Tiêu chuẩn đại biểu và lựa chọn của cử tri

Bài 2: Lựa chọn Đức, Tài

- Chủ Nhật, 01/05/2016, 08:42 - Chia sẻ
(ĐBNDO)- Khi lựa chọn người đại diện cho mình, cử tri sẽ cân nhắc đức, tài của người đó. Đức là ở tâm huyết, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Tài ở tầm nhìn, khả năng nắm bắt thực tế, phương thức giải quyết các thách thức thực sự hiệu quả. Và cử tri là người quyết định. Lá phiếu của cử tri là trách nhiệm, là sự đắn đo, tín nhiệm lựa chọn người tiêu biểu nhất đại diện cho mình tham gia Quốc hội.

>> Bài 1: Niềm tin và trách nhiệm

Làm việc nước bây giờ là hy sinh, là phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung. Những ai muốn làm quan cách mạng nhất định không nên bầu…” Lời căn dặn của Bác trước ngày tổng tuyển cử đầu tiên một ngày, ngày 5.1. 1946 trong buổi ra mắt ứng cử viên tổ chức tại Việt Nam học xá, nay là trường Đại học Bách khoa vẫn vẹn nguyên giá trị thời sự.

Trong bầu cử, tiêu chuẩn, cơ cấu, chất lượng là để tìm cho được những người tiêu biểu nhất, đại diện cho nhân dân tham gia vào Quốc hội… Những tiêu chuẩn ấy được quy định trong luật và ngưới cử phải đảm bảo những cũng khó có thể so sánh hơn kém với các tiêu chí định tính như: Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác


Ảnh minh họa Nguồn: ITN

Vượt lên những quy định khô cứng ấy là tâm huyết, trách nhiệm, động cơ, mục đích ứng cử, là chương trình hành động thiết thực, là qua tiếp xúc cử tri vận động bầu cử...  Những điểm như vậy tuy không thể cân đong, đo đếm cụ thể nhưng lại có được sự cảm nhận, tình cảm, hiểu biết của cử tri dành cho người ứng cử.

Ngay từ hiệp thương giới thiệu gồm nhiều bước từ cơ sở nơi công tác, nơi cư trú… qua xác minh quá trình công tác, sinh sống và những đóng góp cho xã hội thể hiện phẩm chất cá nhân, mong muốn của người ứng cử với những yêu cầu đặt ra sẽ làm ĐBQH. Người ứng cử sẽ là những người đủ tiêu chuẩn để bước vào vận động bầu cử.

Cử tri thường trực tiếp hay gián tiếp tìm hiểu người ứng cử qua chương trình hành động khi tiếp xúc hay thông qua phương tiện thông tin đại chúng. Vận động bầu cử không kéo dài, tập trung ngay sau Hội nghị hiệp thương lần 3 khoảng hơn hai tuần. Ngần ấy thời gian cho vận động bầu cử;  cho những tương tác đầu tiên giữa người ứng cử và cử tri. 

Điều thu hút cử tri là “Chương trình hành động”. Chương trình xây dựng trên sự am hiểu tình hình nơi mình ứng cử và vị trí, vai trò, trách nhiệm của người đại diện cho dân; là những mục tiêu cụ thể đề ra, cách thức thực hiện, là lời hứa của người ứng cử vì lợi ích của nhân dân, của cử tri mà phấn đấu. Đây là dự định, khát vọng, tâm huyết của người ứng cử. Và cử tri lắng nghe, tiếp nhận, lựa chọn và giám sát thực hiện “Chương trình hành động”.

Để hiểu, yêu mến ứng cử viên của mình cử tri cần tìm hiểu kỹ "Chương trình hành động" ; tích cực tham gia các buổi tiếp xúc trước bầu cử. Điều quan trọng làm sao để mỗi cử tri nhận định chính xác, lựa chọn chính xác người đại diện cho dân, của dân và để phục vụ nhân dân? Điều đó trước hết là trách nhiệm của mỗi cử tri cần tìm hiểu rõ từng ứng cử viên những điểm mạnh, điểm yếu và khả năng đảm nhiệm vai trò người đại diện cao nhất và đóng góp vào công việc chung không chỉ qua hồ sơ ứng cử; không chỉ tới ngày bầu cử; không chỉ gián tiếp thông qua người khác…

Khả năng thuyết phục của người ứng cử cũng là điều hết sức quan trọng. Bằng chương trình hành động thiết thực; bằng những cống hiến thực tiễn;  bằng sự lôi cuốn cử tri; bằng sự tâm huyết, nhiệt tình với sự nghiệp dân cử; bằng vị trí, vai trò đảm nhận thực tế, gắn bó mật thiết với cử tri, khả năng giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra, cử tri yêu cầu… khuôn hình người đại diện tới rất gần cử tri của mình.

Mỗi cử tri có trách nhiệm lớn với là phiếu của mình và niềm tin gửi nơi người mình tin tưởng, hy vọng. Đấy chính là sự lựa chọn quyết định xây dựng bộ máy nhà nước thông qua cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập năm 1946 đã khuyên nhủ: “Những người trúng cử sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của tổ quốc, ra sức mưu sự hạnh phúc cho đồng bào. Phải luôn luôn nhớ và thực hành câu: vì lợi nước, quên lợi nhà, vì lợi chung, quên lợi riêng. Phải làm cho xứng đáng với đồng bào, cho xứng đáng với tổ quốc.

Thanh Hà