Chính sách việc làm của các nước thời đại dịch

Phụ nữ - đối tượng dễ bị tổn thương

- Chủ Nhật, 09/08/2020, 08:16 - Chia sẻ
Sự gián đoạn của thị trường lao động do đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực tới lực lượng lao động. Trong số đó, nhóm bị ảnh hưởng nặng nề hơn cả là lao động nữ, vốn đã phải chịu nhiều thiệt thòi về tình trạng bất bình đẳng giới tính trong công việc lâu nay.

Những ảnh hưởng không tương xứng

Mặc dù có một số tiến bộ trong những thập kỷ trước, khoảng cách giới vẫn còn đáng kể và dai dẳng trên thị trường lao động toàn cầu trước khi cuộc khủng hoảng Covid-19 bắt đầu. Theo ILO, khoảng cách giới trong tỷ lệ tham gia lực lượng lao động đã thu hẹp đôi chút trong những thập kỷ gần đây, nhưng khoảng cách toàn cầu vẫn được ước tính là 27 điểm phần trăm trong năm 2019. Ở các nước thu nhập thấp và trung bình thấp, nơi có tới 90% lao động là nữ giới được tuyển dụng không chính thức, họ thường có bảo hiểm xã hội thấp hơn. Trong số những người làm công ăn lương, khoảng cách chênh lệnh về lương liên quan đến giới tính vẫn tồn tại ở mức khoảng 20% ​​trên toàn cầu.

       Trong bối cảnh bất bình đẳng giới trong thị trường lao động, đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng không tương xứng đến lực lượng lao động nữ theo những cách chính sau:

Trước tiên, một tỷ lệ lớn lao động nữ làm việc trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cuộc khủng hoảng. Trên toàn cầu, gần 510 triệu người, hay 40% tổng số lao động nữ được tuyển dụng, đang làm việc trong các lĩnh vực chịu nhiều tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, bao gồm dịch vụ lưu trú và thực phẩm; thương mại bán buôn và bán lẻ; bất động sản, kinh doanh cùng các hoạt động hành chính; và cả sản xuất. Tỷ lệ lao động nữ làm việc trong các lĩnh vực khó khăn đặc biệt cao ở Trung Mỹ (58,9%), Đông Nam Á (48,5%), Nam Âu (45,8%) và Nam Mỹ (45,5%).

Ngoài dịch vụ, tại một số phân khúc sản xuất thâm dụng lao động, chẳng hạn như hàng may mặc, lao động nữ rất dễ bị mất việc do hậu quả của tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng và nhu cầu tiêu dùng giảm. Khoảng cách giới trong tỷ lệ lao động phi chính thức ở các ngành khó khăn thậm chí lớn hơn nhiều, với 42% nữ giới làm việc không chính thức trong các lĩnh vực này khi bắt đầu cuộc khủng hoảng, so với 32% của nam giới.

Thứ hai, số lao động nữ làm những công việc trong nhà như giúp việc rất dễ bị tổn thương trước các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19. Theo ước tính của ILO, tính đến ngày 4.6, 55 triệu tương đương 72,3% người giúp việc trên thế giới có nguy cơ mất việc làm và thu nhập do các lệnh phong tỏa xã hội cũng như thiếu bảo hiểm xã hội. Đại đa số, khoảng 37 triệu lao động làm những công việc có nguy cơ đó là phụ nữ. Hơn nữa, người lao động làm giúp việc thường là dân di cư, nên những tổn thương của họ càng trầm trọng thêm bởi thiếu bảo trợ xã hội ở các quốc gia đích cũng như không thể trở lại quê hương do các lệnh phong tỏa và cấm đi lại.

Thứ ba, đại đa số lao động trong lĩnh vực y tế và công tác xã hội là phụ nữ. Trên toàn cầu, phụ nữ đại diện cho hơn 70% số người làm việc trong ngành y tế và công tác xã hội, thậm chí ở một số khu vực phát triển, họ chiếm gần 80% lực lượng lao động y tế. Tuy nhiên, lao động nữ trong lĩnh vực này có xu hướng tham gia vào các công việc có tay nghề thấp và được trả lương thấp hơn, có liên quan đến khoảng cách giới tính rộng hơn (26% ở các nưước thu nhập cao và 29% ở các nước thu nhập trung bình cao). Trong khi đó, nhân viên y tế, đặc biệt là những người chăm sóc bệnh nhân Covid-19, thường phải chịu điều kiện làm việc gian khổ (và đôi khi nguy hiểm).

Nguồn: ITN

Chú trọng hỗ trợ cho phụ nữ làm việc

Trong bối cảnh việc làm của phụ nữ bị đe dọa bởi Covid-19, nhiều quốc gia trên thế giới đã ra một số chính sách xoa dịu những tác hại của khủng hoảng để bảo vệ người lao động.

Mới đây, Quốc hội New Zealand đã thông qua dự luật Trả lương công bằng sửa đổi, tạo khung thương lượng pháp lý cho người lao động để đưa ra yêu cầu được trả lương công bằng với chủ lao động. Động thái này được thực hiện bởi xứ sở của Kiwi có lịch sử lâu đời về trả lương cho lực lượng lao động nữ ít hơn lực lượng lao động nam. Điểm đặc biệt của văn bản trên là nó mở rộng việc áp dụng Luật Trả lương công bằng từ mức lương tương đương cho cùng công việc thành mức lương tương đương cho công việc có giá trị tương đương.

Nhiều quốc gia cũng đưa ra các chính sách tạo điều kiện làm việc linh hoạt cho người lao động thời dịch bệnh, nhất là phụ nữ như làm việc từ xa, làm việc tại nhà. Tuy nhiên, không phải phụ nữ nào cũng được tận dụng lợi thế này bởi phần lớn trong số họ đang làm những công việc không đòi hỏi nhiều kỹ năng, bị trả lương thấp và khó có thể làm từ nhà, nhất là những người làm việc ở các dịch vụ thiết yếu như tiện ích công cộng hay dịch vụ khẩn cấp.

Ở các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), phụ nữ trong các gia đình có cả bố lẫn mẹ đều làm việc có thêm quyền xin nghỉ phép để chăm sóc gia đình thời dịch bệnh khi mà các trường học phải đóng cửa mà không ảnh hưởng đến tương lai việc làm của mình. Thực tế theo luật pháp của hầu hết các quốc gia trên, các bà mẹ (và cả ông bố) đều có quyền xin nghỉ phép để chăm sóc con ốm hoặc những người phụ thuộc. Tại một số nước, bố mẹ có quyền nghỉ làm trong những trường hợp đóng cửa không lường trước được (ví dụ Ba Lan và Slovakia) hoặc “các trường hợp khẩn cấp không lường trước” khác (Australia và Vương quốc Anh), có thể bao gồm việc đóng cửa trường học đột ngột…

Hiện nay, bất ổn kinh tế đang có tác động tiêu cực lên phụ nữ, khiến họ nhiều khả năng mất việc hơn các nhóm khác trong lực lượng lao động. Vì vậy, chính sách giúp duy trì tiêu chuẩn sống trong các trường hợp bị mất việc và thu nhập đặc biệt quan trọng đối với lao động nữ. Nhiều nước đã nghiên cứu nhiều biện pháp hỗ trợ như: Mở rộng khả năng tiếp cận trợ cấp thất nghiệp cho người lao động không đạt tiêu chuẩn; Cung cấp khả năng tiếp cận dễ dàng hơn với các lợi ích dành cho các gia đình có thu nhập thấp, đặc biệt là các bậc cha mẹ đơn thân, chủ yếu là phụ nữ; Xem xét các khoản thanh toán một lần cho người lao động bị ảnh hưởng; Giúp lao động không an toàn về kinh tế ở trong nhà của họ bằng cách đình chỉ sa thải và trì hoãn các khoản thế chấp lẫn hóa đơn tiền điện nước…

Thái Lan đã đưa ra khoản trợ cấp hàng tháng trị giá 500 THB (150 USD), ít nhất trong ba tháng từ tháng 4 - 6.2020 cho người lao động không tham gia bảo hiểm xã hội, miễn là họ đăng ký với một trong ba ngân hàng quốc doanh hoặc đăng ký trực tuyến. Trong khi đó, Ấn Độ giới thiệu gói kích thích bao gồm chuyển tiền mặt và cung cấp các mặt hàng thiết yếu (ví dụ như gạo và khí đốt) cho các nhóm dễ bị tổn thương khác nhau, bao gồm các hộ nghèo, người già và người khuyết tật. Đáng chú ý, gói này bao gồm nhiều biện pháp dành riêng cho phụ nữ, chẳng hạn như mở rộng các khoản vay không cần thế chấp và đưa ra chính sách chuyển khoản tiền mặt hàng tháng trị giá 500 INR (6,6 USD), nhắm mục tiêu cụ thể đến lao động nữ có thu nhập thấp. Tại Nam Phi, một mạng lưới an toàn đang được phát triển để hỗ trợ người lao động, đặc biệt là lao động nữ làm việc trong khu vực phi chính thức, nơi mà hầu hết các doanh nghiệp sẽ phải gánh chịu hậu quả của việc đóng cửa…                                                                             

Linh Anh