Pháp luật Trung Quốc về bảo vệ môi trường không khí

Luật Ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm không khí năm 2015

- Chủ Nhật, 05/07/2020, 08:20 - Chia sẻ
Trung Quốc có một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường tương đối hoàn chỉnh. Luật Bảo vệ môi trường năm 2015 được xem là luật khung quy định những vấn đề chung, cơ bản nhất, khái quát nhất về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, còn có các luật quy định về việc bảo vệ, quản lý các thành phần quan trọng của môi trường như nước, không khí, chất thải rắn và tiếng ồn. Trong đó, Luật Ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm không khí được Chính phủ Trung Quốc đặc biệt quan tâm nên được ban hành rất sớm vào năm 1987, được sửa đổi vào các năm 1995, 2000 và lần sửa đổi mới nhất là vào tháng 8.2015, chính thức có hiệu lực vào tháng 1.2016.

Luật Ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm không khí gồm 8 chương, 129 điều, ban hành với mục đích bảo vệ và cải thiện môi trường, ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm không khí, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, thúc đẩy sự phát triển cơ sở hạ tầng sinh thái và tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội bền vững, quy định các cơ quan giám sát và quản lý việc phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm không khí; đặc biệt là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương các cấp trong việc phòng ngừa và kiểm soát chất lượng môi trường không khí trong phạm vi quản lý của mình, đưa ra các tiêu chuẩn phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm không khí; quy định về trách nhiệm pháp lý và bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường không khí.

Quy định cụ thể về trách nhiệm

Luật quy định các cơ quan quản lý từ cấp huyện đến trung ương và các cơ quan khác có liên quan đến việc bảo vệ môi trường, phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm không khí phải tích hợp việc phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm không khí vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mình và tăng cường đầu tư tài chính cho vấn đề này (Điều 3).

Chính quyền nhân dân ở cấp tỉnh hoặc cao hơn phải tích hợp việc phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm không khí vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, cũng như tăng cường đầu tư tài chính để hỗ trợ việc phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm không khí.

Chính quyền địa phương các cấp phải chịu trách nhiệm về chất lượng không khí xung quanh trong khu vực mình quản lý, phải có trách nhiệm xây dựng kế hoạch để kiểm soát hay giảm dần lượng khí thải các chất gây ô nhiễm không khí sao cho chất lượng môi trường không khí từng bước được cải thiện và đáp ứng tiêu chuẩn quy định.

Cơ quan có thẩm quyền về quản lý và bảo vệ môi trường của chính quyền địa phương ở cấp tỉnh hoặc cao hơn phải giám sát và quản lý, theo tiêu chuẩn về phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm không khí. Các cơ quan hành chính khác có liên quan khác của chính quyền địa phương ở cấp tỉnh hoặc cao hơn, trong chức năng và nhiệm vụ theo thẩm quyền của mình, phải giám sát và quản lý việc phòng ngừa và kiểm soát nhiễm không khí (Điều 5).

Theo quy định của Luật Phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm không khí năm 2015, cơ quan có thẩm quyền về quản lý và bảo vệ môi trường của chính quyền địa phương ở cấp tỉnh hoặc cao hơn phải giám sát và quản lý, theo tiêu chuẩn việc phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm không khí. Các cơ quan có thẩm quyền về quản lý và bảo vệ môi trường cấp tỉnh hoặc cao hơn phải công bố trên trang website của mình các tiêu chuẩn về chất lượng môi trường không khí và tiêu chuẩn đối với việc thải các chất ô nhiễm vào khí quyển. Công chúng có thể đọc và tải các tiêu chuẩn đó miễn phí. Nhà nước khuyến khích và hỗ trợ các nghiên cứu khoa học, công nghệ để áp dụng vào phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm không khí (Điều 11).

Đối với các doanh nghiệp, các tổ chức, các nhà sản xuất và những người điều hành doanh nghiệp khi thực hiện các dự án, phải có đánh giá tác động môi trường không khí theo quy định của pháp luật và công bố các báo cáo đánh giá tác động môi trường (Điều 18). Đồng thời doanh nghiệp, các tổ chức, các nhà sản xuất và những người điều hành doanh nghiệp khi thải các chất ô nhiễm ra không khí phải tuân thủ các tiêu chuẩn xả thải chất ô nhiễm không khí phù hợp với quy định chung của Nhà nước và các thiết bị xả khí phải được lắp đặt theo quy định của pháp luật và các quy định khác của Bộ Bảo vệ môi trường (Điều 20).

Nguồn: ITN

Các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát 

Để hạn chế nguy cơ ô nhiễm không khí gây ra bởi việc đốt than đá, Luật yêu cầu Các cơ quan có liên quan thuộc Quốc vụ viện và chính quyền địa phương các cấp cần có các các biện pháp để điều chỉnh cơ cấu năng lượng, thúc đẩy sản xuất và sử dụng năng lượng sạch; tối ưu hóa việc sử dụng than đá, giảm lượng khí thải gây ô nhiễm không khí trong quá trình sản xuất (Điều 32). Nhà nước cấm nhập khẩu, bán, đốt và sử dụng than không đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng do Nhà nước quy định, khuyến khích đốt than chất lượng cao (Điều 35).

Chính quyền địa phương các cấp cần có biện pháp tăng cường quản lý than phục vụ dân sinh, nghiêm cấm việc bán than không đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, khuyến khích sử dụng than chất lượng cao, các bếp lò tiết kiệm năng lượng (Điều 36).

Các nhà máy nhiệt điện và các đơn vị sử dụng việc đốt than khác cần có các quy trình sản xuất sạch để khử lưu huỳnh hoặc các biện pháp khác như chuyển đổi công nghệ để kiểm soát việc phát thải các chất ô nhiễm ra không khí (Điều 37).

Đối với nguy cơ ô nhiễm không khí gây ra do sản xuất công nghiệp, Luật yêu cầu các đơn vị sản xuất, nhập khẩu, bán và sử dụng nguyên liệu và các sản phẩm với các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi phải đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng theo quy định. Nhà nước khuyến khích việc sản xuất, nhập khẩu, buôn bán và sử dụng các dung môi hữu cơ có độc tính thấp.

Các doanh nghiệp sản xuất thép, vật liệu xây dựng, kim loại màu, dầu khí và hóa chất có xả ra bụi, chất sulfua và oxit nitơ phải lắp đặt thiết bị để loại bỏ bụi, khử lưu huỳnh hoặc áp dụng các biện pháp nâng cấp công nghệ để kiểm soát việc xả chất ô nhiễm không khí (Điều 43).

Các doanh nghiệp dầu mỏ, hóa chất và những nhà sản xuất và sử dụng các dung môi hữu cơ phải có biện pháp bảo dưỡng thường xuyên và sửa chữa đường ống, thiết bị nhằm giảm sự rò rỉ của vật liệu và phải xử lý kịp thời khi các thiết bị đó bị rò rỉ (Điều 47).

Đối với nguy cơ ô nhiễm thải ra từ các phương tiện cơ giới và tàu thuyền, Luật khuyến khích sử dụng các phương tiện giao thông có lượng xả thải các bon thấp và các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường. Chủ sở hữu các phương tiện giao thông có sử dụng nhiên liệu là xăng, dầu phải phù hợp với quy định về kiểm định.

Các nhà sản xuất xe có động cơ phải tiến hành kiểm định khí thải đối với các sản phẩm mới của họ. Những sản phẩm này nếu không được kiểm định về khí thải, sẽ không được bán trên thị trường. Thông tin liên quan đến việc kiểm định khí thải phải được công bố công khai (Điều 52).

Việc sản xuất, nhập khẩu và bán các loại xe có động cơ và tàu có thải các chất ô nhiễm trong không khí vượt quá giới hạn quy định đều bị cấm (Điều 51). Xe ô tô phải chịu sự kiểm tra thường xuyên của cơ quan kiểm định khí thải. Nếu không được kiểm định sẽ không được lưu hành. Nghiêm cấm sản xuất, nhập khẩu và bán các loại nhiên liệu không phù hợp cho các loại xe có động cơ và tàu, thuyền.

Để ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm không khí do bụi, chính quyền địa phương các cấp phải tăng cường quản lý đối với các công trình xây dựng và hoạt động giao thông vận tải; có trách nhiệm giữ cho đường sạch sẽ, xử lý rác thải, quản lý đường ống nước thải, mở rộng diện tích trồng cỏ trên vỉa hè (Điều 68). Đối với chủ đầu tư các dự án phải có dự toán các chi phí của việc ngăn ngừa ô nhiễm do bụi trong dự án và thỏa thuận với nhà thầu, quy định rõ trách nhiệm của nhà thầu nhằm ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm do bụi. Các nhà thầu xây dựng cần có kế hoạch cụ thể để ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm do bụi tại các công trường xây dựng (Điều 69).

Nhà thầu xây dựng nhà ở, phát triển hạ tầng đô thị, cải tạo sông và phá dỡ các công trình, trước khi thi công phải báo cáo cho các cơ quan có thẩm quyền kế hoạch thi công các công trình đó để các cơ quan có thẩm quyền có thể giám sát và quản lý mức độ ô nhiễm bụi khi xây dựng, cải tạo các công trình.

Khi thi công xây dựng nhà ở, phát triển hạ tầng đô thị, cải tạo sông và phá dỡ các công trình, nhà thầu phải lắp đặt dải phân cách cứng tại công trường xây dựng và có biện pháp hiệu quả để ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm bụi, đồng thời nhà thầu đó phải có trách nhiệm công bố thông tin liên quan về phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm bụi tại các công trường xây dựng đó, bao gồm các biện pháp cụ thể, người phụ trách và các bộ phận có thẩm quyền để giám sát.

Chất lượng môi trường không khí còn bị ảnh hưởng bởi việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tràn lan, không đúng liều lượng gây phát tán một lượng hóa chất độc hại vào không khí. Do đó, Luật này quy định trong quá trình sản xuất nông nghiệp phải sử dụng phân bón, hóa chất nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực theo quy định của Nhà nước để giảm thải các chất gây ô nhiễm không khí như amoniac và các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi. Đối với các trang trại nuôi gia cầm, gia súc cần phải có phương án xử lý nước thải, phân bón an toàn để ngăn ngừa xả khí hôi (Điều 75). Nghiêm cấm việc đốt rơm rạ sau thu hoạch, vì điều đó sẽ gây ra khói, bụi làm ô nhiễm môi trường; Nhà nước khuyến khích và hỗ trợ các nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ sinh học tiên tiến vào xử lý các phế thải từ nông nghiệp; khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ sinh học tiên tiến để xử lý rơm rạ để biến rơm rạ thành phân bón hữu cơ.

Luật cũng nghiêm cấm việc đốt rơm rạ sau thu hoạch, nghiêm cấm việc đốt nhựa đường, vải bạt, cao su, nhựa, da, rác và các chất độc hại khác có thể sản sinh ra khí độc và các loại khí có mùi khó chịu ở khu vực đông dân cư (Điều 82).

Quốc Đạt