Tuổi hưu và tuổi nghề trong sửa đổi Bộ luật Lao động

Bài 1: Từ nhầm lẫn đến chồng chéo

- Chủ Nhật, 16/12/2018, 09:15 - Chia sẻ
Tuổi nghỉ hưu và tuổi nghề ở Việt Nam là một vấn đề còn có sự nhầm lẫn trong quy định của pháp luật và tổ chức thực hiện, đã có nhiều ý kiến trao đổi, tranh luận khác nhau. Bài viết này nghiên cứu, bình luận việc xem xét tuổi nghỉ hưu và tuổi nghề dưới các góc nhìn khác nhau về lợi ích như là một gợi ý để đánh giá tác động chính sách của việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu trong Bộ luật Lao động hiện đang được xem xét sửa đổi theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7, Khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Tuổi nghỉ hưu trùng với tuổi nghề?

Ở Việt Nam, chính sách hưu trí được bắt đầu từ năm 1961, khi đó tuổi nghỉ hưu được quy định là nam 60 tuổi và nữ là 55 tuổi trong điều kiện tuổi thọ trung bình là 59 tuổi, đến năm 2014 tuổi thọ trung bình là 73 tuổi (nam 70,6 tuổi và nữ là 76 tuổi) và tuổi nghỉ hưu vẫn giữ nguyên như cách đây gần 60 năm. Như vậy, trong khi mức đóng và tuổi nghỉ hưu không thay đổi thì khi tuổi thọ tăng lên sẽ đồng nghĩa với việc thời gian hưởng lương hưu cũng tăng lên, theo đó sẽ tác động tiêu cực đến yếu tố tài chính của quỹ hưu trí.

Về tuổi lao động, quan niệm của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và hệ thống pháp luật lao động các nước nói chung cũng như ở Việt Nam nói riêng đều chỉ ghi nhận, quy định độ tuổi tối thiểu tham gia quan hệ lao động mà không quy định độ tuổi tối đa, điều này gắn liền với nhân quyền về lao động của công dân. Ngoài ra, một nghiên cứu đã được công bố tại Việt Nam của Viện Y học lao động Phần Lan (FIOSH) về chỉ số khả năng làm việc (WAI) với điều kiện Việt Nam nhằm đánh giá khả năng lao động của người Việt Nam ở một số ngành nghề và ở các nhóm tuổi khác nhau. Nhóm tuổi 21 - 30 có điểm WAI cao nhất. Tuy nhiên, ở nhóm tuổi 51 - 60 vẫn còn 53,3% đối tượng có chỉ số WAI loại rất tốt và tốt. Điều này khẳng định khả năng làm việc của nhóm lao động trong độ tuổi này có thể kéo dài thêm, tức là việc tăng tuổi nghỉ hưu với nhóm này là hoàn toàn có thể. Như vậy, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động trên bình diện chung là phù hợp trong mối quan hệ với độ tuổi lao động và tuổi thọ nhưng xét ở bình diện cá biệt (ví dụ: Người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm...) thì cần phải cân nhắc thận trọng vì nó liên quan chặt chẽ đến tuổi nghề và khả năng suy giảm sức lao động.

Nghề là tập hợp của các chuyên môn có đối tượng nghề nghiệp, có yêu cầu với người lao động, có mục đích hoạt động giống nhau nhưng khác nhau các công việc cụ thể hàng ngày, còn tuổi nghề cần phải được quy định là thâm niên làm việc trong nghề đó. Thế giới nghề nghiệp có thể chia thành hàng chục nghìn chuyên môn khác nhau. Mọi người đều thông qua hoạt động chuyên môn để hoàn thành sứ mệnh nghề nghiệp, kiếm sống và cống hiến hết mình cho xã hội. Nhưng quá trình thực thi pháp luật ở nước ta thì một số nghề được làm căn cứ để nghỉ hưu hoặc được giảm/tăng thời gian để nghỉ hưu sớm/muộn hơn mà chưa phải do luật định hoặc chỉ do văn bản dưới luật quy định. Từ sự nhầm lẫn này đã dẫn đến sự chồng chéo trong quy định của pháp luật về tuổi nghề và tuổi nghỉ hưu và việc tổ chức thực hiện chưa thống nhất trong các ngành nghề, lĩnh vực.


Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) phát biểu tại hội trường  
Ảnh: Lâm Hiển

Những chồng chéo trong quy định pháp luật

Hiện nay ở nước ta, theo quy định của pháp luật hiện hành thì tuổi nghỉ hưu cơ bản là trùng với tuổi nghề. Điều 187, Bộ luật Lao động quy định tuổi nghỉ hưu theo 3 nhóm: (1) Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi. (2) Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thuộc danh mục do Chính phủ quy định có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với quy định tại Khoản 1, Điều 187. (3) Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 năm so với quy định tại Khoản 1, Điều 187.

Tuy nhiên, Nghị định số 53/2015/NĐ-CP ngày 29.5.2015 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Khoản 3, Điều 187, Bộ luật Lao động chỉ quy định 2 nhóm được kéo dài thời gian công tác hay tăng tuổi nghỉ hưu gồm: Nữ cán bộ, công chức giữ chức danh Phó Bí thư trở lên và Phó Chủ tịch UBND, Ủy viên Ủy ban Thường vụ kiêm Trưởng ban Đảng của TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thời gian công tác khi nghỉ hưu ở tuổi cao hơn tối đa là 5 năm nhưng không vượt quá 60 tuổi. Những người được bổ nhiệm chức vụ, chức danh thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao, Kiểm sát viên Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao: Nghỉ hưu ở tuổi cao hơn tối đa là 5 năm nhưng không quá 65 tuổi với nam và 60 tuổi với nữ. Quy định như vậy là chưa bao phủ hết các đối tượng như quy định của Bộ luật Lao động.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam (2008) tại Điều 13 quy định về độ tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan: Đối với cấp úy, cả nam và nữ đều là 46 tuổi; đối với cấp thiếu tá, nam, nữ đều là 48 tuổi; với trung tá, nam, nữ đều 51 tuổi; với thượng tá, nam, nữ đều 54 tuổi; với đại tá, nam 57 tuổi và nữ 55 tuổi; với cấp tướng, nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi. Khi quân đội có nhu cầu, sĩ quan có đủ phẩm chất về chính trị, đạo đức, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, sức khỏe tốt và tự nguyện thì có thể được kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ quy định tại Khoản 1, Điều 13 không quá 5 năm; trường hợp đặc biệt có thể kéo dài hơn. Hạn tuổi cao nhất của sĩ quan giữ chức vụ chỉ huy, quản lý đơn vị do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định nhưng không vượt quá hạn tuổi cao nhất của sĩ quan quy định tại Khoản 1, Điều 13, Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam (2008).

Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, năm 2015, Điều 17 quy định thời hạn và hạn tuổi phục vụ tại ngũ của quân nhân chuyên nghiệp: Với cấp úy, nam, nữ đều 52 tuổi; thiếu tá, trung tá nam, nữ đều 54 tuổi; thượng tá thì nam 56 tuổi, nữ 55 tuổi. Quân nhân chuyên nghiệp có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ cao, có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, sức khoẻ và tự nguyện, nếu quân đội có nhu cầu thì được xem xét kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ không quá 5 năm. Chiến đấu viên thực hiện nhiệm vụ khi đủ 40 tuổi thì được ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng và được bố trí đảm nhiệm chức danh khác phù hợp với yêu cầu của quân đội hoặc được chuyển ngành. Trường hợp quân đội không thể tiếp tục bố trí sử dụng và không thể chuyển ngành được nếu có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, trong đó có đủ 15 năm là chiến đấu viên thì được nghỉ hưu.

Căn cứ vào Khoản 2, Điều 187, Bộ luật Lao động năm 2012 thì người lao động làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có thể nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn so với quy định nam khi đủ 60 tuổi, nữ khi đủ 55 tuổi.

Trong các ngành kinh tế: Tổng số nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (theo quy định của luật) đến thời điểm này là: 1.754 nghề; tổng số người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ước tính hiện nay trong khu vực tham gia BHXH khoảng 2,5 - 3 triệu người lao động (chủ yếu từ các doanh nghiệp nhà nước trước đây).

Trong lĩnh vực an ninh quốc phòng: Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại nguy hiểm trong ngành công an và quân đội, ban hành kèm theo 5 văn bản (Công an là Quyết định số 44/LĐTBXH-QĐ ngày 29.1.1997 và 32/2012/TT-BLĐTBXH; Quốc phòng là 1085/LĐTBXH-QĐ 6.9.1996, 03/2006/QĐ-BLĐTBXH ngày 7.3.2006; 16/2016/Tt- BLĐTBXH ngày 18.12.2012), tuy không có con số chính xác nhưng cả khối này và khối hành chính sự nghiệp, ước tính không quá 400.000 người.

TS. Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội
Quỳnh Chi ghi