Hệ thống pháp Luật Về bảo Vệ môi trường ở Hàn Quốc

Những đặc trưng cơ bản

- Chủ Nhật, 02/08/2020, 07:44 - Chia sẻ
Xem xét hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường của Hàn Quốc có thể nhận thấy, Hàn Quốc có nhiều đạo luật cùng quy định về vấn đề bảo vệ môi trường trong đó có một đạo luật khung chỉ quy định những vấn đề mang tính chung nhất, còn các vấn đề cụ thể được điều chỉnh bằng các đạo luật khác.
Seoul từng đối phó với nạn ô nhiễm không khí

Thứ nhất, Luật khung về Chính sách môi trường của Hàn Quốc không đưa ra quyền và nghĩa vụ cụ thể về bảo vệ môi trường đối với các chủ thể, mà chỉ liệt kê ra các chính sách, công cụ bảo vệ môi trường sẽ được nhà nước áp dụng, bao gồm: tiêu chuẩn môi trường, quy hoạch môi trường, quan trắc và đánh giá môi trường, tuyên truyền giáo dục, khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế, trực tiếp đầu tư, thông báo mức phát thải được phép, kiểm soát đặc biệt đối với hóa chất độc hại, phóng xạ, đối với những khu vực đã bị ô nhiễm, thiệt hại, đánh giá tác động môi trường, giải quyết tranh chấp, giảm thiểu thiệt hại, thuế. Mỗi loại công cụ cũng chỉ được kể tên và đưa ra một số nguyên tắc áp dụng, còn nội dung chi tiết của các công cụ này được thể hiện trong các đạo luật vệ tinh.

Thứ hai, việc bảo vệ nguồn nước được đặc biệt coi trọng và quản lý theo hướng phân loại thành hai nguồn cơ bản gồm các nguồn ô nhiễm tập trung (như nước thải từ các cơ sở công nghiệp hoặc từ các thiết bị xử lý nước) và nguồn ô nhiễm không tập trung (như nước thải sinh hoạt, nông nghiệp, giao thông).

Luật Bảo tồn chất lượng nước và hệ sinh thái nước là một trong những đạo luật quan trọng nhất trong hệ thống pháp luật bảo vệ môi trường ở Hàn Quốc. Luật này bao gồm các chương về quản lý môi trường nước nói chung và phân loại thành lưu vực sông, hồ chứa, đầm lầy; quản lý các nguồn gây ô nhiễm và kinh doanh dịch vụ xử lý nước. Việc đưa ra hai quy chế quản lý khác nhau đối với hai loại nguồn gây ô nhiễm là kinh nghiệm có thể nghiên cứu tham khảo.

Thứ ba, hoạt động quản lý chất thải và quản lý chất nguy hiểm, độc hại được tách riêng để quy định trong hai đạo luật khác nhau và có sự gắn kết chặt chẽ với quá trình sản xuất kinh doanh.

Điều này cho thấy, Hàn Quốc rất coi trọng vấn đề này để bảo vệ môi trường trước quá trình công nghiệp hóa và phát triển kinh tế; đồng thời, tạo cơ chế để gắn liền trách nhiệm bảo vệ môi trường với các doanh nghiệp.

Thứ tư, nhìn chung các đạo luật của Hàn Quốc đều có một chương quy định về các biện pháp chế tài hình sự và hành chính áp dụng đối với hành vi vi phạm.

Đạo luật khung về Chính sách môi trường quy định cụ thể về các hành vi vi phạm tại Điều 27 và mức hình phạt tối đa là 5 năm tù hoặc phạt 50 triệu won.

Luật Bảo tồn chất lượng nước và hệ sinh thái cũng đưa ra hình phạt đối với rất nhiều hành vi vi phạm và cả hình thức xử phạt đối với lỗi vô ý. Ví dụ: hành vi xả thải vượt quá hạn ngạch mà không được phép của cơ quan nhà nước có thể bị xử phạt tù đến 3 năm hoặc phạt tiền không quá 15 triệu won. Các đạo luật của Hàn Quốc không có quy định về đối tượng tác động hay hiệu lực về không gian. Tuy nhiên, hiệu lực về không gian áp dụng chung cho các đạo luật tại Hàn Quốc bao gồm toàn bộ lãnh thổ và các vùng biển thuộc quyền tài phán của quốc gia này. Điều này cũng tương tự như quy định tại pháp luật Trung Quốc.

Quỳnh Vũ