Hà Giang chung tay xây dựng nhà ở cho đối tượng chính sách

Bài 2: Một đề án, đa mục tiêu

- Thứ Tư, 13/11/2019, 16:03 - Chia sẻ
Ngoài sự tri ân đối tượng người có công và người nghèo là hai mục tiêu trụ cột, Tỉnh ủy Hà Giang còn kỳ vọng đề án sẽ đóng trực tiếp vào gìn giữ an ninh, chủ quyền biên giới, cũng như từng bước thay đổi bộ mặt nông thôn, miền núi trên địa bàn tỉnh…

>> Bài 1: Nhân văn và thật ý nghĩa

Niềm hạnh phúc lan tỏa

Qua khắp các thôn, bản trong tỉnh Hà Giang vào lúc này, cảm giác đầu tiên là tâm trạng phấn khởi và hồi hộp. Hà Giang có cách vận động khá hiệu quả, đó là gia đình nào được chính quyền ưu tiên trước thì cả thôn bản xúm tay vào giúp trước, rồi cứ thế lần lượt xoay vòng đến nhà thứ hai, thứ ba… Bởi vậy, ai có nhà rồi, hoặc đang thi công thì hạnh phúc, vui lắm, ai đang chờ đến lượt gia đình mình thì… hồi hộp và phấn khởi đóng góp ngày công để giúp đồng bào, hàng xóm. Các cựu chiến binh, hộ nghèo đều có chung suy nghĩ: Nếu không có đề án, có lẽ đến cuối đời cũng chẳng dám mơ một mái nhà kiên cố. Bởi vậy mỗi cá nhân, mỗi gia đình cố gắng một chút là thôn bản sẽ khang trang hơn.


Ban Chỉ đạo đề án huyện Vị Xuyên kiểm tra tiến độ xây dựng nhà ở cho các đối tượng chính sách tại thị trấn Vị Xuyên

Dấu ấn của chính quyền địa phương là tác động, thậm chí can thiệp mạnh mẽ để các doanh nghiệp cung cấp kịp thời vật liệu xây dựng cho các hộ gia đình làm nhà khi nguồn kinh phí hỗ trợ chưa được giải ngân. Bên cạnh đó, yêu cầu bằng được các hộ xây dựng nhà theo đúng quy định của tỉnh và phương châm của huyện (nền lát gạch, khung - tường cứng, mái tôn xốp chống nóng và nhà vệ sinh khép kín) để phục vụ cho mục tiêu xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Theo rà soát, huyện Quản Bạ có 255 hộ cần hỗ trợ xây dựng nhà ở. Với hàng trăm ngôi nhà mới xuất hiện nay mai, đó là lý do vì sao huyện rất kỳ vọng đề án sẽ giúp nhiều vùng quê… bừng sáng. “Sau khi đề án triển khai, rất nhiều gia đình khá giả thấy trước tương lai thôn bản sẽ khang trang, nên cũng chủ động trích ra một phần trong tích lũy để xây dựng lại nhà cửa”, Bí thư Huyện ủy Quản Bạ Hoàng Đình Phới bật mí. Giai đoạn 2019 - 2020 huyện đặt mục tiêu thực hiện 99 hộ, trong đó năm riêng 2019 thực hiện xây dựng nhà cho 49 hộ.

Gia đình anh Sùng Thìn Quý, thôn Na Cho Cai là 1 trong 3 hộ nghèo biên giới đầu tiên của xã Nghĩa Thuận được về sống trong ngôi nhà mới theo chương trình hỗ trợ của tỉnh.. Vốn là người được huyện hỗ trợ đi học nghề xây dựng trong vòng 1 năm, nên Quý tự mình quán xuyến việc xây dựng nhà ở cho gia đình. Từ khi có nhà mới, Quý yên tâm hơn hẳn và tự hứa sẽ chi tiêu tiết kiệm hơn để sắm sửa thêm tiện nghi cũng như thăm nom gia đình thường xuyên.
 
Điểm sáng Vị Xuyên

Nhắc đến tỉnh Hà Giang - huyện Vị Xuyên, nhiều người dân Việt sẽ không thể không nói đến sự ác liệt trong những năm diễn ra cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Đó cũng là lý do vì sao nguyên Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang đều đặn lên đây thăm cựu chiến binh, thăm các gia đình liệt sỹ, người có công sau khi nghỉ hưu. Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên Đặng Thị Phương chưa quên hình ảnh các cựu chiến binh đã khóc nức nở, ôm lấy nguyên Chủ tịch Nước mỗi khi nhận bàn giao nhà tình nghĩa.

Với họ, được sống trong những ngôi nhà mới, khang luôn là niềm mơ ước cả đời, không bao giờ họ nghĩ có thể làm được. Hàng trăm cựu chiến binh đã và đang được hưởng niềm vui chất ngất ấy… “Các bác khóc, bởi không biết khi nào mới xây nổi cái nhà để ở”, Phó Chủ tịch Đặng Thị Phương nói. “Bản thân chính quyền địa phương cũng thấy có lỗi vì chưa thể quan tâm đến từng trường hợp một được. Nhà báo biết đấy, xuất phát điểm của Hà Giang còn thấp lắm, bởi kinh tế khó khăn quá!”

Sau khi Tỉnh ủy phát động chương trình, Vị Xuyên là huyện đầu tiên tổ chức quyên góp với đối tượng chính là doanh nghiệp và các nhà hảo tâm trong cả nước. Gần 2 tỷ đồng sẽ giúp xây dựng được 30/111 ngôi nhà mà huyện được giao. Vị Xuyên đi sau nên xứng đáng được về trước. Huyện cũng đã có đề án thành lập thị xã trong tương lai, bởi vậy số nhà mới này sẽ góp phần không nhỏ vào động lực đô thị hóa của địa phương.

Hiện, Hội Chữ thập đỏ huyện đã mở rộng tối đa các kênh riêng để kêu gọi hỗ trợ các gia đình có nhà mới một cái Tết đủ đầy. Rõ ràng, sẽ trọn vẹn hơn nếu những ngôi nhà mới ấy có thêm cành đào, cây quất, đồng quà hay tấm bánh. Xa hơn nữa, quan điểm của huyện là vận động thêm các nhà hảo tâm tập trung lại để tặng bò sinh sản hoặc tạo sinh kế cho bà con, nhằm ổn định đời sống bền vững cho các đối tượng có công. Phó Chủ tịch UBND huyện Đặng Thị Phượng cho biết, nhiều năm nay, huyện Vị Xuyên luôn nhận được sự quan tâm của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam nói chung - nơi nguyên Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang là Chủ tịch danh dự và Hội Chữ thập đỏ các tỉnh, thành phố trong cả nước nói riêng.

Với tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của huyện lên đến trên 40% và toàn huyện có tới 19 dân tộc cùng sinh sống, huyện Vị Xuyên còn rất nhiều khó khăn cần sự chung tay giúp đỡ của nhân dân cả nước. Các hoạt động tri ân, thiện nguyện của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các cấp Hội Chữ thập đỏ đã góp phần động viên, làm vơi bớt khó khăn cho chính quyền và các đối tượng có công trên địa bàn huyện. Thêm nữa, sự nghiêm túc và minh bạch của toàn hệ thống chính trị tỉnh Hà Giang sẽ tạo dựng một niềm tin tuyệt đối để các nhà hảo tâm yên tâm hơn khi lựa chọn địa chỉ đỏ.

Tất cả mới chỉ bắt đầu, và hy vọng chủ trương trên sẽ trở thành một hình mẫu hiệu quả để nhiều địa phương khác có hoàn cảnh tương tự như Hà Giang có thể học tập, triển khai; qua đó xoa dịu nỗi đau mất mát của các cựu chiến binh, gia đình có công và hộ nghèo nơi biên giới

Đức Đồng