Giấc mơ nào cho Sa Pa?

Bài 3: Đã có sẵn những nền tảng cần thiết

- Chủ Nhật, 08/09/2019, 08:31 - Chia sẻ
Trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân, PGS. TS. NGUYỄN TẤT ĐẠT, quyền Trưởng khoa Tổ chức xây dựng chính quyền, Đại học Nội vụ Hà Nội cho rằng, thành lập thị xã Sa Pa là cần thiết, xét cả yếu tố lịch sử lẫn tiềm năng phát triển. Hơn nữa, Sa Pa đã có sẵn những nền tảng cần thiết cho sự chuyển đổi này.

>> Bài 2: “Vượt tầm kiểm soát”

>> Bài 1: Vẫn có một Sa Pa lặng lẽ

Sẵn có nền tảng chuyển đổi

- Theo ông, việc chuyển Sa Pa từ huyện trở thành thị xã có những nền tảng nào?

- Trước hết, phải khẳng định rằng việc đưa Sa Pa từ huyện lên thành thị xã là theo xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. Trên thế giới, việc chuyển xã hội nông nghiệp nông thôn sang xã hội công nghiệp, dịch vụ, thương mại và đô thị cũng là xu hướng chung. Ở Mỹ, hiện chỉ có khoảng 2% là khu vực nông nghiệp nông thôn. Ở Việt Nam, năm 1945, khu vực này chiếm hơn 90%, đến nay dù đã giảm còn khoảng gần 70% nhưng như thế vẫn là quá lớn so với thế giới.

 Tuy nhiên, nói theo xu hướng còn phải dựa vào thực tế khách quan. Ở Sa Pa, việc chuyển đổi từ huyện thành thị xã đã có nền tảng từ trước. Năm 1903, người Pháp tìm ra Sa Pa - nơi có thiên nhiên ưu đãi về cảnh quan, có khí hậu ôn hòa, được mệnh danh là “Thủ đô của mùa hè xứ nhiệt đới”. Do đó, họ đã quy hoạch, phát triển thành khu nghỉ dưỡng. Đến năm 1940, Sa Pa có hơn 200 biệt thự. Đây là yếu tố “địa lợi” mà không phải địa phương nào cũng có được. Hiện, tỉnh Lào Cai cũng đã cố gắng để đầu tư cơ sở hạ tầng tương đối tốt như đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, sân bay nội địa Lào Cai dự kiến năm sau đưa vào khai thác, tạo điều kiện thu hút du lịch cho địa phương nói chung và Sa Pa nói riêng.

Thêm vào đó, Sa Pa có cư dân sinh sống lâu đời, đồng thời có rất đông người Kinh lên sinh sống và đã hòa nhập được với văn hóa bản địa mà không có xung đột. Đây là nguồn lực dân cư thuận lợi - yếu tố “nhân hòa” cho việc hình thành đô thị này. Ngoài ra, Sa Pa cách Cửa khẩu Lào Cai không xa cũng là điều kiện kích thích giao thương hàng hóa, mở mang thị trường góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển.

Như vậy, xét cả yếu tố trong lịch sử và tiềm năng phát triển, việc chuyển Sa Pa từ huyện thành thị xã là cần thiết, phù hợp với thực tiễn.

- Tuy nhiên, Sa Pa vẫn còn 2 tiêu chí chưa đạt để trở thành thị xã theo Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 (Nghị quyết 1211). UBND tỉnh Lào Cai đề nghị được áp dụng đối với trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền quốc gia khi xem xét thành lập thị xã Sa Pa, theo Điểm a và Điểm b, Khoản 2, Điều 31 của Nghị quyết 1211. Ông nghĩ sao?

- Sa Pa là địa danh gắn liền với đường biên giới Việt - Trung, có nhiều đơn vị hành chính liên quan đến quốc phòng, an ninh. Như vậy, rõ ràng Sa Pa rơi vào trường hợp đặc biệt.

 Xét về tiêu chí để trở thành đô thị cấp IV thì Sa Pa chưa đủ. Nhưng nếu tính đến yếu tố quốc phòng - an ninh, vị trí địa lý và tiềm năng phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là du lịch và khả năng đầu tư thì việc vận dụng Điểm a và b Khoản 2, Điều 31 của Nghị quyết 1211 là hợp lý.

Thêm vào đó, Điểm c, Khoản 1, Điều 44, Luật Quy hoạch đô thị 2015 quy định: Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch đô thị đối với quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết của khu vực có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa, lịch sử, của quốc gia theo quy định của Chính phủ. Khi vận dụng quy định này cùng với Nghị quyết 1211 cũng có thể tạo ra cơ sở pháp lý cho quyết định chuyển Sa Pa từ huyện lên thị xã.

Phải đặc biệt lưu ý vấn đề quy hoạch

- Ở góc độ tổ chức chính quyền, khi chuyển Sa Pa từ huyện lên thị xã sẽ gặp những thách thức gì, thưa ông?

- Khi chuyển đổi huyện thành thị xã đồng nghĩa chuyển đổi mô hình chính quyền từ nông thôn sang đô thị theo quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015. Đây thực sự là một thách thức! Cụ thể, theo tôi, Sa Pa sẽ phải đối mặt với 2 thách thức.

Một là, đội ngũ cán bộ công chức, viên chức của huyện cần thích ứng mới. Đơn cử, trong chính quyền nông thôn, các làng xã quản lý về an ninh trật tự là lực lượng công an xã. Đây là lực lượng bán chuyên nghiệp, vừa quản lý vừa trực tiếp tham gia lao động sản xuất, chưa được đào tạo bài bản. Nhưng khi chuyển sang chính quyền đô thị đòi hỏi lực lượng này phải là chính quy. Như vậy, lực lượng cũ không đáp ứng được. Thêm nữa, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND thị xã khác huyện. Vì vậy, bản thân cán bộ công chức đang tham gia trong HĐND, UBND phải thay đổi chức năng nhiệm vụ, mở rộng khả năng quản lý đối tượng khác. Bởi khi chuyển sang thị xã đồng nghĩa là thị dân có kinh tế khá độc lập. Họ có dân trí tương đối cao, mức độ phụ thuộc vào làng xã, họ hàng, huyết thống giảm bớt dẫn đến quan hệ xã hội đa dạng và phức tạp hơn rất nhiều so với đối tượng nông nghiệp nông thôn sống trong quần thể cơ chế huyết thống, làng xã quản lý giúp. Điều này đòi hỏi cán bộ công chức quản lý cần được tập huấn, làm quen và có thời gian để điều chỉnh.

Hai là, thách thức thuộc về nội lực. Những cư dân hôm nay đang làm nông nghiệp nông thôn, ngày mai chuyển từ xã thành phường, thành thị xã thì quyết định hành chính nhanh nhưng nhịp sống, điều kiện sống, đặc biệt là nghề nghiệp có thay đổi. Lối sống của thị dân và nông dân khác nhau, nếu không giúp họ chuyển nếp sống văn hóa, việc chuyển đổi này sẽ gây ra những hệ lụy xã hội như tâm lý cá nhân, mâu thuẫn gia đình, mâu thuẫn tộc người, tệ nạn xã hội...

- Vậy theo ông, Sa Pa cần giải bài toán trên như thế nào?

- Muốn giải quyết được những thách thức trên, trước tiên, chính quyền Sa Pa phải đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức trong bộ máy từ huyện lên bộ máy đô thị. Đồng thời, phải luân chuyển người đã có kinh nghiệm quản lý đô thị vào các vị trí mới.

Về phía người dân, cần có lộ trình vì thay đổi nếp nghĩ, thói quen có khi cả đời chưa làm được. Muốn thay đổi được cần có nghiên cứu về xã hội học, tâm lý học, đặc biệt là dân tộc học để giúp họ chuyển đổi phương thức sản xuất, phương thức mưu sinh dẫn đến chuyển biến về tâm lý, thói quen, tập quán, từ đó tạo ra sự thích nghi cho người dân khi chuyển từ nông dân thành thị dân. Còn nếu chỉ dùng quyết định hành chính, sự quyết tâm của chính quyền thì khó có thể chuyển đổi thành công như mong muốn được!

Tóm lại, để việc chuyển đổi từ huyện thành thị xã thành công rất cần sự nỗ lực của chính quyền và người dân địa phương với sự giúp đỡ của Trung ương, của các nhà khoa học. Đặc biệt, nên vận dụng sức mạnh khoa học công nghệ để có những đột phá. Việc quy hoạch Sa Pa cũng cần được đặc biệt lưu tâm, phải có tầm nhìn! Theo đó, Sa Pa có thể thuê các kiến trúc sư, nhất là kiến trúc sư nước ngoài như người Pháp, Mỹ, Nhật Bản… vì họ có công nghệ, thiết bị rất hiện đại và bề dày kinh nghiệm quy hoạch đô thị, để có sự phát triển bền vững, tránh tầm nhìn hạn hẹp, cục bộ địa phương sẽ tổn hại đến sự phát triển trong tương lai.

- Xin cảm ơn ông!

Đan Thanh thực hiện