Hệ thống tiểu ban thuộc ủy ban nghị viện trên thế giới

Vị trí cấu trúc của tiểu ban

- Chủ Nhật, 26/07/2020, 07:38 - Chia sẻ
Là đơn vị nhỏ nhất trong cơ cấu tổ chức của một cơ quan lập pháp, tuy nhiên, hệ thống tiểu ban (TB) đã chứng tỏ được sự vận hành hiệu quả của mình.

Đơn vị nhỏ nhất

TB là bộ phận trực thuộc Ủy ban (UB) và là đơn vị nhỏ nhất trong cơ cấu tổ chức của UB nói riêng và của Nghị viện nói chung. Để khẳng định vị trí này của TB, một số nước hoặc quy định rõ TB là đơn vị nhỏ nhất hoặc nghiêm cấm các UB thành lập đơn vị nhỏ hơn TB, ví dụ như ở Mỹ. Tuy nhiên, ở đây cần lưu ý để phân biệt TB thuộc UB với nhóm đại biểu và TB do Nghị viện thành lập. Ở một số nước tồn tại các nhóm đại biểu (có thể cùng quan tâm tới một vấn đề hoặc cùng đảng phái hoặc cùng đơn vị bầu cử…) nhưng đây không phải là một bộ phận thuộc cơ cấu luật định, vì thường thành lập một cách tự phát, không có cấu trúc tổ chức và thẩm quyền cụ thể. Bên cạnh đó, cá biệt, một số Nghị viện có quyền thành lập các TB trực thuộc Nghị viện trong trường hợp cần thiết, nhưng trên thực tế hiếm khi xảy ra. Ví dụ ở Canada, Malaysia.

Cấu trúc gọn nhẹ

Cấu trúc của TB thường khá đơn giản, gọn nhẹ gồm Trưởng TB, Thư ký và các thành viên. Ở một số Nghị viện còn có Phó Trưởng TB và bộ phận giúp việc. Tổng số thành viên của một TB ở các nước là nhiều ít khác nhau, trung bình từ 5 - 10 người. Một số nước quy định số lượng thành viên tối thiểu và tối đa trong một TB. Ví dụ: Theo Quy chế Nghị viện Sri Lanka năm 1993, số lượng TB tối thiểu phải là 3 thành viên; còn theo quy định của Hạ viện Australia, số lượng tối thiểu phải là 2 thành viên. Trong khi đó, ở Hạ viện Mỹ, Quy tắc 26 của Nhóm đảng Dân chủ có quy định “khi đảng Dân chủ chiếm đa số, không một TB nào có số lượng thành viên vượt quá 60% tổng số thành viên của UB”. Hay trong Điều 95 Quy tắc Thượng viện Canada năm 2010 có quy định “UB lựa chọn có quyền thành lập các TB nhưng số lượng thành viên tối đa không được quá 50% tổng số thành viên UB đó”… Dù chính thức hoặc không chính thức quy định trong luật, việc lựa chọn các chức danh lãnh đạo và tỷ lệ cơ cấu thành viên trong TB thường chịu ảnh hưởng và phản ánh tương quan lực lượng giữa các đảng phái trong UB. Theo đó, đảng chiếm đa số trong UB luôn chiếm ưu thế về số lượng thành viên TB và cử người giữ cương vị Trưởng TB.

Một buổi điều trần của Tiểu ban Nông nghiệp, thuộc Hạ viện Mỹ  

Thẩm quyền thành lập

Nghị viện các nước đều trao thẩm quyền thành lập TB cho UB trên nguyên tắc tùy nghi và có sự kiểm soát. Về cơ bản, có hai loại hình TB là TB thường trực và TB lâm thời. TB thường trực hoạt động thường xuyên trong cả nhiệm kỳ, được thành lập bởi UB thường trực vào đầu nhiệm kỳ và phụ trách một mảng công việc có tính ổn định của UB. Còn TB lâm thời hoạt động trong một khoảng thời gian nhất định (được ấn định ngay khi thành lập hoặc tự giải tán khi hoàn thành nhiệm vụ); được thành lập bất cứ lúc nào và thường để giải quyết những công việc phát sinh đột xuất, phức tạp hoặc nhạy cảm.

Số lượng TB trong một UB khác nhau ở từng Nghị viện, từng UB và từng thời điểm. Ví dụ, trong năm 2011, Thượng viện Mỹ có 12/16 UB thành lập TB, với tổng số 61 TB; trong đó UB Phân bổ Ngân sách có số lượng TB nhiều nhất là 12, còn UB Y tế, Giáo dục, Lao động và Lương hưu có số lượng TB ít nhất là 3. Nhìn chung, đại đa số các nước không quy định giới hạn số lượng TB tối đa và tối thiểu trong một UB.

Ths. Đỗ Tiến Dũng - Viện Nghiên cứu lập pháp