Pháp luật Trung Quốc về bảo vệ môi trường không khí

Hệ lụy của xã hội công nghiệp

- Chủ Nhật, 05/07/2020, 09:01 - Chia sẻ
Ô nhiễm không khí đã trở thành vấn đề toàn cầu, đe dọa trực tiếp sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững, sự tồn tại, phát triển của các thế hệ hiện tại và tương lai, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển, trong đó có các quốc gia châu Á. Theo một báo cáo gần đây, bụi siêu vi PM2.5 và khí ozone là hai nguyên nhân hàng đầu khiến hơn 1,1 triệu người Trung Quốc chết trẻ và khoảng 20 triệu tấn nông sản hư hại mỗi năm.

Ô nhiễm không khí là gì?

Ô nhiễm không khí có thể hiểu là hiệu ứng gây ra bởi các chất rắn, chất lỏng hoặc chất khí trong không khí có tác động xấu đến môi trường xung quanh và con người. Nguyên nhân do các hiện tượng tự nhiên (từ bụi cháy rừng và núi lửa) hoặc từ hoạt động của con người trong quá trình sản xuất công nghiệp, do đốt các nhiên liệu hóa thạch như than, dầu khí… tạo ra CO2, CO, SO2, Nox… các chất hữu cơ chưa cháy hết muội than, bụi; quá trình thất thoát, rò rỉ trên dây chuyền công nghệ; quá trình vận chuyển các hóa chất bay hơi bụi.

Xét về phương diện pháp lý, ô nhiễm không khí được hiểu là sự thay đổi tính chất không khí vi phạm tiêu chuẩn mà pháp luật đã quy định. Đó là tình trạng trong không khí có xuất hiện chất lạ hoặc có sự biến đổi quan trọng trong thành phần không khí làm thay đổi tính chất lý, hóa vốn có của nó, vi phạm tiêu chuẩn môi trường do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, gây ra những tác động có hại cho con người và thiên nhiên.

Nguồn: ITN

Nguy cơ từ các hạt bụi mịn

Một trong những chất gây ô nhiễm nguy hại nhất là các hạt trôi nổi (particulate matter) - những hạt dạng lỏng hoặc rắn rất nhỏ trôi nổi trong không khí. Các hạt này có thể do nhiều chất khác nhau tạo nên, như cacbon, sulfua, khí nitơ, và các hợp chất kim loại… Trong đó, bụi PM10 là các hạt bụi lơ lửng có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 10 µm (micromet); PM2.5 là các hạt bụi lơ lửng có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2.5 µm (micromet) hoặc khoảng một phần ba chiều rộng của một sợi tóc người. Do kích thước nhỏ, các hạt này có khả năng thâm nhập sâu vào phổi, tích tụ trên phổi, gây ra nguy hại cho sức khỏe con người. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), kích thước hạt là yếu tố quan trọng nhất trong việc xác định nơi các hạt lắng đọng trong phổi. So với các hạt lớn, hạt mịn có thể bay lơ lửng trong không khí trong khoảng thời gian dài hơn và di chuyển trên một khoảng cách dài hơn. Một số nghiên cứu cho thấy hạt mịn có tác động mạnh tới đường hô hấp ở trẻ em hơn hạt lớn. Hạt lớn hơn 10 micromet hiếm khi có thể qua được đường khí trên, trong khi các hạt mịn nhỏ hơn 2 micromet có thể đi tới tận các phế nang, và có thể xâm nhập các bức tường của phổi, đi vào máu. Lượng bụi PM2.5 trung bình tại các thành phố của Trung Quốc là 48 microgram/mét khối, nhiều gấp đôi so với mức bình quân tại các thành phố khác trên thế giới.

Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh, hít thở không khí ô nhiễm làm tăng nguy cơ mắc bệnh suy nhược và gây chết người như bệnh tim, đột quỵ, ung thư phổi và viêm phế quản mãn tính. Ô nhiễm không khí là nguy cơ gây tử vong hàng thứ tư trên thế giới, gây ra một phần mười số tử vong vào năm 2013. Đồng thời, ô nhiễm không khí từ các ngành công nghiệp, công trường xây dựng, nông nghiệp, các phương tiện xe cộ và việc đốt các nguồn năng lượng bẩn tiếp tục phát triển.

Mỗi năm, nền kinh tế Trung Quốc thiệt hại 38 tỷ USD vì ô nhiễm không khí, South China Morning Post dẫn báo cáo từ Đại học Trung văn Hong Kong (CUHK). Các nhà nghiên cứu đưa ra kết luận này dựa trên số tiền mà chính quyền Trung Quốc phải chi trả để khắc phục hậu quả ô nhiễm không khí đến sức khỏe người dân và đến hoạt động sản xuất nông nghiệp. "Con số này khá lớn, chiếm đến 0,7% GDP quốc gia", Phó giáo sư Steve Yim Hung-lam thuộc trường CUHK cho biết. Nhóm nghiên cứu do ông Yim dẫn dắt phân tích số liệu từ các lĩnh vực như công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, năng lượng, giao thông vận chuyển...

Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu, hai chất bụi siêu vi PM2.5 và khí ozone là nguyên nhân gây ô nhiễm, khiến hơn 1,1 triệu người Trung Quốc chết trẻ và khoảng 20 triệu tấn nông sản bị hư hại mỗi năm.

WHO cho biết 9/10 người trên thế giới hít thở bầu không khí ô nhiễm. Tình trạng này tước đi sinh mạng của hơn 6,1 triệu người mỗi năm, trong đó hơn 1,7 triệu nạn nhân là trẻ em dưới 5 tuổi.

Quỳnh Vũ