Thường Xuân, thanh hóa phát huy tiềm năng du lịch

Bài cuối: Điểm nhấn thu hút

- Thứ Bảy, 30/11/2019, 06:52 - Chia sẻ
Nhằm khai thác, phát huy các tiềm năng, lợi thế, những năm gần đây, huyện Thường Xuân đã có nhiều giải pháp huy động các nguồn lực phát triển du lịch, trong đó có việc xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, để hiện thực hóa giấc mơ vươn lên của “ngành công nghiệp không khói” vẫn còn nhiều “nút thắt” cần sớm được tháo gỡ như kết cấu hạ tầng, nguồn lực và các sản phẩm du lịch đặc thù…

>> Bài 1: Quê hương của “Quế ngọc châu Thường”

Những bản, làng trong thung lũng

Chúng tôi tới thôn Thanh Xuân (còn gọi bản Mạ, xã Xuân Cẩm) - một trong những thôn nghèo nhất của huyện Thường Xuân trước kia để tìm hiểu về cách làm du lịch cộng đồng của người dân. Hiện ra trước mắt chúng tôi là bức tranh làng quê thủy mặc yên bình, những ngôi nhà sàn khang trang, sạch sẽ nép mình dưới những thung lũng xanh tươi. Trên con đường nhỏ quanh co, chúng tôi đến thăm gia đình ông Lữ Xuân Tiến - một trong những hộ tiên phong làm du lịch cộng đồng của thôn. Trước đây cũng như các hộ khác trong thôn, gia đình ông chủ yếu sống bằng nghề “đi rừng” và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đến năm 2018, được vay hơn 100 triệu đồng, gia đình ông chỉnh trang lại ngôi nhà sàn khang trang để bắt đầu “làm” du lịch. Dù mới đi vào hoạt động nhưng gia đình bắt đầu có nguồn thu từ hoạt động kinh doanh này.


Để thu hút du khách, huyện đang nỗ lực bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, truyền thống của đồng bào các dân tộc

Rời nhà Ông Tiến, chúng tôi tìm đến gia đình Bí thư kiêm trưởng thôn Vi Văn Tiên, hiện gia đình ông cũng đang làm mô hình homestay. Ông cho biết: Toàn thôn có 56 hộ, với 246 nhân khẩu,100% đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Người dân nơi đây vẫn bảo tồn được trên 30 ngôi nhà sàn cổ, duy trì được nghề truyền thống như thêu, dệt thổ cẩm, đan lát, cùng với các nét văn hóa đặc sắc như hát khặp, múa sạp, cồng chiêng, khua luống. Ngoài ra, rất nhiều món ăn đặc trưng chỉ đồng bào Thái mới có, như canh ui, măng rừng, canh đắng, thịt trâu gác bếp, cá nướng...

“Thuận lợi nhất để chúng tôi làm du lịch là từ khi có cây cầu treo bắc qua sông Chu; trong thôn đã hình thành tuyến đường đi bộ, nước sạch và nguồn điện đã được đầu tư cơ bản. Đường lên một số thác suối nối với đường thôn cũng đang được xây dựng. Hiện, du lịch cộng đồng tại thôn đang tập trung vào hai sản phẩm: Đi bộ ngắm cảnh và thưởng thức ẩm thực. Đến hết năm 2018, ước tính có khoảng trên 1.500 lượt du khách đến tham quan và nghiên cứu văn hóa tại bản chúng tôi”, Trưởng Thôn vui vẻ cho biết. 

Cũng như bản Mạ, bản Vịn, xã Bát Mọt cũng nằm trong chiến lược phát triển du lịch cộng đồng của huyện. Từ một bản giáp biên giới xa nhất và cùng nghèo nhất của huyện nhưng tuyến đường bê tông từ trung tâm xã vào bản được hoàn thiện và người dân nơi miền sơn cước bắt đầu làm quen với loại hình du lịch cộng đồng, đời sống của bà con đã được đổi thay đáng kể.

Bản Vịn hay Bản Mạ là hai thôn điển hình của Thường Xuân làm du lịch cộng đồng. Phó Chủ tịch UBND huyện Cầm Bá Đứng cho biết: Theo Quyết định mới đây của UBND tỉnh Thanh Hóa về định hướng phát triển du lịch cộng đồng huyện Thường Xuân đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, không gian du lịch cộng đồng tại huyện sẽ được tập trung vào 3 khu vực trọng tâm. Theo đó, đối với Khu vực thấp, không gian du lịch sẽ gắn với các bản ven sông Chu và hệ sinh thái vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên; có liên kết với các điểm du lịch hồ Cửa Đạt và Đền Cầm Bá Thước. Khu vực thung lũng, phát triển du lịch cộng đồng với hình ảnh “Bản làng trong thung lũng” gắn với hệ sinh thái nhiệt đới Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, liên kết với các điểm du lịch phụ vận Hón Can, hang Cáu, thác Thiên Thủy. Khu vực vùng núi cao gồm Phạm vi xã Bát Mọt và khu vực lân cận…

“Với không gian du lịch đã được định hình, chúng tôi tin chắc rằng đây sẽ là động thực thoát nghèo của bà con và là điểm nhấn trong bức tranh du lịch của toàn huyện” - Phó Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh.  

Tăng cường quảng bá, tuyên truyền

Không chỉ đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch cộng đồng, những năm qua, với những tiềm năng thế mạnh sẵn có, huyện cũng đã tập trung nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch đặc thù như du lịch tâm linh, lễ hội, du lịch sinh thái. Từ đó, số lượng du khách đến với Thường Xuân không ngừng tăng lên. Năm 2018, huyện đã đón được trên 82.000 lượt người. Chỉ tính từ đầu năm 2019 đến nay, lượng khách đã đạt trên 81.000 lượt người. Đặc biệt mới đây, UBND huyện lần đầu tiên đã tổ chức thành công “Tuần lễ văn hóa, du lịch, thể thao năm 2019” với sự tham gia của hàng nghìn du khách. Đây là dịp để Thường Xuân giới thiệu, quảng bá về tiềm năng phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch đến đông đảo du khách. Đồng thời, kết nối với các doanh nghiệp du lịch, lữ hành trong cả nước, tiếp tục mời gọi đầu tư vào huyện, phấn đấu là điểm đến du lịch lý tưởng cho du khách.

Mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu, song thẳng thắn thừa nhận “ngành công nghiệp không khói” của huyện vẫn còn quá “non trẻ” và chịu áp lực cạnh tranh khắc nghiệt từ các vùng du lịch truyền thống trong và ngoài tỉnh như Sầm Sơn, Hoằng Hóa, Như Thanh, Hòa Bình, Sơn La... Bên cạnh đó, mô hình du lịch cộng đồng vẫn còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí; chưa có sự vào cuộc của các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính; các hoạt động du lịch chủ yếu theo thời vụ; các loại hình dịch vụ phục vụ hoạt động vui chơi giải trí tại các khu vực phát triển dịch vụ du lịch chưa có…

Để ngành du lịch của huyện thực sự khởi sắc, Phó Chủ tịch UBND Cầm Bá Đứng cho biết, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Đề án “Phát triển du lịch huyện Thường Xuân giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025” và Quyết định của UBND tỉnh Thanh Hóa về “Định hướng phát triển du lịch cộng đồng huyện Thường Xuân đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Xây dựng Trung tâm đón tiếp khách phục vụ tour du lịch sinh thái lòng hồ Cửa Đạt - Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên.

Đa dạng hóa, xây dựng sản phẩm du lịch mang tính đặc thù của địa phương như: Tham quan Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, tham quan lòng hồ Cửa Đạt và vùng nuôi hải sản nước ngọt. Du lịch rừng, du lịch nghỉ dưỡng khám phá hành trình “Cây di sản” thuộc khu Bảo tồn và nghỉ dưỡng tại các thôn bản (Thôn Đục, Thôn Vịn, xã Bát Mọt). Du lịch thể thao mạo hiểm: Bơi thuyền kayak, lướt ván, mô tô nước trên lòng hồ Cửa Đạt; du lịch học tập lớp kỹ năng sống… Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, mở các tập huấn, đào tạo nghề cho đội ngũ quản lý, hướng dẫn viên và tư vấn du lịch, cho các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ, chủ hộ gia đình kinh doanh dịch vụ du lịch…

BÁCH HỢP