Thúc đẩy cân bằng phim nội và phim ngoại

Bài 1: Thua thiệt ngay trên sân nhà

- Thứ Hai, 23/03/2020, 07:59 - Chia sẻ
Mỗi năm các nhà sản xuất phim trong nước cho ra mắt khán giả trên 40 bộ phim. Tuy số lượng chưa nhiều, nhưng để có thể ra rạp, các bộ phim phải trải qua một cuộc cạnh tranh khốc liệt, cả với phim Việt và phim nhập khẩu. Hơn nữa, doanh nghiệp Việt hầu như không nắm khâu phát hành, dẫn tới những thua thiệt cho phim nội trên chính sân nhà.

Ở Việt Nam thời gian qua chứng kiến sự phát triển nhanh của hệ thống phòng chiếu phim, giúp đưa các tác phẩm điện ảnh đến đông đảo công chúng. Tuy nhiên, với hơn 60% phòng chiếu thuộc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã gây nên cạnh tranh không lành mạnh, có xu hướng phim nhập khẩu lấn át phim trong nước. Việc sửa đổi Luật Điện ảnh sắp tới được kỳ vọng sẽ khắc phục tình trạng này.

Khó khăn ra rạp

Hiện nay, theo thống kê của Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, số doanh nghiệp điện ảnh Việt Nam được cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh sản xuất phim lên đến hơn 500, nhưng chỉ dưới 50 doanh nghiệp thực sự sản xuất phim, trong đó dưới 15 doanh nghiệp sản xuất từ 2 bộ phim trở lên. Thông thường, các doanh nghiệp sản xuất vẫn tìm một đơn vị có kinh nghiệm để phát hành phim. Doanh nghiệp phát hành sẽ ký hợp đồng cho thuê phim với các chủ rạp chiếu để đưa phim ra rạp trên cơ sở phân chia doanh thu từ bán vé. Tỷ lệ phổ biến trên thế giới là tuần đầu không ít hơn 50% cho bên sản xuất/phát hành phim và giảm dần theo tuần. Phim Hollywood thường thu về từ 50 - 60% cho tuần đầu tiên.


Phim Việt gặp khó khi ra rạp trong nước Nguồn: ITN

Tuy nhiên, theo bà Ngô Thị Bích Hạnh, Công ty TNHH BHD, hiện nay, hai doanh nghiệp có thị phần lớn nhất về rạp chiếu phim tại Việt Nam là CGV trên 40% và Lotte khoảng 20%, đều là các doanh nghiệp có vốn đầu tư từ Hàn Quốc. Rạp chiếu phim nắm đầu ra, nên họ quyết định cung cấp phim gì cho khán giả. Hơn nữa, việc doanh nghiệp Việt Nam không có hệ thống rạp sẽ vô cùng khó khăn cho phim Việt do phải hợp tác theo các điều khoản mà những nhà phát hành lớn này đưa ra, tỷ lệ phân chia doanh thu nhận được thấp hơn phim ngoại. Vì vậy, những năm gần đây có thể thấy, các công ty sản xuất phim lớn của Việt Nam như BHD, Galaxy, Sóng Vàng... phải chuyển sang xây dựng rạp chiếu để không bị chèn ép trong quá trình đàm phán đưa phim của mình ra rạp.

TS. Trần Quang Minh, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội cho rằng, khi các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư sở hữu rạp chiếu thì họ có quyền đề ra những yêu cầu, điều kiện đối với nhà sản xuất phim, nếu nhà sản xuất hay đơn vị phát hành phim không tuân thủ, chắc chắn bị loại ra khỏi hệ thống của họ. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp đầu tư với mục đích thâu tóm thị trường, để từ đó đặt ra những yêu cầu nhằm phục vụ mục đích riêng của mình, thậm chí đặt ra những yêu cầu phi lý, thì sẽ gây ra sự cạnh tranh khốc liệt mà nhà làm phim trong nước nắm chắc phần thua. Mặt khác, tỷ lệ ăn chia giữa bên sản xuất với bên phát hành, chiếu phim hiện cũng là một vấn đề lớn khiến cho nhiều nhà sản xuất phim Việt Nam chùn bước khi quyết định đầu tư vốn làm phim. Trên các diễn đàn về điện ảnh, một số nhà sản xuất chia sẻ, vì không thể cạnh tranh với phim “bom tấn” của các hãng lớn nước ngoài, phim Việt Nam phải chịu nhiều thiệt thòi khi ra rạp.

Tình trạng công ty nước ngoài nắm giữ đa số thị phần trong ngành điện ảnh ít khi xảy ra tại các nước có nền điện ảnh phát triển. Tại Hàn Quốc, 3 hệ thống rạp chiếu phim nội địa lớn là CGV, Lotte và Megabox chiếm hơn 90% thị phần rạp chiếu. Tại Thái Lan, các cụm rạp nội địa chiếm 80%, con số này ở Indonesia là hơn 70%, cụm rạp nội địa Malaysia cũng chiếm hơn 70%...

Bất lợi giờ chiếu

Chuỗi kinh doanh của công nghiệp điện ảnh về cơ bản được cấu thành bởi 5 công đoạn chính là sản xuất - phát hành - rạp chiếu - phát hành sau rạp (truyền hình - online) - hàng tiêu dùng. 5 công đoạn này phải được vận hành thông suốt mới kích thích điện ảnh phát triển. Thực tế, Luật Điện ảnh hiện hành đã có các quy định nhằm bảo vệ, phát triển phim Việt Nam khi ra rạp, chẳng hạn như quy định bảo đảm số buổi chiếu đạt ít nhất 20% so với tổng số buổi chiếu của rạp. Tuy nhiên, trên thực tế quy định này không được bảo đảm thực thi đầy đủ, ví dụ như phân bổ phim Việt vào các phòng chiếu nhỏ, giờ chiếu ít khách... Điều này khiến các doanh nghiệp sản xuất phim Việt Nam phải cạnh tranh khốc liệt, các phim lớn áp đảo phim vừa và nhỏ, khó thu hồi vốn sản xuất.

Còn lý do nữa nằm ở số lượng, chất lượng phim Việt. Đại diện Công ty Cổ phần Thiên Ngân chia sẻ: Số lượng phim Việt Nam sản xuất hiện tại chưa thể bảo đảm phổ biến theo tháng, quý, năm, nên lịch phát hành không thể rải đều ngay từ đầu hoặc lên kế hoạch trước cho cả quý hay một năm. Vì vậy các nhà phát hành buộc phải lựa chọn phim nhập khẩu để duy trì hoạt động. Hơn nữa, chất lượng của phim Việt Nam hiện tại cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của khán giả, nên việc duy trì suất chiếu tại rạp là điều rất khó. Phim ra rạp 3 năm gần đây khoảng 40 phim/năm, tuy nhiên, phim thành công và hòa vốn chiếm 1/3, còn lại là lỗ. Có những buổi chiếu chỉ dưới 5 khán giả hoặc phía rạp phải hủy bỏ suất chiếu do không có khách. Điều này càng làm gia tăng phim nhập khẩu do chất lượng phim cũng như nhu cầu tăng trưởng và phát triển của thị trường hàng năm, tăng trung bình từ 20 - 25%.

Dù vậy, nếu cứ duy trì tình trạng hiện nay, điện ảnh trong nước càng khó phát triển, ngày càng tụt hậu. Theo bà Ngô Thị Bích Hạnh, hiện nay, phim Việt chiếm khoảng 20 - 30% thị phần về doanh thu, con số này có thể tăng lên được 40 - 50% nếu có sự hỗ trợ mạnh mẽ của các chính sách nhà nước và sự cạnh tranh sòng phẳng, không bị chèn ép hoặc bị áp đặt những điều kiện không công bằng so với phim ngoại. Nhưng con số này cũng có thể giảm xuống chỉ 10% nếu tình trạng cạnh tranh chèn ép hiện tại vẫn tiếp diễn.

Ngọc Phương