Tên trang: Hệ thống tiểu ban thuộc ủy ban nghị viện trên thế giới

Chức năng, thẩm quyền và cơ chế hoạt động

- Chủ Nhật, 26/07/2020, 07:40 - Chia sẻ
Chức năng cơ bản, khái quát và tiêu biểu nhất của TB là giúp UB giải quyết một hoặc một số công việc thuộc phạm vi thẩm quyền của UB được Nghị viện trao cho. Chức năng này quyết định tới phạm vi thẩm quyền và cơ chế hoạt động của TB.

Phạm vi thẩm quyền

Phạm vi được thiết lập trên cơ sở kết hợp giữa hai yếu tố là phạm vi công việc (phân công) và mức độ trao quyền giải quyết công việc (phân quyền). Phạm vi công việc là giới hạn những công việc cụ thể mà UB phân công cho từng TB. Đây là cách thức phân chia theo chiều ngang hoặc chiều rộng. Theo đó, mỗi TB sẽ phụ trách một hoặc một nhóm công việc nhất định và khi phát sinh công việc liên quan đến mảng đó thì TB tương ứng mặc nhiên có quyền thực hiện.

Thông thường, những công việc có tính ổn định, thường xuyên sẽ được trao cho TB thường trực, còn những công việc đột xuất sẽ được giao cho TB lâm thời… Theo cách thức phân quyền này, về lý thuyết, toàn bộ các mảng công việc của UB có thể được chia về hết cho các TB. Tuy nhiên, trên thực tế, các UB thường giữ lại cho mình một hoặc một số mảng công việc nhất định để giải quyết tại phiên họp toàn thể của UB. Ví dụ, UB Tài chính và Thuế vụ của Hạ viện Mỹ sau khi chia một số mảng công việc về các TB thì vẫn giữ lại mảng công việc về sửa đổi thuế thu nhập trong Bộ luật Thuế vụ. Hay UB Tài nguyên giữ lại các vấn đề liên quan đến người Mỹ bản địa…

Còn mức độ phân quyền là giới hạn về thẩm quyền mà UB trao cho TB để giải quyết một công việc cụ thể. Đây là cách thức phân chia theo chiều dọc. Theo đó, UB có thể trao cho TB quyền giải quyết một mảng thẩm quyền hoặc một hoặc một số công việc trong chuỗi quá trình giải quyết công việc… Tuy nhiên, ở góc độ phân quyền cần lưu ý rằng, trong mọi trường hợp, UB không bao giờ và không thể phân quyền tuyệt đối cho TB. Tức là, TB không làm thay công việc của UB, không chịu trách nhiệm thay UB trước Nghị viện. UB tại phiên toàn thể phải là chủ thể thông qua quyết định cuối cùng về kết quả thẩm tra đối với một dự án luật, mặc dù kết quả đó có thể là tương tự với kết quả làm việc trước đó của TB được thể hiện trong báo cáo trình UB tại phiên họp toàn thể.

Một buổi điều trần của Tiểu ban châu Á - Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ  

Phương thức làm việc

Hoạt động TB ở Nghị viện một số nước cho thấy, điều trần và tổ chức các cuộc họp toàn thể là tiêu biểu và phổ biến nhất, khá tương đồng với hình thức hoạt động của UB. Ví dụ: Điều 97a Quy chế Thượng viện Cộng hòa Séc quy định: “Các quy định cho cuộc họp của UB được áp dụng cho các cuộc họp của TB cho phù hợp”. Mục đích của việc tổ chức các cuộc họp hoặc phiên điều trần là lấy lời khai, thu thập thêm chứng cứ mới từ nhân chứng hoặc đối tượng liên quan để bổ sung, làm rõ, thảo luận, đưa ra những đề xuất, kiến nghị của TB về vấn đề được giao. Các cuộc họp, điều trần của TB được tiền hành định kỳ theo lịch hoặc bất thường (theo triệu tập của Chủ tịch hoặc theo yêu cầu của tỷ lệ nhất định thành viên TB (thường là 1/3 tổng số thành viên TB), nhưng không được diễn ra vào thời điểm Nghị viện hoặc UB mẹ đang tiến hành họp. Ở một số Nghị viện hoạt động thường xuyên như Mỹ, Canada, Scotland thì các cuộc họp, điều trần của UB cũng như của TB còn không được diễn ra trong thời gian Nghị viện nghỉ.

Tất cả Nghị viện các nước đều quy định về sự hợp lệ đối với cuộc họp hoặc điều trần của TB bằng tỷ lệ tối thiểu thành viên của TB tham dự. Cuộc họp, điều trần của TB chỉ được tiến hành khi và chỉ khi đạt được tỷ lệ thành viên tối thiểu theo luật định. Tỷ lệ này được quy định khác nhau, tùy từng nước và tính chất nội dung làm việc. Ví dụ, Luật Thượng viện Mỹ quy định, cuộc họp thông thường của TB được coi là hợp lệ nếu đủ từ 1/3 thành viên trở lên; có thể dưới 1/3 đối với nội dung là công bố, nhậm chức; từ 1/2 khi cần bỏ phiếu.

Nguyên tắc hoạt động

Các TB hoạt động theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số và thường là công khai. Hầu hết cuộc họp, phiên điều trần của TB phải được thông báo trước, công khai (mở cửa, đăng tải hoặc truyền hình trực tiếp) và theo quy trình, thủ tục chặt chẽ. TB chỉ họp kín đối với những trường hợp đã được luật định hoặc phải được đa số thành viên TB đồng ý. Các vấn đề cần họp kín thường có nội dung nhạy cảm như: Liên quan đến bí mật quốc phòng, an ninh, đối ngoại; mang tính chất nội bộ hành chính, thủ tục; đời tư, danh dự, uy tín của cá nhân; có thể tiết lộ danh tính người làm chứng hoặc ảnh hưởng đến tố tụng hình sự; bí mật thương mại, thông tin tài chính…

Cách thức biểu quyết ở TB khá đa dạng và được các áp dụng linh hoạt, có thể là giơ tay, phiếu biểu quyết hoặc ngồi thành khu vực hoặc bỏ phiếu điện tử...; có thể biểu quyết từng nội dung hoặc toàn bộ. Thông thường, chủ tọa sẽ theo quy định của pháp luật để quyết định hình thức biểu quyết. Nếu pháp luật không quy định hình thức bỏ phiếu bắt buộc, chủ tọa có thể quyết định hoặc thành viên tham dự quyết định ngay tại phiên đó. Trên thực tế, kết quả biểu quyết thường ở ba mức độ là (i) đồng ý với dự thảo ban đầu hoặc với sự thay đổi nhỏ. Trong trường hợp này, dự thảo báo cáo của TB sẽ được hoàn thiện sau đó trình UB mẹ; (ii) đề nghị cần chỉnh lý dự thảo theo ý kiến đã được thống nhất tại cuộc họp và sẽ xem xét thông qua tại phiên tiếp theo. Trong trường hợp này, Chủ tọa sẽ thông báo luôn nội dung và lịch làm việc cho phiên điều trần tiếp theo; (iii) không đồng ý và yêu cầu nghiên cứu lại. Trong trường hợp này, coi như dự án bị bác và nếu tiến hành tiếp thì các bước được thực hiện lại từ đầu.

Hình thức và giá trị pháp lý của kết quả làm việc của TB: Kết quả làm việc của TB được thể hiện qua các bản báo cáo và biên bản. Báo cáo này sau khi hoàn thiện sẽ được Trưởng TB ký thay mặt TB để trình lên UB mẹ. Nó phục vụ phiên họp toàn thể của UB mẹ và chỉ có giá trị tham khảo.

Kinh phí và các điều kiện bảo đảm hoạt động của TB: TB không có ngân sách độc lập, không có con dấu, tài khoản riêng. Các chi phí để thực hiện công việc chuyên môn của TB được lấy từ nguồn ngân sách của UB mẹ theo công việc tương ứng. Các chi phí hành chính, quản trị và các điều kiện đảm bảo hoạt động khác thường là do Văn phòng Nghị viện đảm nhiệm.  

Ths. Đỗ Tiến Dũng - Viện Nghiên cứu lập pháp