Thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động tại 3 trường nghề

Bài 2: Dám làm, dám chịu

- Thứ Năm, 12/09/2019, 08:44 - Chia sẻ
Một trong những bài học quan trọng được rút ra sau 3 năm thực hiện đổi mới cơ chế hoạt động của các trường Cao đẳng: Kỹ nghệ II, Công nghệ Quốc tế Lilama2 và Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn là: Dám dấn thân. Mọi việc trong từng khâu, từng phần, nếu chỉ đoàn kết, thống nhất, sáng tạo thôi chưa đủ, những người đứng đầu nhà trường còn phải dám làm, dám chịu.

>> Bài 1: Năng động, sáng tạo hơn

Cân bằng tính “hợp lý - hợp pháp”

Nếu đặt câu hỏi bí quyết thành công của đổi mới là gì cho bất kỳ cán bộ, giáo viên hay người lao động nào của Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II, chắc chắn câu trả lời sẽ là: Sự đoàn kết, nhất trí và thống nhất cao về chương trình hành động của tập thể nhà trường. Quả thật, sau 3 năm thực hiện, không khí đổi mới ở đây vẫn khí thế như những ngày đầu vào cuộc. Từ Đảng ủy, đến Hội đồng trường, Ban giám hiệu, đội ngũ cán bộ chủ chốt, cán bộ, giáo viên đến học sinh, sinh viên, ai cũng ý thức quyền và nghĩa vụ của mình trong mỗi hành động cụ thể. Bởi, tự chủ đã ghi nhận và đánh giá đúng năng lực, vị trí việc làm. Từ đó, người hết mình cống hiến sẽ được trả công xứng đáng; người chưa hết mình sẽ phải tự ý thức thay đổi và vươn lên. Nếu không, tự họ sẽ tước đi cơ hội sống và làm việc của chính mình. Đặc biệt, với công tác tuyển dụng, tự chủ cho phép các trường chủ động lựa chọn nhân sự; đồng thời, tự tạo ra sức hút đối với những người thích chủ động, sáng tạo đến với nhà trường.

Tuy nhiên, theo TS. Bùi Văn Hưng - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II, đoàn kết, thống nhất, sáng tạo thôi chưa đủ, những người đứng đầu nhà trường còn phải dám làm, dám chịu; làm với tâm trong sáng, công khai, minh bạch. Đơn cử, theo Luật, nhà trường không được phép sử dụng tài sản công (mặt bằng chẳng hạn) vào mục đích khác như cho thuê. Nhưng không luật nào cấm nhà trường đưa doanh nghiệp vào hợp tác trên mặt bằng ấy để vừa dạy cho học sinh, vừa làm nơi để các em thực hành sản xuất ra các sản phẩm theo yêu cầu của doanh nghiệp, cung ứng cho thị trường. “Mặc dù quyết định này gặp không ít ý kiến trái chiều nhưng đến nay, lợi ích từ sự hợp tác đó không chỉ dừng lại ở khía cạnh kinh tế (thu khoảng 7 tỷ đồng/năm) mà còn là nơi để học sinh thể hiện năng lực học tập, sáng tạo. Các em vừa được học về kiến thức, kinh nghiệm, vừa có thu nhập ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường” - TS. Bùi Văn Hưng chia sẻ.

Nhìn vào một việc cụ thể của Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II sẽ thấy, trong việc hợp tác giữa nhà trường - doanh nghiệp, nếu lãnh đạo nhà trường không kiên quyết, dũng cảm, sẽ khó đưa ra những hình thức hợp tác mang lại lợi ích cho chính mình và cho học sinh như hiện nay. Đồng thời, nếu đổi mới mà luôn mang tâm trạng “lo ngại” cũng sẽ làm mất đi các cơ hội tốt. Song, theo TS. Bùi Văn Hưng, dũng cảm hay kiên quyết thế nào cũng luôn cân bằng tính “hợp lý và hợp pháp”.


Thường xuyên trao đổi với doanh nghiệp là chìa khóa giúp Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II mở cánh cửa tự chủ
Ảnh: Đức Kiên

Không tách rời doanh nghiệp

Thực tế những năm gần đây, cam kết việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp không còn là vấn đề mới, nhất là đối với 3 trường đang thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động. Tuy nhiên, dám cam kết bằng hợp đồng với phụ huynh và học sinh, sinh viên 100% ra trường có việc làm như Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II vẫn là một hành động đầy bản lĩnh. Rõ ràng, để thực hiện được cam kết không dễ. Ngoài hợp tác với các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp FDI, nhà trường không ngừng mở rộng hợp tác quốc tế, giúp người học luôn được tiếp cận cái mới, hiện đại và tất nhiên, có cả việc nâng cao khả năng ngoại ngữ cho học viên.

Một trong những điểm chung của cả 3 trường là sự gắn bó mật thiết với doanh nghiệp từ khâu xây dựng chương trình, giáo trình, đến đào tạo và bảo đảm đầu ra cho học sinh. Mức độ gắn kết với doanh nghiệp của từng trường cũng đo bằng kết quả tuyển sinh hay mức tăng học phí của từng môn học. Như Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II, 40% module môn học được chuyển xuống doanh nghiệp đào tạo; chuyển đổi 26 nghề đào tạo theo mô hình đào tạo gắn với doanh nghiệp; thu hút 20 cán bộ kỹ thuật từ các doanh nghiệp tham gia giảng dạy tại trường; mỗi khoa lựa chọn được ít nhất 5 “doanh nghiệp chiến lược”; ký 15 hợp đồng cung ứng lao động với nhiều doanh nghiệp và 10 hợp đồng đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp... Kết quả này một lần nữa chứng minh cho việc “muốn đi xa, phải đi cùng nhau”!

Giám đốc nghiệp vụ Công ty TOYOTA Biên Hòa (đại lý cấp độ II thuộc địa bàn Bình Dương - Đồng Nai) Bùi Anh Thuyết cho biết, vốn đã biết đến Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II từ lâu nhưng thực sự bắt tay với nhà trường trong đào tạo và tuyển dụng thì chỉ vài năm trở lại đây. Lý do không gì khác ngoài chất lượng sinh viên sau khi tốt nghiệp. Các em được nhà trường chú trọng rèn kỹ năng; non một nửa khóa học được thực hành trên thiết bị tại doanh nghiệp, vì thế khi bắt tay vào việc, các em không bị lúng túng. “Một điều quan trọng là nhà trường luôn tìm hiểu, lắng nghe những góp ý chuyên môn của doanh nghiệp, do đó giữa hai bên luôn tìm được tiếng nói chung trong xây dựng chương trình giảng dạy”.

Với phương châm “Trường và doanh nghiệp là hai thành tố của thị trường lao động”, các trường luôn trân trọng và tìm mọi cách để gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp. “Sự gắn kết không dừng lại ở hợp tác đơn thuần mà coi doanh nghiệp như là chủ thể, như một phần cơ thể của nhà trường để mang đến cho nhà trường, doanh nghiệp, học sinh những lợi ích thiết thực nhất” - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II, TS. Nguyễn Thị Hằng khẳng định. 

Thái Bình