Chính sách việc làm của các nước thời đại dịch

Thúc đẩy việc làm cho giới trẻ

- Chủ Nhật, 09/08/2020, 08:14 - Chia sẻ
Lực lượng lao động trẻ đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế do SARS-CoV-2 gây ra. Điều đó dẫn đến một bài toán cần lời giải đối với các nhà hoạch định chính sách là làm thế nào để tạo công việc ổn định cho họ trong bối cảnh người người, nhà nhà thất nghiệp vì đại dịch.

Giới trẻ - xương sống của mỗi xã hội

Hiện nay, trên toàn thế giới có khoảng 1,8 tỷ người ở độ tuổi 15 đến 35, chiếm 1/4 dân số thế giới. Và lực lượng lao động trẻ luôn được coi là xương sống của mỗi xã hội. Suy thoái toàn cầu dự kiến sẽ khiến cho 25 triệu việc làm bị mất và lao động trẻ là một trong những nhóm đối tượng dễ tổn thương nhất trước nạn thất nghiệp. Trên khắp thế giới, chính họ là những người bị mất việc làm đầu tiên hoặc sẽ phải chuyển sang làm những công việc thiếu an toàn, chất lượng thấp hơn, trả lương thấp hơn và bấp bênh.

Theo ILO, chỉ có 429 triệu lao động trẻ trên toàn thế giới được tuyển dụng; 3/4 làm những công việc không chính thức và chỉ 1/4 làm các công việc chính thức. Và trong số những lao động trẻ đó, 126 triệu người đã phải sống ở mức cực kỳ nghèo (13%) hoặc nghèo vừa (17%). Tỷ lệ lao động nghèo cùng cực và tình trạng làm việc phi chính thức đặc biệt cao ở châu Phi cận Sahara, các quốc gia Ảrập và Nam Á.

Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trên toàn thế giới cao gấp 3 lần so với người bình thường (theo dữ liệu năm 2018 của OECD). Trên thực tế, thị trường lao động trẻ rất nhạy cảm với các chu kỳ kinh tế, và trong thời kỳ khủng hoảng, việc làm của thanh niên bị ảnh hưởng bởi các cú sốc kinh tế mạnh hơn việc làm của người trưởng thành. Trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, 1/10 việc làm ở châu Âu do người lao động dưới 30 tuổi nắm giữ đã bị mất. Ở Tây Ban Nha, Hy Lạp và Ireland, một nửa số thanh niên đang làm việc bị mất việc trong giai đoạn 2007 - 2014. 12 năm sau cuộc suy thoái đó và bất chấp sự phục hồi kinh tế trong toàn khối OECD, tỷ lệ việc làm của thanh niên vẫn trì trệ kể từ năm 2010 và chưa bao giờ phục hồi về mức trước khủng hoảng 2008.

Tác động của đại dịch Covid-19 đối với thị trường lao động trẻ đặc biệt nghiêm trọng ở các nước phát triển, mới nổi và đang phát triển. Các nền kinh tế có tỷ lệ việc làm phi chính thức cao sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi các cú sốc. Các biện pháp phong tỏa, đóng cửa nhằm ngăn chặn sự lây lan của SARS-CoV-2 đồng nghĩa với hàng triệu thanh niên thiếu bảo trợ xã hội, không được hưởng lợi tức khi ốm đau và gặp rủi ro do không được tiếp cận với chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Mặc dù tất cả các thành phần kinh tế đều bị ảnh hưởng bởi đại dịch, nhưng các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động với hàng triệu lao động trẻ được trả lương thấp và kỹ năng thấp bị tác động nghiêm trọng nhất. Thanh niên ở các quốc gia phát triển và đang phát triển chiếm phần lớn lao động trong các ngành thương mại bán buôn và bán lẻ, dịch vụ lưu trú và thực phẩm, vốn là những lĩnh vực thiệt hại nặng vì Covid-19.

Tình hình kinh tế yếu kém ở nhiều quốc gia trước khủng hoảng dự kiến ​​sẽ còn tồi tệ hơn nữa, khiến số thanh niên trở thành NEET trong ngắn hạn tăng nhanh. NEET là từ viết tắt tiếng Anh của “Not in Education, Employment, or Training”. Nó đề cập đến một người thất nghiệp, không được giáo dục hoặc đào tạo nghề. Dự báo sẽ có sự gia tăng công việc tạm thời và bán thời gian với ít ổn định và lợi ích hơn do nhiều công ty trở nên miễn cưỡng quay trở lại mô hình việc làm toàn thời gian.

Nguồn: ITN

Củng cố chính sách việc làm cho thanh niên

Nhận thức rõ vai trò của lực lượng lao động trẻ đối với sự phát triển của nền kinh tế, các quốc gia đã nghiên cứu đưa ra các luật và chính sách thúc đẩy môi trường làm việc cho giới trẻ và giúp họ thích ứng được với yêu cầu của thị trường.

Chẳng hạn, năm ngoái, chính sách phát triển lực lượng lao động trẻ của Scotland (DYW) đã được đưa ra nhằm giải quyết tình trạng thất nghiệp của thanh niên, cải thiện kỹ năng để giúp họ gia nhập thị trường lao động bằng cách tập hợp các nhà giáo dục, người sử dụng lao động, xã hội dân sự, tổ chức thanh niên và chính quyền địa phương để định hình lại chương trình giáo dục và mở rộng chương trình học nghề. DYW kết nối thanh niên với khu vực tư nhân và các cơ hội việc làm lẫn khởi nghiệp của chính phủ. Thực tế, chương trình đã tiếp cận hàng nghìn thanh niên Rwanda từ 16 đến 34 tuổi, nâng cao nhận thức về việc làm, tinh thần kinh doanh, công nghệ thông tin và truyền thông. Chính sách này đóng vai trò như hình mẫu trên toàn châu Phi và hỗ trợ sáng kiến toàn châu Phi nhằm tạo ra 10 triệu việc làm cho thanh niên trong châu lục.

Còn ở Nam Phi, các chương trình việc làm công cộng đã thể hiện thành công chính sách thị trường lao động có thể giúp giảm nghèo, giảm thu nhập thông qua công việc tạm thời cho người thất nghiệp. Cơ hội việc làm tạm thời sử dụng nhiều lao động được tạo ra trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và dịch vụ công cộng có giá trị xã hội, văn hóa và môi trường cao. Một số sáng kiến về đào tạo cũng được đưa ra nhằm tạo 5,6 triệu việc làm cho lực lượng lao động trẻ Nam Phi vào năm 2024.

Trong khi đó, Ủy ban châu Âu mong muốn các nước EU tăng cường hỗ trợ cho giới trẻ thông qua kế hoạch phục hồi mang tên "NextGenerationEU" và ngân sách tương lai của khối. Theo đó, các nước thành viên nên đầu tư ít nhất là 22 tỷ euro cho việc làm của thanh niên. Trong bản nghị quyết về Hướng dẫn việc làm EU được thông qua hôm 10.7, các nghị sĩ châu Âu đã kêu gọi xem xét lại các hướng dẫn sắp tới trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nhấn mạnh đến sự cần thiết phải giải quyết tình trạng thất nghiệp của thanh niên thông qua việc củng cố Chương trình "Youth Guarantee" (Bảo đảm cho giới trẻ). Chương trình này được giới thiệu khi cuộc khủng hoảng việc làm cho giới trẻ lên mức đỉnh điểm vào năm 2013. Mục đích của nó là để bảo đảm cho những người dưới 25 tuổi nhận được lời mời làm việc có chất lượng tốt, tiếp tục học kiến thức, học nghề hoặc trở thành thực tập sinh trong vòng bốn tháng kể từ khi thất nghiệp hoặc rời bỏ giáo dục chính thức. Tháng trước, Nghị viện châu Âu cũng nhất trí tăng ngân sách cho Sáng kiến việc làm cho giới trẻ, vốn là công cụ chính sách chính cho Chương trình "Youth Guarantee" ở các quốc gia EU lên 145 triệu euro cho năm 2020.

Đại dịch Covid-19 cho thấy, kinh tế - xã hội được toàn cầu hóa và mong manh đến mức nào. Nghèo đói và bất bình đẳng thu nhập sẽ hạn chế nghiêm trọng cơ hội có việc làm của thanh niên trong thế giới hậu Covid-19. Vì vậy, đầu tư cho thanh niên có việc làm bền vững và tử tế phải được đặt lên hàng đầu trong hành động chính sách của các quốc gia để từ đó xây dựng một nền kinh tế, xã hội bình đẳng, bao trùm và bền vững.                                                     

Thái Anh