Giám sát việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho công nhân

Bài 1: Thiếu gắn bó lâu dài với doanh nghiệp

- Thứ Sáu, 11/09/2020, 07:11 - Chia sẻ
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc đầu tư xây dựng nhà, các công trình phục vụ nhu cầu của công nhân ở khu, CCN còn hạn chế, hiệu quả chưa cao. Việc thiếu nhà ở và các công trình phúc lợi xã hội cho người lao động gần các khu, CCN dẫn đến cuộc sống một bộ phận người lao động gặp khó khăn, người lao động không gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, tỉ tệ biến động lao động trong các KCN hàng năm khoảng trên 40%. Thành lập tổ chức công đoàn tại các CCN còn hạn chế dẫn đến việc bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động chưa được như mong muốn.

Đó là những thực trạng đáng lưu ý qua giám sát chuyên đề việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho công nhân tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh.

Cơ bản thực hiện nghiêm chính sách an sinh xã hội

Đợt giám sát chuyên đề này, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Hải Dương đã giám sát, khảo sát trực tiếp tại một số doanh nghiệp, UBND huyện, thành phố và làm việc với một số sở, ngành, đơn vị liên quan. Để có thêm cơ sở đánh giá, nhận định, Ban đã cử Tổ chuyên viên phát phiếu điều tra xã hội học đến một số người lao động trong khu, cụm công nghiệp trên địa bàn và tổng hợp báo cáo kèm theo.

Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Hải Dương giám sát việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống công nhân
Ảnh: T.Hòa

Kết quả giám sát cho thấy, cơ bản các doanh nghiệp trong KCN, CCN thực hiện nghiêm túc chính sách an sinh xã hội cho người lao động. Nhiều doanh nghiệp trong KCN tiếp tục duy trì được việc làm cho người lao động mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Những năm gần đây, ít xảy ra tranh chấp lao động tập thể tại doanh nghiệp trong KCN, quan hệ lao động trong doanh nghiệp có nhiều tiến bộ. Các nội dung chỉ đạo về chính sách xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân lao động trong KCN đã được các cấp, các ngành quan tâm triển khai. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang triển khai 3 dự án nhà ở xã hội tại khu đô thị dành cho người thu nhập thấp, 2 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân cạnh KCN Đại An, KCN Nam Sách; trong các KCN xây dựng một số công trình văn hóa, thể thao phục vụ công nhân. Một số doanh nghiệp trong khu, CCN xây dựng nhà nghỉ ca cho người lao động...

Cơ sở hạ tầng, giao thông KCN được xây dựng bảo đảm theo quy hoạch được phê duyệt, thuận lợi cho người lao động; công tác an ninh trật tự, môi trường trong KCN được tăng cường. Một số đề án, dự án hỗ trợ công nhân tại các KCN đang tiến hành như hỗ trợ nhóm trẻ độc lập tư thục, xây dựng thiết chế công đoàn. Công tác kiểm tra, phối hợp thanh tra thực hiện các quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp cũng được quan tâm thực hiện.

Thiếu nhà ở và các công trình phúc lợi xã hội

Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp thực hiện chưa tốt pháp luật lao động, như: Thực hiện thời gian làm thêm giờ nhiều hơn quy định, phụ nữ có thai trên 7 tháng và nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi làm thêm giờ; xây dựng và đăng ký nội quy lao động, gửi thang bảng lương chưa kịp thời; chưa xây dựng Quy chế dân chủ, thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể, chưa thực sự quan tâm đến môi trường làm việc, điều kiện vệ sinh an toàn lao động và chế độ độc hại. Nhiều doanh nghiệp chưa xây dựng được các công trình phúc lợi và tạo điều kiện cho người lao động có cơ hội, thời gian tham gia những hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và các hoạt động bổ ích khác.

Theo nhận định của Đoàn giám sát: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp những tháng đầu năm 2020 giảm mạnh so với năm 2019, nhiều lao động sau khi chấm dứt hợp đồng đã đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần nên chế độ lâu dài bị ảnh hưởng. Số lao động trong các KCN giảm đáng kể, 6 tháng đầu năm 2020 đã giảm gần 4.000 lao động, chủ yếu do đơn phương chấm dứt hợp đồng. Một số doanh nghiệp trong CCN phải cắt giảm quy mô sản xuất hoặc đóng cửa, tạm ngừng sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng nhiều đến đời sống việc làm và thu nhập của người lao động.

Trên thực tế, các nhà đầu tư chưa thực sự quan tâm đến việc xây dựng nhà ở cho công nhân. Do ngân sách có hạn nên tỉnh chưa thành lập được Quỹ phát triển nhà ở để hỗ trợ vốn cho nhà đầu tư. Trong số các nhà đầu tư được UBND tỉnh phê duyệt xây dựng nhà ở xã hội, mới có 1 dự án nhà ở xã hội CT2 khu đô thị Tuệ Tĩnh vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Việc đầu tư xây dựng nhà, các công trình phục vụ nhu cầu của công nhân ở khu, CCN còn hạn chế, hiệu quả chưa cao. Việc thiếu nhà ở và các công trình phúc lợi xã hội cho người lao động gần các khu, CCN dẫn đến cuộc sống một bộ phận người lao động gặp khó khăn, người lao động không gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, tỉ tệ biến động lao động trong các KCN hàng năm khoảng trên 40%. Nhiều lao động không đăng ký ở tại ký túc xá hay nhà ở cho công nhân trong KCN mà thuê nhà trọ giá rẻ (khoảng 26% lao động trong các KCN), điều kiện sống không bảo đảm, an ninh trật tự phức tạp, nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần còn nhiều thiếu thốn...

Với mức thu nhập bình quân từ 5 - 8 triệu đồng/tháng, đa số người lao động đều muốn làm thêm giờ để tăng thu nhập; thời gian làm việc nhiều và phải dành thời gian cho công việc gia đình nên thời gian sinh hoạt văn hóa, thể thao sau giờ làm rất hạn chế, đời sống vật chất, tinh thần còn gặp nhiều khó khăn. Công tác tuyên truyền, phổ biến còn hạn chế, trong khi ý thức tự giác nghiên cứu chưa cao và thời gian làm việc nhiều nên người lao động không tìm hiểu sâu về chính sách pháp luật, nhất là pháp luật liên quan đến người lao động. Trong khi đó, việc thành lập tổ chức công đoàn tại các CCN còn hạn chế, việc bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động chưa được như mong muốn.

THÁI HÒA