Nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn tại kỳ họp HĐND

Bài 2: Buộc người trả lời thực hiện nghiêm các cam kết

- Chủ Nhật, 05/07/2020, 02:28 - Chia sẻ
Trên thực tế, việc công khai thông tin thông qua các kênh truyền thông chính thống và dư luận sẽ tạo áp lực thúc đẩy người bị chất vấn thực hiện cam kết trước đại biểu và cử tri. Đặc biệt, việc ban hành Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn sẽ tạo ra cơ sở pháp lý buộc người trả lời phải thực hiện nghiêm túc các cam kết của mình dưới sự giám sát của đại biểu HĐND và cử tri. Nội dung này đòi hỏi kiến thức và bản lĩnh của Chủ tọa trong đưa ra các kết luận sau mỗi lượt chất vấn, quyết định các nội dung được đưa vào nghị quyết về chất vấn. Sau khi được ban hành, Nghị quyết về chất vấn cần được đôn đốc thực hiện và giám sát đặc biệt.

Sáng tỏ, triệt để hơn vấn đề đặt ra

Cùng với yêu cầu người trả lời chất vấn tại các kỳ họp HĐND tỉnh phần lớn là thủ trưởng có trách nhiệm cao nhất, thường trực HĐND nhiều tỉnh, thành luôn gợi ý và khuyến khích đại biểu chủ động thực hiện các đoạn phóng sự ngắn gửi kèm theo câu hỏi để tăng tính thuyết phục, thực tế và sinh động cho phiên chất vấn - trả lời chất vấn. Một thay đổi đáng lưu ý nữa là một số địa phương đã mạnh dạn thực hiện trong thời gian gần đây là: trước khi bước vào phiên chất vấn, người được hỏi không trình bày báo cáo mà chỉ được phát biểu không quá 5 phút để thông tin cho các đại biểu về vấn đề chất vấn. Đại biểu đặt câu hỏi không quá 3 phút, người trả lời có 5 phút để giải trình; các đại biểu HĐND tỉnh có thể tranh luận khi thấy không thỏa đáng, nhưng thời gian tranh luận không quá 3 phút; thông tin tranh luận phải chính xác, đúng phạm vi chất vấn, mang tính phản biện cao.

Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng trả lời, điều hành phiên chất vấn đã chú trọng theo hướng cùng trả lời, yêu cầu sự tham gia trả lời của giám đốc nhiều sở, ngành liên quan. Cùng với việc phiên họp được truyền hình trực tiếp để cử tri theo dõi, buộc giám đốc sở, ngành phải chủ động chuẩn bị, sẵn sàng tham gia trả lời chất vấn. Điều đó giúp cho vấn đề được làm sáng tỏ, triệt để hơn. Cũng qua đó, nhiều tồn tại trong công tác phối hợp giữa các đơn vị sẽ được phát hiện, yếu tố trách nhiệm của các ngành được làm rõ, qua đó có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.

Bên cạnh truyền hình trực tiếp phiên chất vấn, thường trực HĐND đã chú trọng đặt hàng báo, đài địa phương xây dựng các phóng sự, phỏng vấn các cá nhân liên quan về các nội dung được chất vấn, mở rộng truyền hình trực tiếp các phản hồi, đánh giá, nhận xét của cử tri và nhân dân về phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Việc công khai thông tin thông qua các kênh truyền thông chính thống và dư luận sẽ tạo áp lực thúc đẩy người bị chất vấn thực hiện cam kết trước đại biểu và cử tri.

Đại biểu chất vấn tại Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh Quảng Ninh Khóa XIII

Ảnh: Lê Hà 

Cơ sở pháp lý buộc thực hiện nghiêm các cam kết

Trên thực tế, phiên chất vấn và trả lời chất vấn chỉ thực sự hiệu quả khi những giải pháp, lời hứa được ra khẩn trương được thực thi có trách nhiệm, tạo chuyển biến tích cực trong quản lý, điều hành thực hiện các nhiệm vụ phát triển của địa phương và giải quyết những bức xúc trong dư luận. Đáp ứng mong mỏi này, việc ban hành nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn sẽ tạo ra cơ sở pháp lý buộc người trả lời phải thực hiện nghiêm túc các cam kết của mình dưới sự giám sát của đại biểu HĐND và cử tri.

Nội dung này đòi hỏi kiến thức và bản lĩnh của chủ tọa trong đưa ra các kết luận sau mỗi lượt chất vấn, quyết định các nội dung được đưa vào nghị quyết về chất vấn theo quy định. Gồm: đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của người bị chất vấn, những hạn chế, bất cập và nguyên nhân liên quan đến vấn đề chất vấn; thời hạn khắc phục hạn chế, bất cập; trách nhiệm thi hành của cơ quan, cá nhân và trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết về chất vấn.

Trên thực tế, thời gian diễn ra kỳ họp từ nội dung chất vấn đến việc thông qua nghị quyết khá ngắn. Vì vậy, công tác tham mưu, chuẩn bị cần tập trung cao, gần như đồng thời với quá trình diễn ra chất vấn. Nghị quyết về chất vấn là kết quả hết sức quan trọng của toàn bộ quá trình chất vấn, là cơ sở để HĐND tiếp tục giám sát; là tiêu chí cụ thể để đánh giá mức độ tiếp thu, giải trình và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình điều hành của hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước. Nghị quyết đó cần cụ thể nội dung, xác định rõ đối tượng, thời gian thực hiện, biện pháp khắc phục và trách nhiệm báo cáo kết quả tại kỳ họp HĐND tỉnh.          

Sau khi được ban hành, nghị quyết về chất vấn cần được đôn đốc thực hiện và giám sát đặc biệt. Trên cơ sở nội dung nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, trong chương trình giám sát hàng năm của thường trực, các ban HĐND cần có nội dung giám sát việc thực hiện các nghị quyết của HĐND, trong đó có nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp, theo từng lĩnh vực phụ trách. Tại các kỳ họp thường lệ tiếp theo, thường trực HĐND đề nghị UBND và các đơn vị đã được chất vấn tại kỳ họp trước báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết chất vấn của HĐND thành phố. Đồng thời, rà soát, đối chiếu kết quả thực hiện của các cơ quan, đơn vị với nội dung của nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn để yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị giải trình thêm để đại biểu HĐND thành phố giám sát hoặc tiếp tục tái chất vấn. Đây là căn cứ đánh giá tinh thần trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan được chất vấn; đánh giá việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của ngành chức năng.

THÁI HÒA