Ngòi Là 2 - Giữ vững niềm tự hào thủy lợi Tuyên Quang

Bài 2: Nhiều bất cập trong quản lý, bảo vệ

- Thứ Tư, 02/10/2019, 08:21 - Chia sẻ
Một thời làm nên kỳ tích ngành thủy lợi tỉnh Tuyên Quang nhưng sau gần 45 năm miệt mài hoạt động, hồ Ngòi Là 2 đã xuất hiện nhiều dấu hiệu xuống cấp. Trước thực trạng này, từ năm 2018, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang đã triển khai Dự án sửa chữa, nâng cấp với tổng mức đầu tư 47,9 tỷ đồng nhằm bảo đảm an toàn cho công trình. Cũng từ thời điểm ấy, nhiều bất cập trong công tác quản lý, vận hành, bảo vệ hồ Ngòi Là 2 bắt đầu bộc lộ khiến dư luận không khỏi băn khoăn.

>> Bài 1: Niềm tự hào công trình thủy nông lớn nhất tỉnh

Đẹp mà… chưa đẹp

Dẫu việc sửa chữa, nâng cấp công trình hồ thủy lợi Ngòi Là 2 chưa được hoàn thành nhưng đứng trên những bờ đất cao phía thượng nguồn, phóng tầm mắt về phía hồ có thể thấy cả thân đập như được khoác lên mình tấm áo kẻ ca-rô rất đẹp. Phần bên ngoài mái đập thượng lưu được xây dựng kết cấu bằng lát đá khan chèn chặt trong khung bê tông cốt thép mác 200. Cách thức thi công theo công nghệ mới đã tăng dáng vẻ oai phong và bề thế của công trình từng là niềm tự hào một thời của thủy lợi Tuyên Quang.

Khá thích thú với những gì đơn vị thi công đang làm trên “cơ thể” hồ thủy lợi có tuổi thọ ngót nghét nửa đời người, chúng tôi quyết định đi một vòng quanh đập. Ước chừng khoảng hơn 7km trên chiếc xe máy mượn của anh bạn ở xã Trung Môn, chúng tôi đi hết chu vi hồ. Thật ngạc nhiên, vì cứ đi một đoạn lại bắt gặp ngay những bãi bờ vừa mới được san ủi. Nhiều chỗ ngập nhưng vẫn nhìn rõ những vết cào của máy xúc còn in qua làn nước trong veo. Thấy tôi ngạc nhiên vì chỉ với số vốn gần 50 tỷ đồng mà chủ đầu tư có thể nâng cấp được thân đập, thi công đỉnh đập kết hợp mặt đường, xây nhà điều hành… lại còn san gạt, mở rộng thêm được rất nhiều diện tích lòng hồ, anh bạn tôi nhanh nhảu: “Không phải thế đâu. Ông không thấy tên dự án rành rành là sửa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn hồ chứa nước Ngòi Là 2 hay sao”?

Tôi chưa hết ngạc nhiên, anh bạn lại bồi thêm vào: “Những chỗ đào bới, san ủi ấy không thuộc dự án do Nhà nước làm đâu. Của cá nhân, của người dân hết đấy. Có điểm còn được đóng cọc tre kiên cố, chống sạt lở nhưng tất thảy đều là lấn đất lòng hồ làm ao, hồ nuôi thủy sản và trồng trọt”. Theo ghi nhận của chúng tôi, trong những diện tích lấn chiếm, nhiều nhất là khu vực thôn Động Móc thuộc địa phận xã Chân Sơn, huyện Yên Sơn. Nơi đây quy mô xâm lấn lòng hồ khá bài bản từ việc san lấp lòng hồ thành ao nhỏ, ao lớn và thành hồ rộng cả héc-ta mặt nước. Cũng tùy điều kiện mặt bằng xung quanh hồ (thuộc địa bàn xã Chân Sơn và Trung Môn, huyện Yên Sơn), nơi thấp thì san ủi chiếm đất hồ làm ao; những gò cao thì đất được gạt luôn xuống hồ để mở rộng diện tích đất canh tác của hộ gia đình. 


Phần lấn chiếm diện tích đất hồ gần 1ha ở đầu xóm Động Móc, xã Chân Sơn, huyện Yên Sơn
Ảnh: Phong Nam

 Công trình sửa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn hồ chứa nước Ngòi Là 2 (xã Trung Môn, huyện Yên Sơn) là công trình thủy lợi cấp III do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang làm chủ với tổng mức đầu tư gần 48 tỷ đồng từ vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) và vốn đối ứng trong nước.

Liệu có phải là câu trả lời thỏa đáng?

Hơn 44 năm vận hành khai thác, dung tích hồ chứa chắc chắn không còn nguyên trạng nhưng bản thiết kế cải tạo, nâng cấp và báo cáo của Ban quản lý thì diện tích mặt thoáng vẫn là 50ha và dung tích hồ chứa vẫn là 3,1 triệu m3 nước?  Thêm vào đó, các xã có đất hồ trên địa bàn hàng năm đều có báo cáo biến đổi hiện trạng đất đai, nhưng đất hồ bị lấn chiếm vài năm gần đây không được thể hiện trong bất cứ báo cáo nào tới huyện Yên Sơn. Thực tế, qua nhiều năm miệt mài tích nước và phục vụ nhu cầu thâm canh của bà con vùng hạ lưu, công trình cũng đã “già”. Do phần lòng hồ chứa đựng phần đất phù sa do mưa lũ hàng năm, cùng với lượng lớn phù sa (cơ học) do hoạt động san ủi đã thu hẹp lượng nước tích và lượng nước trong hồ cũng giảm đáng kể so với dung tích thiết kế.

Đem vấn đề lấn chiếm lòng hồ đến cơ quan chức năng từ cấp xã đến tỉnh, chúng tôi tiếp tục nhận được câu trả lời bất ngờ hơn vì mỗi nơi lý giải một kiểu. Tại cơ sở, cụ thể là xã Chân Sơn (huyện Yên Sơn), lãnh đạo xã này thừa nhận, tình trạng lấn chiếm trên là thực tế. Phó Chủ tịch xã Nguyễn Ngọc Cảnh cho biết: Trên địa bàn vừa qua đã phát hiện 7 trường hợp lấn chiếm lòng hồ, với 8 ô thửa. Dù vậy, vị lãnh đạo xã này không nắm rõ về diện tích. Phó Chủ tịch xã Chân Sơn cho biết thêm: Nhiệm vụ ngăn chặn, phát hiện thuộc về ban Quản lý hồ Ngòi Là 2, để xảy ra sai phạm, xâm lấn trước hết trách thuộc về đơn vị này. Về phía UBND xã là đơn vị phối hợp cùng quản lý, tuy nhiên, mối liên hệ giữa xã và Ban quản lý hồ không thường xuyên. Cho nên, chỉ đến khi xảy ra sai phạm, dư luận phản ánh xã mới tiến hành kiểm đếm và thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình là kiểm đếm, xử lý hành chính, yêu cầu các hộ dân ký cam kết khắc phục hiệu quả và không tái phạm.

Tại xã Trung Môn, chúng tôi có trao đổi sự việc trên với cán bộ địa chính xã thì nhận được câu trả lời trên địa bàn xã chỉ phát hiện được duy nhất trường hợp lấn chiếm lòng hồ kể từ khi dự án nâng cấp sửa chữa nâng cấp bảo đảm an toàn hồ chứa nước Ngòi Là 2 được triển khai, đến nay đã xử lý dứt điểm. Tuy nhiên, khi phóng viên cung cấp một số hình ảnh đã ghi nhận được về hành vi xâm lấn lòng hồ thủy lợi Ngòi Là 2 trên địa bàn xã, vị cán bộ này cho biết: Có thể đây là trường hợp đã tồn tại từ lâu. Sở NN và PTNT tỉnh, các cơ quan chức năng không có ý kiến gì thì vẫn tồn tại? “Trung Môn mà có thì đã không ngồi yên được như vậy”, vị cán bộ địa chính xã khẳng định.

Tiếp tục phản ánh đối với lãnh đạo Chi cục Thủy lợi tỉnh Tuyên Quang, chúng tôi được Chi cục Trưởng Nguyễn Chí Thanh khẳng định: Các trường hợp xâm lấn phát hiện vừa qua chủ yếu do người dân lợi dụng tình trạng xả bớt nước phục vụ Dự án nâng cấp đập để tiến hành đào đắp, san lấp thành ao hồ nuôi cá, ruộng để canh tác. “Ngay sau khi nhận được phản ánh, các đơn vị đã tiến hành xử lý nghiêm, đề nghị cam kết khắc phục hoàn toàn trước 15.8.2019. Tuy nhiên, đến thời hạn này thì có mưa lớn, phải tiến hành tích nước phục vụ tưới tiêu, nước dâng cao khiến các thiết bị cơ giới không thể hoạt động được nên vẫn còn một số trường hợp chưa thể trả lại nguyên trạng. “Ngay sau khi mực nước hạ thấp, các cơ quan chức năng sẽ yêu cầu các hộ vi phạm trả lại nguyên trạng tại các vị trí còn lại”, ông Thanh cho biết.

Được biết trước khi Luật Thủy lợi được ban hành, UBND tỉnh Tuyên Quang đã có Quyết định số 37 ra ngày 26.7.2008 về quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Quyết định này quy định rất chặt chẽ công tác quản lý, vận hành khai thác và bảo vệ khá chặt chẽ đối với những công trình theo phân cấp quản lý. Sau đó, khi Luật Thủy lợi có hiệu lực (từ ngày 1.7.2018) cũng quy định rất rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thủy lợi. Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế tại hồ Ngòi Là 2 hiện nay, trong số 11 mục cấm tại Luật đã có đến 4 nội dung vi phạm (mục 2,4,7 và 10). Cơ quan chức năng đã ở đâu trong lúc các hộ dân tiến hành các hoạt động vi phạm đến cả gần nửa năm trời mà không xử lý dứt điểm. “Vì nước hồ hiện đã dâng cao nên chưa thể trả lại nguyên trạng” - liệu có phải là câu trả lời thỏa đáng cho tình trạng xâm lấn ở công trình hồ chứa đã từng làm nên thương hiệu cho ngành thủy lợi Tuyên Quang?

DUY HÙNG – TUẤN NGUYÊN