Thực hiện các FTA mà Việt Nam là thành viên

Bài 1: Lợi ích và thách thức đan xen

- Thứ Năm, 30/07/2020, 08:46 - Chia sẻ
Các FTA mà Việt Nam là thành viên đã có nhiều tác động tích cực tới nền kinh tế nước ta, song cùng với đó là những rủi ro, thách thức. Làm sao để tối đa hóa lợi ích và phòng ngừa rủi ro, vượt qua thách thức từ các FTA là bài toán đặt ra với không chỉ các nhà quản lý và hoạch định chính sách.

Thành quả của quá trình hội nhập

LTS: Hiện nay, Việt Nam đã thiết lập được mạng lưới Hiệp định thương mại tự do (FTA) tương đối rộng, gồm 13 FTA đã ký kết với gần 60 đối tác trên khắp thế giới. Làm thế nào để tận dụng tối đa lợi ích mà các FTA mang lại cũng như hạn chế thấp nhất rủi ro là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm. Xuất phát từ thực tế đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề "Việc thực hiện các FTA mà Việt Nam là thành viên". Báo Đại biểu Nhân dân trân trọng giới thiệu với bạn đọc loạt bài về chuyên đề giám sát quan trọng này.

Kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007 tới nay, Việt Nam đã ký kết 13 FTA, trong đó, 12 FTA đang thực hiện và một FTA đã được Quốc hội phê chuẩn, sắp có hiệu lực thi hành là Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Việt Nam cũng đang đàm phán 3 FTA gồm: Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa 10 nước ASEAN với 6 nước đối tác (Australia, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Ấn Độ); FTA giữa Việt Nam với Khối Thương mại tự do châu Âu (EFTA) và FTA giữa Việt Nam với Israel. Các FTA mà Việt Nam là thành viên đã và đang mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, tạo cơ hội cho Việt Nam kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết, hầu hết mục tiêu chúng ta đề ra khi tham gia các FTA đều đã đạt được. Việc thực thi các FTA đã tác động mạnh tới tăng trưởng xuất khẩu của nước ta. Từ kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 50 tỷ USD năm 2007, khi nước ta gia nhập WTO, đến nay con số này đã tăng gấp 5 lần, ở mức 250 tỷ USD. Riêng với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), sau một năm có hiệu lực, xuất khẩu của Việt Nam sang hầu hết thị trường trong khu vực CPTPP năm 2019 đều tăng mạnh so với năm trước (ngoại trừ Australia giảm và Singapore giữ mức tương đương do chúng ta đã có FTA trước đó). 

Về thu hút đầu tư, chúng ta cũng đạt được mục tiêu, kể cả đầu tư vào công nghệ cao, đầu tư vào chuỗi… Việc thực thi các FTA còn tác động tích cực tới ngành công nghiệp, làm thay đổi cơ cấu xuất khẩu nước ta. Từ hai mặt hàng xuất khẩu chủ đạo trước đây là dầu thô và nông sản thì nay 85% tỷ trọng xuất khẩu hàng năm của nước ta là các mặt hàng chế biến, chế tạo. “Có lẽ chúng ta không ngờ rằng ngày nay Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu lớn về phụ tùng ô tô”, Thứ trưởng Bộ Công thương nói. 

Mặc dù chưa được như mong muốn, song việc thực hiện các FTA cũng đã góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, nhất là nhiều ngành hàng xuất khẩu. Thứ trưởng Trần Quốc Khánh dẫn chứng cụ thể: “Nếu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam không có sức cạnh tranh cao thì các đối tác nước ngoài đã không phải sử dụng đến các biện pháp phòng vệ thương mại chống lại hàng xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian gần đây. Chúng ta cũng không thể đạt được tăng trưởng xuất khẩu ở mức 250 tỷ USD như bây giờ nếu sức cạnh tranh yếu”.

Đánh giá những thành tựu trong thực hiện các FTA mà Việt Nam là thành viên, các thành viên Đoàn giám sát cho rằng, đây là kết quả đan xen với thành quả từ quá trình mở cửa, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta trong suốt 35 năm qua. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu - Phó Trưởng đoàn giám sát khẳng định, việc đàm phán, ký kết, thực thi các FTA phù hợp với đường lối đối ngoại và chiến lược hội nhập kinh tế của Đảng ta. Lợi ích từ các FTA là rất rõ ràng. Thông qua đàm phán, ký kết và thực thi các FTA, uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế cũng ngày càng được khẳng định và nâng cao.

Nguồn: ITN

Nhận diện rõ thách thức

Bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận, quá trình thực hiện các FTA cũng đặt ra nhiều vấn đề cần suy ngẫm. Mặc dù xuất khẩu tăng nhưng Việt Nam vẫn đang là nước nhập siêu từ các thị trường có FTA, do hai thị trường nhập khẩu lớn nhất hàng Việt Nam là Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) đều chưa có FTA được đưa vào thực thi. Theo lý giải của Bộ Công thương, trong 12 FTA đang thực thi, nhiều FTA truyền thống được ký kết với các đối tác có cơ cấu kinh tế, cơ cấu xuất khẩu tương đồng hoặc thậm chí là cạnh tranh với Việt Nam như ASEAN, Trung Quốc, Ấn Độ… nên lợi ích thu được từ các FTA này chưa mang tính đột phá.

Trước dự báo nhập siêu từ các nước ASEAN và Trung Quốc có xu hướng tăng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến đặt câu hỏi, phải giải bài toán nhập siêu như thế nào? Với những nước có cơ cấu kinh tế cạnh tranh thì chúng ta cần điều chỉnh cái gì để tận dụng được tối đa các FTA đã ký với những đối tác này?

Ở khía cạnh khác, ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nêu vấn đề, việc thực hiện các FTA đã góp phần chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu sang các mặt hàng chế biến, chế tạo, nhưng hàng hóa xuất khẩu của ta vẫn đang “chùn chân” ở phân khúc giá trị thấp trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đơn cử, với mặt hàng cà phê, Việt Nam hiện là quốc gia có sản lượng cà phê xuất khẩu lớn thứ hai trên thế giới nhưng giá trị sản phẩm thu được cho các doanh nghiệp trong nước lại không cao. Các nghiên cứu cho thấy, Việt Nam chủ yếu tham gia vào khâu trồng trọt - khâu mang lại giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi giá trị. Do đó, đại biểu đề nghị, cần phân tích, đánh giá kỹ hơn tác động của các FTA và các mục tiêu đạt được trong thực hiện các FTA thời gian qua.

Tham gia các FTA đã thúc đẩy xuất khẩu Việt Nam tăng nhanh, kéo theo đó là độ mở của nền kinh tế lớn, với tỷ lệ xuất nhập khẩu trên GDP lên đến 200%. Trong khi đó, độ mở của nền kinh tế nước ta năm 1985 chỉ khoảng 18%/GDP và con số này là 65%/GDP năm 1995. Với độ mở của nền kinh tế lớn như hiện nay, một số đại biểu đề nghị, cần đặc biệt lưu ý để kiểm soát. ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) phân tích: Độ mở của nền kinh tế lớn khiến Việt Nam phải đối mặt với nguy cơ dễ bị tổn thương, bởi nếu các thị trường nước ngoài có vấn đề thì kinh tế vĩ mô của Việt Nam sẽ gặp khó khăn ngay. Điều này có thể thấy rõ qua những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 tới nền kinh tế nước ta thời gian vừa qua. 

Đồng tình với quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng, nếu như trước đây, chúng ta cảm thấy "an toàn với độ mở của nền kinh tế như vậy thì tình hình thế giới ngày nay đã rất khác". Đã đến lúc nên xem lại độ mở của nền kinh tế. Tuy nhiên, đại diện lãnh đạo Bộ Công thương cũng khẳng định, “nói như vậy không có nghĩa là xoay ngược lại chủ trương mà cần cập nhật chiến lược trong đàm phán, ký kết FTA”. Theo đó, việc lựa chọn đối tác cần hết sức thận trọng và bảo đảm những nguyên tắc nhất định. Việt Nam cần tiếp tục chủ động tìm kiếm các đối tác có tiềm lực về kỹ thuật, khoa học - công nghệ và lựa chọn những đối tác có cơ cấu kinh tế bổ sung cho nền kinh tế nước ta. Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh, kinh tế Việt Nam cũng không thể mãi chạy theo tăng trưởng xuất khẩu mà “phải đi bằng hai chân” - không cách nào khác phải thúc đẩy tiêu dùng trong nước nữa.

Việc thực hiện cái FTA còn tiềm ẩn nhiều rủi ro như vấn đề gian lận xuất xứ hàng hóa, phòng vệ thương mại, giải quyết tranh chấp… Nhận định rõ thực tế này, Đoàn giám sát nêu rõ, hội nhập quốc tế luôn đi kèm với rủi ro và thách thức. Tuy nhiên, kinh nghiệm quốc tế và kinh nghiệm đổi mới, hội nhập của nước ta trong 30 năm qua cho thấy, thời cơ và thuận lợi là chủ yếu. Vì thế, vấn đề đặt ra là cần xác định rõ những hạn chế, bất cập trong thực hiện các FTA; tìm ra nguyên nhân của những hạn chế, bất cập để rút kinh nghiệm và có giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện, tối đa hóa lợi ích mà các hiệp định này mang lại cho Việt Nam.

Nhật An