Nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của đại biểu HĐND

Bài cuối: Ban hành chính sách đặc thù cho đại biểu chuyên trách

- Thứ Bảy, 14/03/2020, 07:54 - Chia sẻ
Bảo đảm hiệu lực và hiệu quả hoạt động giám sát của đại biểu, bên cạnh quy định cụ thể về hoạt động giám sát và các chế tài giám sát; phương tiện, định mức trang bị phương tiện bảo đảm phục vụ hoạt động của đại biểu HĐND, một giải pháp quan trọng là cần tăng cường đại biểu hoạt động chuyên trách, đồng thời có chính sách đặc thù với lực lượng này (như chính sách đối với ĐBQH chuyên trách) để động viên, khích lệ đại biểu chuyên trách thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động giám sát của đại biểu HĐND tỉnh Điện Biên vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như: Một số quy định của pháp luật chưa cụ thể, rõ ràng; quy định về điều kiện bảo đảm cho hoạt động của đại biểu HĐND không đồng nhất; việc kiểm tra, đôn đốc giải quyết các yêu cầu, kiến nghị sau giám sát, chất vấn, giải trình chưa được quan tâm đúng mức; việc đặt câu hỏi chất vấn, giải trình chủ yếu do đại biểu chuyên trách thực hiện…


Thường trực HĐND tỉnh Điện Biên giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về khám chữa bệnh tại huyện Điện Biên Đông
Ảnh: Ngọc Quyên

Cần có công cụ hỗ trợ cho đại biểu HĐND

Cần sớm tổng kết việc thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND cấp tỉnh và quyết định mô hình Văn phòng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động cơ quan dân cử, nhất là bảo đảm tính khách quan trong hoạt động giám sát. Đồng thời, để bảo đảm chuyên môn hóa và nâng cao năng lực nghiệp vụ của đội ngũ công chức Văn phòng đáp ứng yêu cầu tham mưu, giúp việc hoạt động của HĐND, Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh, cần tổ chức Văn Phòng tham mưu, giúp việc HĐND tỉnh theo hướng: Ngoài phòng Tổng hợp có thêm các phòng chuyên môn tham mưu, giúp việc theo các lĩnh vực Kinh tế - Ngân sách, Văn hóa - Xã hội, Dân tộc, Pháp chế.

Thực tế, một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát của đại biểu HĐND do một số quy định về hoạt động giám sát còn chưa cụ thể, phù hợp với thực tiễn, như: Chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về trình tự, thủ tục giám sát của Tổ đại biểu HĐND; quyền hạn và trách nhiệm của các chủ thể giám sát, đối tượng chịu sự giám sát. Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 quy định HĐND có thể ra nghị quyết về chất vấn. Tuy nhiên, do kỳ họp HĐND diễn ra trong thời gian ngắn, vì vậy thời gian cho việc xây dựng dự thảo nghị quyết, thẩm tra, xin ý kiến vào dự thảo nghị quyết hầu như không có. Trong khi, Luật chưa quy định trình tự, thủ tục ban hành nghị quyết sau chất vấn cho phù hợp với thực tế kỳ họp HĐND; chưa quy định chế tài xử lý đối với các cá nhân, tổ chức không thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm các kiến nghị của đoàn giám sát... Vì vậy, để bảo đảm hiệu lực và hiệu quả của hoạt động giám sát, cần quy định cụ thể hoạt động giám sát và các chế tài giám sát; quy định trình tự, thủ tục ban hành nghị quyết sau chất vấn.

Để hoạt động giám sát của đại biểu đạt hiệu quả, thông tin phục vụ cho giám sát phải mang tính khách quan, khoa học, độc lập và kịp thời được xử lý từ nhiều nguồn khác nhau. Có thể từ các cơ quan chấp hành; từ tổ chức chính trị - xã hội; từ hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân. Khi có đầy đủ thông tin sẽ giúp đại biểu HĐND phân tích, đánh giá đầy đủ, đúng đắn, khách quan và kiến nghị các biện pháp giải quyết phù hợp. Vì vậy, việc cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin là một trong những yếu tố góp phần nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của đại biểu HĐND.

Để làm được điều này, cần phải có công cụ hỗ trợ cho đại biểu HĐND, trong khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội không quy định cụ thể phương tiện, định mức trang bị phương tiện bảo đảm phục vụ hoạt động của đại biểu HĐND, mà giao cho HĐND tỉnh quyết định, dẫn đến một số tỉnh khó khăn trong triển khai, thực hiện. Vì vậy, rất cần quy định cụ thể phương tiện, định mức trang bị phương tiện bảo đảm phục vụ hoạt động của đại biểu HĐND.

Kịp thời động viên, khích lệ đại biểu hoạt động

Thực tế, họat động giám sát hiện nay chủ yếu do đại biểu chuyên trách thực hiện, vì vậy việc quan tâm nâng cao chất lượng đại biểu hoạt động chuyên trách rất cần thiết, giúp HĐND các cấp nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Vì vậy, các cấp ủy Đảng phải đặc biệt coi trọng đến công tác quy hoạch, bố trí cán bộ HĐND, coi trọng chất lượng và tiêu chuẩn đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách. Các cấp ủy Đảng cần chỉ đạo Đảng đoàn, Thường trực HĐND quan tâm hơn đến việc quy hoạch cán bộ làm công tác dân cử, đặc biệt là bộ máy hoạt động chuyên trách. Quan tâm hơn đến chất lượng, trình độ, năng lực của đại biểu. Cần thoát khỏi tư duy về số lượng hiện nay trong việc quy định đại biểu kiêm nhiệm hay chuyên trách. Số lượng đại biểu chuyên trách không cần nhiều nhưng cần ở vị trí và chất lượng, cân đối hài hòa với vị trí trong cơ cấu chính trị để bảo đảm tiếng nói của HĐND.

Cùng với đó, cần ban hành chính sách đặc thù cho đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách (như chính sách đối với ĐBQH chuyên trách) để động viên, khích lệ đại biểu chuyên trách trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

LÊ HOA