã miền núi còn nhiều hạn chế như Ba Nang, chỉ riêng câu chuyện sinh kế cho 607 hộ dân với gần 100% là đồng bào Vân Kiều đã là một “bài toán” khó. Hiện, toàn xã có hơn 53% hộ thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo… Còn với xã A Vao, mặc dù được hỗ trợ và tạo nhiều điều kiện thuận lợi, song việc triển khai xây dựng NTM ở đây cũng là bài toán không đơn giản. Đại diện UBND xã, ông Hồ Văn Hùng cho rằng: Với các xã miền núi có đông đồng bào DTTS, việc hoàn thành các tiêu chí NTM dường như đang quá sức. ‘‘Thu nhập bình đầu/người của A Vao mới chỉ đạt 12,5 triệu đồng. Bà con sống chủ yếu nhờ vào rừng và có một ít diện tích sắn, lúa, nên bài toán thoát nghèo đối với địa phương là vấn đề nan giải, bởi tập quán canh tác của đồng bào vẫn còn theo lối tự cung, tự cấp lạc hậu’’, ông Hùng cho biết.

Tương tự, là một trong các xã đạt ít tiêu chí NTM nhất của huyện với 5 tiêu chí, Húc Nghì nằm xa trung tâm huyện, tỷ lệ hộ nghèo cao. Đến nay, nhiều tiêu chí vẫn chưa có hướng giải quyết. Đơn cử, bà con chủ yếu sản xuất nông nghiệp theo hướng nhỏ lẻ, đất đai manh mún; năng suất, chất lượng sản phẩm không cao. Vì thế, việc đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân theo mục tiêu của chương trình còn không ít khó khăn…

Hay như với Ba Lòng, mặc dù bước đầu đạt được những kết quả tích cực song khó khăn lớn nhất trong xây dựng NTM hiện nay là địa phương chưa có chợ và nguồn lực đầu tư cho tiêu chí không biết bao giờ mới có vì ngân sách huyện rất khó khăn, huy động từ người dân hay doanh nghiệp cũng không dễ. Bên cạnh đó, xã đang thiếu hệ thống cung cấp nước sạch phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân; rác thải, nước thải và bao bì thuốc bảo vệ thực vật chưa được thu gom, xử lý tập trung; số hộ chăn nuôi có chuồng trại bảo đảm vệ sinh chỉ đạt 41,3%... Theo chia sẻ của Chủ tịch UBND xã Trần Văn Việt, thu nhập bình quân/người của xã Ba Lòng còn thấp; tỷ lệ hộ nghèo đang chiếm 12,12%, hộ cận nghèo 5,5%, trong khi chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn gặp khá nhiều rào cản, chưa có hợp tác xã hay mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực…

Thực tế, không ít xã trên địa bàn huyện Đakrông đã đi được 1/3, thậm chí là một nửa chặng đường của chương trình xây dựng NTM. Tuy nhiên, không khó để nhận thấy rằng, các tiêu chí các địa phương này đạt được như: Điện, đường giao thông, chợ, nhà văn hóa… đều có sự hỗ trợ và giúp sức của chính quyền các cấp. Còn những tiêu chí cần sự bứt phá của địa phương như: Giảm tỷ lệ hộ nghèo hay nâng cao thu nhập bình quân đầu người đang là một thách thức lớn đối với huyện miền núi còn nhiều khó khăn này.


Đời sống của người dân trên địa bàn huyện còn nhiều khó khăn Ảnh: Lệ Thanh

Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân

Lý giải nguyên nhân Đakrông là huyện duy nhất trong tỉnh chưa có xã đạt chuẩn NTM, Chủ tịch UBND huyện Lê Đắc Qùy cho rằng: Do điều kiện tự nhiên, địa hình phức tạp; đất đai để tạo mặt bằng xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng còn khó khăn, dân cư sinh sống không tập trung. Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư thực hiện chương trình chưa đáp ứng được nhu cầu, nhất là vốn đầu tư từ NSNN, trong khi thu nhập của người dân còn thấp; một số tiêu chí trong Bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng NTM chưa phù hợp với khu vực miền núi như: Nhà ở; cơ sở vật chất văn hóa... ‘‘Công tác tuyên truyền ở một số địa phương còn thiếu thường xuyên, chưa sâu rộng, do vậy một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa nhận thức đầy đủ về chương trình xây dựng NTM, vẫn còn tư tưởng trông chờ vào Nhà nước’’, ông Qùy cho biết thêm.

Để khắc phục những khó khăn hiện tại, người đứng đầu UBND huyện cho biết, Đakrông sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động trong nhân dân đẻ đưa chương trình xây dựng NTM trở thành phong trào thi đua sâu rộng. Tập trung thực hiện tái cơ cấu kinh tế nông - lâm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa, ứng dụng KHKT vào sản xuất; đa dạng hóa các nguồn vốn huy động, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư… Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các cơ chế, chính sách trong xây dựng NTM, nhất là việc thực thi quy chế dân chủ, giám sát cộng đồng, thực hiện đúng nguyên tắc ‘‘dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi’’; khuyến khích và tạo điều kiện tối đa cho người dân phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu và có tích lũy để tái sản xuất mở rộng, đầu tư phát triển.

Thực tế, để hoàn thành các tiêu chí về xây dựng NTM, chặng đường phía trước của Đakrông còn hết sức khó khăn. Do đó, bên cạnh quyết tâm, nỗ lực của chính quyền địa phương, người dân Đakrông rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, các ngành, nhất là ưu tiên nguồn lực để thực hiện các tiêu chí mang tính đặc thù của địa phương theo hướng sát thực và phù hợp… Như chia sẻ của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng, để các xã đạt 8 tiêu chí trở lên, trong đó xã Triệu Nguyên đạt chuẩn vào năm 2020, huyện cần tranh thủ và lồng ghép các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất. ‘‘UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành chức năng hỗ trợ cho huyện một số dự án nước ngoài, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, nhất là sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và mô hình liên doanh, liên kết. Ngoài ra, sẽ nghiên cứu có chính sách đặc thù cho huyện về đầu tư vốn, tập huấn kỹ thuật, đào tạo nghề, xây dựng mô hình phát triển kinh tế’’, ông Đồng thông tin.

HẢI PHONG