Giám sát đầu tư công của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Quảng Bình

Bài 1: Thận trọng, kỹ lưỡng các bước thẩm tra

- Thứ Năm, 14/03/2019, 08:04 - Chia sẻ
Để có cơ sở xem xét, quyết định các nội dung về đầu tư công trên địa bàn, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Quảng Bình đã thận trọng tiến hành các bước thẩm tra, tích cực phối hợp với cơ quan chuyên môn tiến hành thẩm tra ngay từ lúc đang xây dựng dự thảo; chủ động phân công và chỉ đạo Văn phòng nắm bắt thông tin, tập trung nghiên cứu các quy định liên quan, khảo sát thực tế phục vụ công tác thẩm tra.

Luật Đầu tư công có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2015 được xem là công cụ đổi mới quan trọng về quản lý nhà nước đối với lĩnh vực đầu tư công. Theo đó, cơ chế lập kế hoạch đầu tư công được chuyển từ lập kế hoạch hàng năm sang kết hợp giữa xây dựng kế hoạch trung hạn với kế hoạch hàng năm, áp dụng lần đầu tiên cho giai đoạn 5 năm 2016 - 2020. Nghị định số 136/2015/NĐ-CP ngày 31.12.2015 của Chính phủ đã hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công. Việc lập, thẩm định, phê duyệt, giao kế hoạch, tổ chức thực hiện và theo dõi, đánh giá thực hiện kế hoạch, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm của quốc gia, bộ, ngành, Trung ương và địa phương được quy định tại Nghị định số 77/2015/NĐ-CP ngày 10.9.2015 của Chính phủ về Kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm.

Triển khai các quy định pháp luật về đầu tư công, Quảng Bình là một trong những địa phương thực hiện sớm nhất việc ban hành nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn. Từ năm 2015 - 2018, HĐND tỉnh đã ban hành 5 nghị quyết về kế hoạch đầu tư công.

Thận trọng tiến hành các bước thẩm tra

Đối với việc thẩm tra dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, do đây là công việc hoàn toàn mới, có tầm quan trọng cho đầu tư phát triển cả giai đoạn nên Ban đã thận trọng tiến hành các bước thẩm tra, tích cực phối hợp với cơ quan chuyên môn tiến hành thẩm tra ngay từ lúc đang xây dựng dự thảo. Qua nghiên cứu các quy định của pháp luật và thực tế tại địa phương, Ban đã phát hiện ra một số vấn đề còn bất cập, thiếu sót khi áp dụng luật và các văn bản hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Xét thấy các điều kiện ban hành nghị quyết chưa đủ, như: Chưa có nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư công; quy trình xây dựng kế hoạch đầu tư công thực hiện theo văn bản hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhưng cơ quan xây dựng dự thảo thực hiện chưa đầy đủ các bước, thiếu cơ sở pháp lý về cơ cấu nguồn vốn và khả năng cân đối vốn do chưa có thông báo nguồn vốn ngân sách trung ương...


Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Quảng Bình họp thống nhất nội dung Báo cáo thẩm tra trình tại Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Khóa XVII

Do đó, quá trình thẩm tra Ban đã đề nghị lùi thời gian ban hành Nghị quyết vào kỳ họp cuối năm 2015 nhưng UBND tỉnh vẫn đề nghị trình HĐND tỉnh quyết định tại kỳ họp giữa năm 2015 (Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Khóa XVI). Vì vậy, sau 1 năm áp dụng Nghị quyết vào thực tế đã bộc lộ nhiều bất cập: Cơ cấu nguồn vốn đầu tư phải điều chỉnh để phù hợp với nguồn vốn do Trung ương thông báo; một số dự án cấp bách chưa được đưa vào kế hoạch cần được bổ sung; một số dự án trong kế hoạch nhưng chưa cần thiết nên phải đưa ra khỏi kế hoạch; nhiều dự án phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, tên dự án, thời gian triển khai;... UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện các thủ tục điều chỉnh, bổ sung và được HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp thường lệ cuối năm 2016.

Cơ sở nâng cao chất lượng nghị quyết

Việc thẩm tra Kế hoạch đầu tư công hàng năm trước khi trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết cũng được Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Quảng Bình triển khai đúng quy định về trình tự, thủ tục, luôn quan tâm bảo đảm nâng cao chất lượng thẩm tra. Ban đã chủ động phân công và chỉ đạo Văn phòng nắm bắt thông tin, tập trung nghiên cứu các quy định liên quan, khảo sát thực tế để phục vụ công tác thẩm tra. Quá trình thẩm tra các dự thảo nghị quyết, căn cứ vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được quyết định để xem xét sự phù hợp. Đối với những công trình khởi công mới, Ban xem xét tính phù hợp với quy hoạch, sự cần thiết đầu tư, mục tiêu đề án, địa điểm, quy mô, lộ trình đầu tư có phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước.

Qua thẩm tra, Ban đã đề nghị cơ quan dự thảo xem xét, điều chỉnh nguồn vốn, điều chỉnh một số danh mục công trình, dự án đểbảo đảm phù hợp với kế hoạch và khả năng nguồn vốn, quan tâm bố trí vốn để giải quyết dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản, được cơ quan chuyên môn tiếp thu chỉnh sửa theo đề nghị. Nhờ thực hiện nghiêm túc trình tự các bước thẩm tra nên chất lượng các nghị quyết về đầu tư công hàng năm đều có tính khả thi cao, không có chỉnh sửa.

Tại các kỳ họp HĐND tỉnh, từ ý kiến thẩm tra của Ban, các phiên thảo luận, chất vấn được các đại biểu tham gia đạt kết quả cao. Cụ thể như: Nhiều ý kiến thảo luận, tranh luận về việc phân bổ vốn đầu tư hạ tầng cho trung tâm huyện lỵ mới Quảng Trạch, việc xác định các dự án khẩn cấp, cần thiết để bổ sung vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn, việc bố trí vốn cho công trình Đường điện chiếu sáng từ Trạm thu phí Quán Hàu đến FLC… Báo cáo thẩm tra của Ban luôn bảo đảm đúng thời gian quy định, có chất lượng và tính phản biện cao, được đa số đại biểu tán thành, được UBND tỉnh, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiêm túc tiếp thu, chỉnh lý đầy đủ theo nội dung thẩm tra. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng kỳ họp, các nghị quyết được thông qua cũng như nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND tỉnh.

 Các nội dung UBND tỉnh xin ý kiến Thường trực HĐND tỉnh giữa 2 kỳ họp từ năm 2016 đến nay đa số liên quan đến đầu tư công. Sau khi có chỉ đạo, phân công của Thường trực HĐND tỉnh, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đã tiến hành thẩm tra làm cơ sở để Thường trực HĐND tỉnh cho ý kiến, quyết định. Qua nghiên cứu các hồ sơ, tài liệu liên quan kết hợp xem xét thực tế, Ban đã phát hiện một số nội dung của một số dự án chưa phù hợp về: Cơ cấu nguồn vốn, khả năng cân đối vốn đầu tư, quy mô dự án, thời gian thực hiện… Từ đó, Ban đã có nhiều ý kiến phản biện, đề nghị Thường trực HĐND tỉnh có ý kiến để UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung nhằm bảo đảm các quy định liên quan, phù hợp hơn với thực tế tại địa phương, được Thường trực HĐND tỉnh chấp nhận đưa vào nội dung văn bản cho ý kiến, quyết định.

NGUYỄN CÔNG