Tiêu chuẩn đại biểu và lựa chọn của cử tri

Bài 5: Gần dân, trọng dân và chịu trách nhiệm trước dân

- Thứ Hai, 09/05/2016, 14:33 - Chia sẻ
(ĐBNDO) – Chúng tôi tất nhiên luôn luôn mong muốn bầu chọn được những đại biểu xứng đáng. Đó phải là người có đủ uy tín, có đủ trách nhiệm, đủ khả năng, điều kiện thực hiện chức trách của mình một cách hiệu quả; đặc biệt đánh giá cao và ủng hộ những đại biểu thực sự gần gũi với thực tiễn đời sống nhân dân, trọng dân, dám chịu trách nhiệm trước dân và có chương trình hành động cụ thể để ngăn chặn sự suy thoái đạo đức xã hội, văn hóa xã hội và sự mất niềm tin trong cộng đồng... Đây cũng chính là mong muốn của cử tri gửi tới ứng cử viên ĐBQH.

>> Bài 4: Bắt đầu mối quan hệ mật thiết

>> Bài 3: Lá phiếu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước

>> Bài 2: Lựa chọn Đức, Tài

>> Bài 1: Niềm tin và trách nhiệm

Đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội

Theo ghi nhận của chúng tôi, những ngày này, khi cuộc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp đang đang đến gần, tại các khu vực niêm yết danh sách ứng cử viên người dân rất quan tâm, họ đến đọc tiểu sử cử tri, xem xét danh sách các ứng cử viên tại khu vực bầu cử của mình. Cử tri trao đổi, tranh luận với nhau về tiêu chuẩn đại biểu, về chương trình hành động của ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp.

Cử tri Phạm Văn Vũ (cán bộ trường Đại học Thái Nguyên) chia sẻ, là một công dân đang sống trên đất nước của mình, đồng nghĩa với việc bản thân phải gắn bó và trách nhiệm thực hiện quyền chính trị quan trọng, là trách nhiệm tự thân của mỗi người. Người dân không tự mình tham gia xây dựng, giám sát bộ máy nhà nước thì cũng thật khó đánh giá hiệu quả hoạt động của người đại diện cho mình.

"Chúng tôi tất nhiên luôn luôn mong muốn bầu chọn được những đại biểu xứng đáng. Đó phải là người có đủ uy tín, có đủ trách nhiệm, đủ khả năng, điều kiện  thực hiện chức trách của mình một cách hiệu quả; đặc biệt đánh giá cao và ủng hộ những đại biểu thực sự gần gũi với thực tiễn đời sống nhân dân, trọng dân, dám chịu trách nhiệm trước dân và có chương trình hành động cụ thể để ngăn chặn sự suy thoái đạo đức xã hội, văn hóa xã hội và sự mất niềm tin trong cộng đồng...". Đây là mong muốn của anh Phạm Văn Vũ, đồng thời là mong muốn chung của nhiều cử tri gửi đến các ứng cử viên ĐBQH.


Nguồn: TTXVN

Tới đây sẽ là lần thứ 2 được đi bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp, cử tri Phạm Văn Khoa (phường 13, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh) bày tỏ anh sẽ bỏ phiếu cho những người mà có chương trình hành động sát với những nổi cộm của thành phố và đất nước hiện nay. Anh đánh giá cao những chương trình hành động có tính chiến đấu cao với tham nhũng, lãng phí, cửa quyền. Làm sao để khi người dân như anh có nhu cầu thì được các cơ quan hành chính nhà nước giải quyết một cách bình thường, nhanh chóng mà không phải đưa phong bì bôi trơn.

“Tôi thích những ứng cử viên có kế hoạch góp phần xóa bỏ những thủ tục hành chính, quy định lỗi thời gây khó cho những người kinh doanh, cho cộng đồng doanh nghiệp của chúng tôi. Thủ tướng Chính phủ vừa mới đây cũng khẳng định quyết tâm đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân. Tôi sẽ bỏ phiếu cho các ứng cử viên quan tâm đến việc tháo gỡ các khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường sống cho người dân chúng tôi. Làm sao để chúng tôi và con cháu chúng tôi được ăn đồ ăn sạch, hít thở không khí trong lành, ở trong những ngôi nhà an toàn và có công việc để làm,” cử tri Phạm Văn Khoa nêu quan điểm.

Với cử tri Nguyễn Thị Hương (Công nhân Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam), chị bày tỏ quan tâm đến đến ứng cử viên nào có chương trình hành động hướng đến việc thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo ra nhiều việc làm cho anh em, bạn bè chị và cho lao động trong xã hội nói chung. Những người đại biểu mà nếu trúng cử họ cam kết sẽ đấu tranh bảo vệ quyền lợi chính đáng, đấu tranh tăng lương, bảo đảm dinh dưỡng trong bữa ăn; bảo đảm môi trường lao động không độc hại cho công nhân, người lao động.

Nâng cao chất lượng giáo dục, khoa học và bảo vệ chủ quyền quốc gia

Cử tri đất nước mình, trong đó có giới trẻ rất quan tâm đến hoạt động bầu cử. Sự quan tâm được thể hiện từ khi giới thiệu ứng cử viên, tiếp xúc cử tri của người ứng cử cho đến khi bầu cử xong. Kể từ cuộc bầu cử QH đầu tiên năm 46, đã có tới 89% cử tri đi bỏ phiếu trong bối cảnh nhiều người dân không biết chữ, chiến tranh lan rộng và sự phá hoại điên cuồng của các thế lực thù địch. Đến những kỳ bầu cử gần đây, các cuộc bầu cử đều có đến trên dưới 98% tổng số cử tri đi bầu cử, đợt bầu cử có số lượng cử tri cao nhất là 99,6%. Con số này thể hiện ý thức chính trị của người dân nước ta đối với thời cuộc, đất nước. - Nguyên chủ nhiệm VPQH Bùi Ngọc Thanh

Chị Nguyễn Thị Hương chia sẻ thêm “Cuộc sống công nhân cũng rất vất vả. Tôi cũng sẽ đặt hy vọng vào những ứng cử viên đưa ra được các chương trình hành động thúc đẩy giáo dục để con em chúng tôi có thể được học tập trong những ngôi trường có chất lượng để có thể phát huy được hết khả năng, sau này trở thành những ông chủ, không phải đi làm thuê như chúng tôi, hay ít ra có thể có nhiều lựa chọn hơn trong công việc, theo đuổi đam mê của mình.”

Là người tâm huyết với sự nghiệp giáo dục cho thế hệ trẻ, cử tri Đỗ Hoàng Sơn (Trung Hoà - Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết sẽ nghiên cứu kỹ chương trình hành động của các ứng cử viên thuộc tổ bầu cử nơi ông cư trú. Ông Đỗ Hoàng Sơn đánh giá cao ứng cử viên nào mà có chương trình hành động rõ ràng, trong đó có các giải pháp thúc đẩy nền giáo dục và KHCN của địa phương, cũng như cả nước phát triển. Ông Sơn mong muốn các đại biểu dân cử sẽ là người tiên phong trong việc hiện đúng tinh thần của Hiến pháp, thực sự coi giáo dục và KHCN là quốc sách hàng đầu.

Ông Đỗ Hoàng Sơn trăn trở, thực tế giai đoạn vừa qua, hai ngành giáo dục và KHCN nước ta, mặc dù có nhiều thành tích, song tổng thể còn rất lạc hậu. Từ đó, tạo ra nguy bất ổn định về mặt kinh tế rồi cả mặt chủ quyền quốc gia, lãnh thổ. Cho nên, các ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp tới đây phải đi tiên phong trong việc đưa ra được các cơ chế chính sách và giám sát thúc đẩy sự phát triển giáo dục và KHCN một cách thực chất, hội nhập.

“Tóm lại, tôi sẽ ưu tiên bỏ phiếu cho các ứng cử viên quan tâm đến giáo dục và phát triển KHCN; những ứng cử viên có định hướng rõ ràng, có những giải pháp cụ thể để thúc đẩy văn hóa đọc cũng như đam mê khoa học của thế hệ trẻ; có hành động cụ thể, hợp lý, khoa học để thúc đẩy nhà nước nâng cao chất lượng giáo dục của đất nước, nuôi dưỡng và khai thác tốt nhất tài sản trí tuệ phục vụ cho sự phát triển bền vững, mạnh mẽ của quốc gia,” cử tri Đỗ Hoàng Sơn khẳng định.

Cử tri Đặng Anh Tú (Tiểu đoàn 3, Trường Sỹ quan Lục quân 1) cho biết, anh em đồng chí đơn vị anh rất mong chờ đến ngày được bỏ phiếu lựa chọn những người đại biểu dân cử ưu tú cho đất nước trong nhiệm kỳ tới. Khẳng định sẽ dành thời gian nghiên cứu kỹ tiểu sử, chương trình hành động của các ứng cử viên, anh Đặng Anh Tú chia sẻ quan điểm sẽ bỏ phiếu cho các ứng cử viên có trình độ kiến thức, có quan điểm đẩy mạnh phát triển kinh tế, phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Trung úy Đặng Anh Tú chia sẻ quan điểm, "đối với các ứng cử viên khối quốc phòng, an ninh, tôi sẽ chọn những người có kinh nghiệm tại các đơn vị cơ sở, bởi các ứng cử viên sẽ có nhiều kiến thức thực tiễn để tham mưu đề xuất với QH có những chính sách phù hợp và sát thực với phương hướng xây dựng quân đội hiện nay. Là một chiến sỹ, tôi sẽ ưu tiên bỏ phiếu cho các ứng cử viên có quan điểm kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên cơ sở đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước; vừa kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia nhưng cũng phải khéo léo, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển.”

Thái Cường