Phân cấp, phân quyền với việc sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương

Bài 2: Chưa hợp lý, thiếu rõ ràng

- Thứ Ba, 06/08/2019, 08:12 - Chia sẻ
Trong Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành, chính sách phân cấp, phân quyền giữa các cấp hành chính đã được thể hiện rõ về nguyên tắc, yêu cầu, và được cụ thể hóa trên một số lĩnh vực quan trọng của quản lý nhà nước. Về cơ bản, đã có những quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ của các cấp chính quyền trung ương và địa phương. Dẫu vậy, nhìn một cách tổng thể, sự phân định trách nhiệm, quyền hạn của Trung ương và địa phương, cũng như giữa các cấp chính quyền địa phương trong một số lĩnh vực chưa hợp lý, hoặc thiếu rõ ràng, dẫn đến những bất cập theo chiều hướng khác nhau.

>> Bài 1: Phân cấp, phân quyền - nhiệm vụ dang dở

Mới dừng ở mức… rung động không khí

Trước hết, cần khẳng định, việc định hình được nguyên tắc căn bản về phân cấp, phân quyền là một bước tiến của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. Đây sẽ là định hướng chung cho các luật chuyên ngành khi quy định thẩm quyền, trách nhiệm ở từng cấp quản lý trong lĩnh vực đó. Về ý tưởng là vậy, song chính sách phân cấp, phân quyền trong hành chính nhà nước sẽ khó thể phát huy hiệu quả nếu không có khung pháp lý đồng bộ, hoàn chỉnh, thống nhất. Phân cấp, phân quyền, nếu chỉ dừng lại ở nguyên tắc mà không được quy định rõ về cơ chế, phương thức thực hiện, chế tài xử lý… sẽ thật khó đi vào cuộc sống. Thực tế, hiện đa số luật chuyên ngành vẫn ngần ngại, chủ yếu quy định thẩm quyền của Chính phủ, các bộ, ngành, và chỉ một số ít luật quy định thẩm quyền của chính quyền địa phương.

Để khắc phục hạn chế này, trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương trình QH cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Bảy vừa qua, đã bổ sung quy định về nguyên tắc phân cấp, phân quyền cho các luật chuyên ngành. Song, theo các chuyên gia về pháp luật, nội dung được bổ sung trong dự luật lần này trên thực tế… không có gì mới, nếu không muốn nói là đang được thực thi rồi. Nói cách khác, quy định thể hiện như dự thảo Luật mới dừng ở mức “rung động không khí”, khó có thể tạo thay đổi căn bản vấn đề phân cấp, phân quyền.

Chưa triệt để và nghiêm túc

Theo quy định pháp luật và văn bản hướng dẫn hiện hành, chính quyền địa phương được phân cấp, phân quyền nhiều hơn, nhưng chủ yếu vẫn theo chế độ hành chính cấp trên - cấp dưới. Trung ương được hiểu là cấp trên của tỉnh, tỉnh là cấp trên của huyện, huyện là cấp trên của xã. Điều này dẫn đến tình huống là, cấp trên sẽ ôm đồm và có xu hướng không muốn phân cấp, phân quyền cho cấp dưới. Hoặc ngược lại, có tình trạng cấp dưới đẩy việc cho cấp trên, dẫn tới không giải quyết kịp thời các yêu cầu của người dân, doanh nghiệp. Riêng với phân cấp quản lý nhà nước, như ý kiến của ông Trương Hồ Hải, Giảng viên cao cấp - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, thì “chưa được thực hiện triệt để và nghiêm túc”. Mặc dù việc phân cấp Trung ương - địa phương khá mạnh và toàn diện, nhưng điều kiện để thực hiện về tài chính, con người, cơ sở vật chất chưa được chú trọng đầu tư đồng bộ nên làm hạn chế tác dụng của phân cấp. 

Còn theo GS.TS. Nguyễn Đăng Thành, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, thì sự phân định trách nhiệm, quyền hạn của Trung ương và địa phương, cũng như giữa các cấp chính quyền địa phương trong một số lĩnh vực chưa hợp lý hoặc thiếu rõ ràng, dẫn đến những bất cập theo chiều hướng khác nhau. Ví dụ, trong lĩnh vực tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, thẩm quyền quyết định số lượng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các cấp thuộc về Chính phủ. Trên lĩnh vực quản lý nhân sự hành chính nhà nước, sự tự chủ thực sự của các cơ quan trực tiếp sử dụng công chức vẫn chưa được bảo đảm. UBND cấp tỉnh không có quyền tuyển dụng thêm người mới dựa trên nhu cầu công việc nếu không được phân bổ thêm chỉ tiêu biên chế; không có quyền xác định tiêu chuẩn tuyển dụng; không có quyền lựa chọn hình thức thi tuyển… Do chính quyền địa phương không hoàn toàn độc lập như vậy nên dễ có tâm lý dựa dẫm vào cấp trên, không thực sự trưởng thành, không thực sự mạnh mẽ. Thậm chí, đôi lúc đã có tình trạng phân cấp, phân quyền không chính xác, chính quyền địa phương không đủ năng lực song vẫn được phân cấp thực hiện, dẫn đến chỗ không kiểm soát được và để xảy ra không ít tiêu cực. Điển hình trong số này có lẽ phải kể đến phân cấp, phân quyền trong quản lý đất đai. Việc cho phép các huyện ban hành quy hoạch sử dụng đất, cũng như cấp giấy chứng nhận đăng ký đất làm cho số lượng quy hoạch đất quá lớn, dẫn đến nhiều quy hoạch “treo”; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đai sai quy định, vì lợi ích cá nhân dẫn đến hiện tượng tham nhũng đất đai diễn ra khá phổ biến.

Chính sách phân cấp, phân quyền trong hành chính nhà nước gắn rất chặt với yêu cầu kiểm tra, giám sát. Tuy nhiên, vẫn chưa có những hành lang pháp lý cụ thể về vấn đề này, nhất là chế tài xử lý đối với các vi phạm về phân cấp, phân quyền. Mà ví dụ rõ nhất, là việc buông lỏng trách nhiệm hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước ở Trung ương và cấp trên với cấp dưới trong thời gian qua đã dẫn đến tình trạng “phình to” bộ máy tổ chức và biên chế ở cấp dưới, “bên ngoài giảm, bên trong tăng”, “Trung ương giảm, địa phương tăng”… Việc kiểm soát, thanh tra, kiểm tra của chính quyền trung ương đối với hoạt động của các cơ quan chính quyền địa phương trong quá trình phân cấp, phân quyền chưa tốt, dẫn đến không ít địa phương lợi dụng việc phân cấp, phân quyền để đưa ra những quyết sách vì lợi ích cục bộ, hoặc thực hiện quyết sách theo hướng có lợi cho địa phương, thậm chí sẵn sàng vi phạm các quy định mà Trung ương ban hành.

Cũng có ý kiến cho rằng, sở dĩ chính quyền địa phương chưa đủ năng lực thực hiện thẩm quyền được giao có nguyên nhân do cơ quan trung ương cứ “ôm hết”, hoặc hướng dẫn theo cách “cầm tay, chỉ việc”, nên họ không thể trưởng thành, “không chịu lớn”, xuất hiện tâm lý trông chờ, ỷ lại vào cấp trên. Và địa phương cũng không có nhu cầu sáng tạo, vì tâm lý muốn an toàn, hoặc lo sợ khi thực hiện không khéo sẽ thành vi phạm quy định pháp luật.

Nhưng đây chưa phải là nguyên nhân căn bản khiến không ít chính quyền địa phương thiếu động lực để trưởng thành. 

Thanh Hải - Anh Thảo