Chính sách việc làm của các nước thời đại dịch

Khi Covid-19 tấn công thế giới việc làm

- Chủ Nhật, 09/08/2020, 08:18 - Chia sẻ
Trong khi nhân loại vẫn chưa tìm ra được vaccine hay thuốc đặc trị để đẩy lùi và tiêu diệt SARS-CoV-2, đại dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục lan rộng, thậm chí ở nhiều nơi làn sóng thứ hai đã trỗi dậy. Trước tình thế đó, nhiều quốc gia đã phải cân nhắc đến việc áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, từ giãn cách xã hội đến phong tỏa hoàn toàn. Bối cảnh u ám đó đang khiến nhiều người trên toàn thế giới trở nên lo lắng trước tương lai việc làm của họ. Vì vậy, các chính sách để bảo vệ người lao động khỏi những rủi ro mất việc và thúc đẩy các cơ hội việc làm mới là vô cùng khẩn thiết.

Thực tế ảm đạm

Theo "Báo cáo Covid-19 và thế giới việc làm" do Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) mới phát hành lần thứ 5, 93% người lao động trên toàn thế giới đang ở trong hoàn cảnh phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội và đóng cửa nơi làm việc. Tỷ lệ trên vẫn còn tương đối ổn định từ giữa tháng 3, cho dù đến nay các biện pháp phong tỏa được nới lỏng hơn. Tính đến thời điểm này, châu Mỹ đang phải trải qua những hạn chế ở mức cao nhất đối với người lao động và nơi làm việc do dịch bùng phát mạnh ở đây. Thậm chí ở những nước không đòi hỏi phải đóng cửa các cơ quan công sở rộng khắp, nhiều doanh nghiệp vẫn không thể khôi phục hoạt động hết công suất. Vào ngày 15.6, tất cả các quốc gia Ảrập đã có một số yêu cầu đóng cửa nơi làm việc đối với các ngành hoặc đối tượng người lao động cụ thể. Nhìn chung, 81% người lao động ở châu Âu và Trung Á, 69% người lao động châu Phi và 51% người lao động ở châu Mỹ cư trú tại các quốc gia bắt buộc phải đóng cửa nơi làm việc ở một số lĩnh vực nhất định hoặc đối với một số loại người lao động.

          Không chỉ nơi làm việc phải đóng cửa, số giờ làm việc cũng bị giảm sút rất nhiều so với trước đây. Theo số liệu mới nhất của ILO, tổn thất giờ làm việc đã trở nên tồi tệ hơn trong nửa đầu năm 2020, phản ánh tình hình xấu đi trong những tuần gần đây, đặc biệt ở những quốc gia đang phát triển.

           Trong quý đầu tiên của năm 2020, ước tính 5,4% số giờ làm việc toàn cầu (tương đương 155 triệu việc làm toàn thời gian) đã bị giảm so với quý IV năm 2019. Thiệt hại về giờ làm việc trong quý II năm nay so với quý cuối năm 2019 ước tính lên tới 14% trên toàn thế giới (tương đương 400 triệu việc làm toàn thời gian), với mức giảm lớn nhất (18,3%) xảy ra ở châu Mỹ.

Các yếu tố thúc đẩy sự suy giảm thời gian làm việc khác nhau đáng kể giữa các quốc gia có dữ liệu liên quan. Ở một số quốc gia, thời gian làm việc ngắn hơn và “đang được tuyển dụng nhưng không làm việc” (ví dụ, nơi người lao động được nghỉ tạm thời) đã đóng góp đáng kể vào sự suy giảm, trong khi ở những nước khác, yếu tố thúc đẩy chính là người dân bị đẩy vào tình trạng thất nghiệp và không làm việc. Những biến thể này cho thấy rằng, việc tập trung hẹp vào thất nghiệp không cho phép đánh giá đúng mức về tác động của đại dịch trên thị trường lao động.

Ngoài ra, Covid-19 đặc biệt có những tác động không cân xứng với lao động nữ. Ảnh hưởng này thể hiện theo nhiều cách, có thể là nguy cơ mất một số lợi ích của phụ nữ đạt được trong những thập kỷ gần đây hay làm gia tăng bất bình đẳng giới trong thị trường lao động. Trái ngược với các cuộc khủng hoảng trước đây, phụ nữ có nguy cơ mất việc làm cao hơn nam giới, đặc biệt dưới tác động của suy thoái đối với lĩnh vực dịch vụ. Đồng thời, lao động nữ chiếm tỷ lệ lớn trong các ngành nghề tuyến đầu, đặc biệt trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và xã hội. Hơn nữa, gánh nặng chăm sóc không được trả lương do khủng hoảng ảnh hưởng đến phụ nữ nhiều hơn nam giới.

Nguồn: ITN

Viễn cảnh và thách thức chính sách

Theo dự báo của ILO, triển vọng thị trường lao động phục hồi vào nửa cuối năm 2020 là không chắc chắn. Tổn thất về số giờ làm việc có khả năng vẫn còn 4,9% (tương đương 140 triệu việc làm toàn thời gian) trong quý IV của năm. Tuy nhiên, theo kịch bản bi quan hơn, với giả định làn sóng thứ hai của đại dịch trỗi dậy vào nửa cuối năm 2020, tổn thất giờ làm việc sẽ cao tới 11,9% (tương đương 340 triệu việc làm toàn thời gian) trong quý cuối cùng. Thậm chí, ngay cả trong kịch bản lạc quan, với giả định thế giới phục hồi nhanh chóng từ đại dịch Covid-19, giờ làm việc toàn cầu không có khả năng trở lại mức trước khủng hoảng vào cuối năm nay.

Trong bối cảnh không mấy lạc quan đó, ILO cho rằng các chính sách phục hồi việc làm đóng vai trò vô cùng quan trọng. Thực tế, thời gian còn lại của năm 2020 sẽ được định hình bởi những lựa chọn chính sách, hành động cũng như quỹ đạo tương lai của đại dịch. Đến nay, hầu hết quốc gia trên toàn thế giới đã triển khai các nguồn lực ở quy mô chưa từng có để thúc đẩy nền kinh tế và việc làm thông qua tài chính, tiền tệ, bảo trợ xã hội và nhiều chính sách khác. Tuy nhiên, không gian tài khóa bị hạn chế, đặc biệt ở một số quốc gia thu nhập thấp và trung bình.

Nói chung để có thể chuyển sang phục hồi việc làm, các nước sẽ phải giải quyết một số thách thức chủ yếu, bao gồm tìm kiếm sự cân bằng chính sách phù hợp, duy trì can thiệp ở quy mô cần thiết, hỗ trợ những nhóm dễ bị tổn thương và bị ảnh hưởng nặng để giúp thị trường lao động cân bằng hơn, bảo đảm đoàn kết và hỗ trợ quốc tế hay tăng cường đối thoại xã hội và tôn trọng quyền lợi trong công việc. Trong Tuyên bố thế kỷ về việc làm năm 2019, ILO đã cung cấp một số tài liệu tham khảo đặc biệt để giải quyết những thách thức trên, đưa ra cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm để tăng đầu tư vào năng lực của mọi người, vào các tổ chức việc làm và việc làm bền vững cho tương lai.                                                    

Ngọc Minh