Tiêu chuẩn đại biểu và lựa chọn của cử tri

Bài 4: Bắt đầu mối quan hệ mật thiết

- Thứ Tư, 04/05/2016, 10:32 - Chia sẻ
(ĐBNDO)- Từ 5/4 đến trước 7 giờ ngày 21/5/2016, những người ứng cử ĐBQH chính thức bước vào giai đoạn vận động bầu cử. Đây là giai đoạn sôi động có tính quyết định đến việc cử tri sẽ lựa chọn ai đại diện cho mình và cũng bắt đầu tiến trình thực hiện quyền ủy nhiệm của cử tri cho người đại diện trong cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước nhiệm kỳ 5 năm 2016 – 2021.

>> Bài 5: Gần dân, trọng dân và chịu trách nhiệm trước dân

>> Bài 3: Lá phiếu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước

>> Bài 2: Lựa chọn Đức, Tài

>> Bài 1: Niềm tin và trách nhiệm

870 ứng cử viên ĐBQH đã sẵn sàng vận động bầu cử tại 184 đơn vị bầu cử trong cả nước để bầu 500 ĐBQH. Thời gian “ nước rút”  không nhiều cho vận động bầu cử khi lần đầu người ứng cử trực tiếp tiếp xúc cử tri trình bày chương trình hành động. Và cũng là điểm khởi  đầu cho mối quan hệ mật thiết cử tri- đại biểu nhiệm kỳ mới.

Với mỗi người ứng cử ĐBQH dù là lần đầu hay tái cử thì đây là lần ra mắt quan trọng trước cử tri. Có thể đơn vị bầu cử hoàn toàn mới hay đơn vị cũ khi tái cử. Khó khăn, thách thức, thuận lợi để truyền đạt tới cử tri chương trình hành động hấp dẫn, thiết thức, khả thi là như nhau và phụ thuộc vào năng lực, am hiểu tình hình, khả năng xây dựng và truyền đạt của mỗi ứng cử viên.  

Ảnh minh họa Nguồn: ITN

Vận động bầu cử là dân chủ, công bằng, bình đẳng, đúng pháp luật đối với mỗi người ứng cử. Vấn đề là từng ứng cử viên xác định rõ vị trí vai trò người đại biểu; là chương trình hành động được cá thể hóa như thế nào trong vấn động bầu cử. Chương trình đó gắn với từng vấn đề cụ thể của địa phương nơi mình ứng cử; gắn tâm tư nguyện vong của cử tri rất cụ thể và khác biệt. Những vấn đề lớn của địa phương của đất nước đan xen những vấn đề nóng, bức xúc… đấy là những cơ sở cho mối quan hệ mật thiết giữa người ứng cử và cử tri tương tác tìm đến điểm chung, sẻ chia, tâm huyết, hy vọng và đặt trọn niềm tin.

Đến những nơi mình ứng cử trao đổi, đối thoại, gắp gỡ, lắng nghe, tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, người ứng cử đang sống trong lòng dân,  ý chí của dân là sức mạnh, sự nghiệp của mình.  Muốn thành công phải gắn bó mật thiết với nhân dân, nguyên Chủ tịch Quốc hội khóa XIII Nguyễn Sinh Hùng đề cập hình ảnh xúc tích, giản dị  "Mình như ắc quy, dân là điện. Nếu nạp vào mới chạy được, còn nếu hết điện thì không thể chạy”.

Với cử tri đây là giai đoạn khới đầu đầy hy vọng xây dựng mối quan hệ máu thịt tự cội nguồn sức mạnh trong dân. Đây cũng là giai đoạn lắng nghe, tổng hợp thông tin, khái quát, hình dung người đại biểu của mình và lựa chọn giao nhiệm vụ bằng những kiến nghị  vào chương trình hành động của người ứng cử.

Không phải tất cả các vấn đề kiến nghị đều được giải quyết và giải quyết sớm. Điều này cử tri chia sẻ. Cái chính là phương thức tiếp nhận và theo đuổi vấn đề. Mọi bức xúc đều được được xem xét tình lý; mọi vấn đề phải rõ thẩm quyền, trách nhiệm, thời gian giải quyết; mọi hành vi xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cử tri phải được bảo vệ…

Đôi khi không nhiều, nhưng những quyền lợi ích hợp pháp của cử tri được cam kết bảo vệ và theo đuổi đến cùng mạng lại niềm tin lớn cho cử tri và niềm hạnh phúc thực sự của nhiều vị ĐBQH. “Có những vụ oan sai kéo dài, đeo đuổi cả hai nhiệm kỳ làm ĐBQH, đi sâu, đi sát để tìm hiểu vấn đề đó, thậm chí lật ngược lại cả vụ án, đưa ra ngành tố tụng. Khi được chấp nhận, giải oan được cho người dân, đó là niềm hạnh phúc nhất .” ĐBQH Huỳnh Nghĩa chia sẻ.

Đại biểu giữ mối liên hệ mật thiết với cử tri qua chương trình hành động. Không đơn giản là lời hứa mà là những việc cần làm với vai trò là người đại diện. Có thể thấy từ những vấn đề nóng của dân, của địa phương đến những vấn đề mới nảy sinh, những vấn đề tồn tại lâu dài chưa có lời giải và cả những vấn đề ở tầm quốc gia mà chỉ Quốc hội mới quyết định được. Những vấn đề như vậy là sợi dây kết nối đại biểu – cử tri suốt nhiệm kỳ khởi đầu cho sự giàng buộc trách nhiệm, tâm huyết.

Cử tri tin tưởng đặt trọn niềm tin nhưng cũng không quên giám sát chương trình hành động của mỗi đại biểu. Khi đi tiếp xúc cử tri báo cáo về kết quả hoạt động của mình sau kỳ họp, cử tri đã đưa ra tờ chương trình hành động đầu nhiệm kỳ mà cử tri vẫn giữ, ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm chia sẻ. Cử tri đã soi rọi những điều mà ĐBQH báo cáo với những điều đã hứa với cử tri ở trong chương trình hành động trước đây...

Những điều như vậy cho thấy, cử tri rất quan tâm đến chương trình hành động từ khi ứng cử viên trình bày đến khi thực hiện vai trò ĐBQH. Và đó cũng chính là thời điểm bắt đầu mối quan hệ mật thiết với những thách thức và thành công được cam kết.

Minh Hà