Thúc đẩy sáng tạo nghệ thuật đương đại

Bài cuối: Cơ hội còn bỏ ngỏ

- Thứ Bảy, 15/02/2020, 07:54 - Chia sẻ
Nghệ thuật mới, nghệ thuật đương đại ở Việt Nam đã có những dấu chân tiên phong, một thế hệ nghệ sĩ mới trưởng thành. Nhưng thiết chế nghệ thuật ở ta còn nhiều hạn chế, ngày từ khâu đào tạo. Nói như nghệ sĩ Trần Trọng Vũ: “Chúng ta mong muốn nghệ thuật tác động đến người xem, nhưng chúng ta chưa tạo ra cơ hội để điều đó xảy ra trong đời sống”.

>> Bài 1: Khảo nghiệm đời sống mỹ thuật

Công nghệ số và đào tạo nghệ thuật

“Ngày xưa, sáng tạo mỹ thuật bằng màu vẽ, bút lông, dao trổ, dao khắc… thì bây giờ máy ảnh, máy quay phim, máy tính… cũng là công cụ. Ứng dụng công nghệ số trong mỹ thuật là xu hướng thế giới đã làm từ lâu, còn Việt Nam thì đi sau, chưa tận dụng, khai thác”, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn phân tích. Những năm qua, cái tên Nguyễn Thế Sơn đã được biết đến với nhiều triển lãm trong và ngoài nước, gắn thực hành mỹ thuật với nhiếp ảnh và sắp đặt. Trong quá trình theo đuổi phương thức sáng tạo đó, anh nhận ra rằng, bất cứ điều gì nảy sinh trong cuộc sống xã hội đều có thể là chất liệu của mỹ thuật, nhất là đối với nghệ thuật đương đại, khi ngôn ngữ của nó cho phép nghệ sĩ vượt thoát khỏi mọi sự ràng buộc, quy tắc hay bất cứ định hướng nào. Trên thế giới, nhiều nghệ sĩ thành danh của nghệ thuật đương đại đã chọn ứng dụng công nghệ số như một phần tất yếu trong thực hành.


Tác phẩm của Nguyễn Thế Sơn trong triển lãm “Nhẹ tựa lông hồng” tại Bảo tàng Nghệ thuật Worcester (Mỹ) 2 năm trước

Theo Giám đốc nghệ thuật Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA - Hà Nội) Mizuki Endo: “Mỗi loại hình nghệ thuật đều có đặc thù và xã hội phát triển chắc chắn sẽ xuất hiện thêm nhiều loại hình nghệ thuật mới”. Trong bối cảnh đó, đào tạo mỹ thuật - nền tảng của các ngành sáng tác mỹ thuật càng phải khẩn trương nhận diện những khía cạnh khác nhau của mỹ thuật dưới tác động của công nghệ số, từ đó chuẩn bị thích ứng với xu thế. Điều này một khi được nhận diện trúng và chuyển biến nhanh sẽ đem lại thành tựu cho ngành công nghiệp sáng tạo và nghệ thuật. PGS. TS. Nguyễn Nghĩa Phương, Phó Trưởng khoa Đồ họa, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam dẫn chứng về đào tạo nghệ thuật liên phương tiện (intermedia art): Tại Mỹ, một số trường tập trung vào nghệ thuật liên phương tiện là chương trình đào tạo bậc cử nhân intermedia như đại học bang Arizona, đại học Maine…; tại Anh, nghệ thuật liên phương tiện là một phần trọng tâm của chương trình đào tạo thạc sĩ nghệ thuật; Đại học Mỹ thuật Hungary cũng có chương trình đào tạo intermedia. Ở châu Á, các trường mỹ thuật tại Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan… cũng đã thực hiện đào tạo intermedia art với kinh nghiệm nhiều năm.

Các hoạt động nghệ thuật liên môn, liên ngành kết hợp các thể loại mỹ thuật được thế giới coi là xu hướng thú vị và tốt nhất trong nghệ thuật mới. Sự xoay chuyển cách thức đào tạo nghệ thuật chính là bước khởi đầu cho phép nghệ sĩ nhanh chóng bắt kịp xu hướng này. Tính nền tảng thể hiện ở môi trường nghiên cứu đa ngành, ở đó người học phải khảo nghiệm, phân tích và kết nối những vấn đề đặt ra từ khía cạnh văn hóa trong quá trình tư duy tác phẩm nghệ thuật. Tuy nhiên, theo PGS. TS. Nguyễn Nghĩa Phương, “thực tế đào tạo mỹ thuật của Việt Nam hầu như chưa phản ứng gì với xu thế phát triển chung trên thế giới”. Hội họa, đồ họa, điêu khắc vẫn ở tình trạng của nhiều năm về trước, thậm chí rất xa tiêu chuẩn chung của ngành cũng như của các nước về chương trình, phương pháp, hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị, công nghệ hiện đại…

Không thể mãi đi đường vòng

“Phải nói thẳng rằng việc nhìn nhận, quan niệm về giáo dục nghệ thuật ở Việt Nam còn khá lạc hậu, nếu không muốn nói đã bị dừng lại cách đây ít nhất vài thập kỷ so với khu vực, chứ chưa nói đến thế giới”. Từ thực hành mỹ thuật gắn với nhiếp ảnh của mình, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn lấy ví dụ về câu chuyện sử dụng nhiếp ảnh trong mỹ thuật (fine art photography). Theo anh, câu chuyện này vốn dĩ đã được đặt ra từ lâu, nhưng ở Việt Nam, nhiếp ảnh mới được nhìn nhận như một chất liệu của báo chí, nhiếp ảnh tài liệu... Trong khi các nước xung quanh như Thái Lan, Trung Quốc... coi nhiếp ảnh là một phần không thể thiếu trong thực hành mỹ thuật, thì đào tạo mỹ thuật ở Việt Nam không có môi trường cho nhiếp ảnh mỹ thuật. “Phần lớn tác phẩm của tôi chỉ bán cho nhà sưu tập cũng như các bảo tàng nước ngoài”, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn bày tỏ.
Thực tế còn chỉ ra lỗ hổng trong đào tạo mỹ thuật là chưa chấp nhận các phương tiện bình đẳng như nhau. Duy nhất Trường Đại học Nghệ thuật Huế gần chục năm nay đưa nhiếp ảnh, video art, sắp đặt, trình diễn vào chương trình chính quy hệ đại học (tạo hình đa phương tiện, thiết kế mỹ thuật đa phương tiện), còn hai cơ sở đào tạo mỹ thuật hàng đầu cả nước là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam và Trường Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh thì không. Theo họa sĩ Nguyễn Thế Sơn: “Thiếu sót như thế thật quá thiệt thòi, khó bù đắp được khi các nghệ sĩ trẻ bước ra thế giới. Bởi vì nếu chỉ thực hành cơ bản như dòng tranh giá vẽ thì mỹ thuật Việt Nam sẽ không có cửa tiếp cận, bước chân vào những sân chơi quốc tế với đầy tiêu chuẩn mới của nghệ thuật đương đại”.

Thay vì giẫm chân vào lối mòn, đánh mất cơ hội, nhiều nghệ sĩ Việt đã lựa chọn cách đi “đường vòng”. Nghĩa là thông qua nước ngoài để bù đắp thiếu hụt của đào tạo nghệ thuật trong nước. Không những thế, Việt Nam đến giờ vẫn còn là “điểm trắng” hiếm hoi trong khu vực và thế giới khi chưa có bảo tàng nghệ thuật đương đại đúng nghĩa. Chính vì vậy, một số tác phẩm nghệ thuật đương đại có tiếng của các nghệ sĩ Việt Nam thường xuất hiện trong các sưu tập ở nước ngoài, như các bảo tàng ở Singapore, Pháp, Mỹ, Thụy Điển, Nhật Bản…, dẫn đến “chảy máu nghệ thuật”, theo cách nói của họa sĩ Nguyễn Thế Sơn. Tất yếu điều này ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường nghệ thuật đương đại trong nước và cơ hội thưởng thức nghệ thuật đương đại của khán giả Việt.

Mới nói, đằng sau năng lượng tự thân khá dồi dào của nghệ sĩ đương đại Việt Nam vẫn là câu chuyện đầy trăn trở về một môi trường hoạt động thuận lợi, kích thích sáng tạo.

Thái Minh