Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy

Bài 1: Phòng cháy từ những chi tiết nhỏ

- Thứ Tư, 17/07/2019, 08:15 - Chia sẻ
Hạn chế thấp nhất cháy rừng xảy ra với phương châm “phòng là chính” là một trong những lưu ý của các thành viên Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014 - 2018”. Theo Phó Chủ tịch QH, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Trưởng đoàn giám sát của QH, qua thực tiễn giám sát cho thấy, cháy lớn ở rừng chủ yếu do thảm thực vật với nhiều lá khô, rất dễ bắt lửa. Vậy nên, trước hết phải dọn sạch thảm thực vật ở rừng. Đồng thời, tạo ra các “băng” cản lửa. Minh chứng là rừng U Minh, Cà Mau với rất nhiều hệ thống kênh, mương nước, vừa tạo nguồn nước chữa cháy khi cần thiết, vừa ngăn nguy cơ cháy lan rộng.

Giải pháp như thế nào, hay cứ thủ công mãi…?

 LTS: Triển khai chuyên đề giám sát Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014 - 2018, Đoàn giám sát của QH đã có các cuộc làm việc với 11 bộ, ngành; 4 tập đoàn; 15 tỉnh, thành phố và giám sát tại 8 khu công nghiệp… trên cả nước. Trên cơ sở ghi nhận từ thực tế, đầu tuần qua, Đoàn giám sát đã có cuộc làm việc với Chính phủ nhằm trao đổi, làm rõ những kết quả đạt được cũng như tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, kiến nghị các giải pháp khắc phục. Và một trong những nội dung được Đoàn giám sát nhấn mạnh là không được “khoán trắng” cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy của công an mà cần đáp ứng phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ). Báo Đại biểu Nhân dân trân trọng giới thiệu loạt bài về chuyên đề giám sát quan trọng này.

Ước tính sơ bộ trong vòng chưa đầy 1 tuần, từ ngày 26.6 - 1.7 vừa qua, đã có 45 vụ cháy rừng, gây thiệt hại 293ha ở các tỉnh miền Trung. Đây là con số nêu trong Báo cáo bổ sung của Chính phủ theo yêu cầu của Đoàn giám sát của QH trong bối cảnh cháy rừng diễn biến phức tạp. Theo Thứ trưởng Bộ NN - PTNT Lê Quốc Doanh, một số vụ cháy lớn còn có nguy cơ đe dọa tới khu dân cư, các công trình công cộng và đường dây truyền tải điện như vụ cháy tại huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), hay vụ cháy tại thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên Huế).

Cháy phần lớn xảy ra do thời tiết nắng nóng kéo dài liên tục trong vòng 30 ngày, nhiệt độ có nơi lên đến trên 430C. Tình trạng thực bì nguồn vật liệu cháy lớn, khô nỏ khiến nguy cơ cháy luôn ở cấp 5 - cấp cực kỳ nguy hiểm. Nhưng nguyên nhân chủ quan do con người vô ý khi sử dụng lửa trong quá trình sinh hoạt, canh tác nương rẫy, sản xuất.

Ngay khi xảy ra các vụ cháy rừng vừa qua đã phải huy động hơn 20 nghìn lượt người đã tham gia chữa cháy, gồm lực lượng kiểm lâm, quân đội, dân quân tự vệ, công an, chủ rừng và người dân tại địa phương. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là khi cháy rừng, lực lượng huy động đông, nên công tác tổ chức còn thiếu chặt chẽ, lúng túng trong chỉ đạo, điều hành, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh thẳng thắn.

Cùng quan điểm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Đặng Ngọc Nghĩa, thành viên Đoàn giám sát, cho rằng, PCCC rừng rất cần có cơ chế phối hợp giữa các lực lượng, trong đó xác định rõ ai là người đứng đầu chỉ đạo thực hiện các lực lượng chữa cháy? Một trong những thực tế đáng lưu ý, đó là chỉ lực lượng cảnh sát PCCC mới có phương tiện chữa cháy, còn các đơn vị quân đội, lực lượng kiểm lâm hầu như “trong tay không có phương tiện nào”. Đây là vấn đề cần tính đến trong việc trang bị phương tiện chữa cháy cho những lực lượng này.

Một thực tế nữa được Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, Phó Trưởng đoàn giám sát của QH, chỉ ra là, chúng ta chủ yếu sử dụng dụng cụ thủ công kết hợp với máy cưa xăng, máy thổi gió, máy cắt thực bì... Phương tiện cơ giới chuyên dùng điều động (xe cứu hỏa) cơ bản không sử dụng trực tiếp chữa cháy rừng mà chủ yếu phục vụ việc bảo đảm an toàn về tính mạng, tài sản cho các hộ dân, các cơ quan, công trình có nguy cơ bị ảnh hưởng do cháy rừng. Vậy giải pháp trong thời gian tới sẽ như thế nào, hay cứ thủ công mãi, Phó trưởng đoàn giám sát Lê Thị Nga nêu vấn đề.

Kiểm soát chặt tình hình

 Liên quan đến vấn đề dư luận, báo chí nêu trong thời gian qua đó là tại sao không dùng trực thăng chữa cháy rừng, Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ cho biết, với kinh nghiệm từng trực tiếp chỉ đạo chữa cháy rừng ở Fansipan thì dù quân đội có đưa trực thăng đến cũng không giải quyết được vấn đề. Bởi lẽ, nếu bay thấp thì cháy luôn cả trực thăng, còn bay trên tầm cao thì gàu nước mang đến cũng bốc hơi. Rõ ràng là không có tác dụng. Nếu như các nước trên thế giới sử dụng trực thăng để phun chất hóa học trong chữa cháy rừng, thì nước ta việc đó vẫn còn xa vời, chưa thể theo kịp các nước tiên tiến. Do vậy, tùy tình hình thực tế, điều kiện trong nước mà xác định giải pháp chữa cháy phù hợp.

Rõ ràng, qua giám sát cho thấy, trang thiết bị phục vụ công tác PCCC là một vấn đề cần được nhìn nhận, đánh giá một cách nghiêm túc hơn. Khẳng định về lâu dài cần đầu tư trang thiết bị cũng như công nghệ phục vụ công tác chữa cháy, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết, Bộ NN - PTNT sẽ sớm phối hợp với Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel nghiên cứu phát hiện cháy rừng bằng máy bay không người lái. Xây dựng thiết bị, hệ thống thông tin cảnh báo cháy rừng. Có chính sách khuyến khích các lực lượng tham gia chữa cháy rừng...

Một khi đã xảy ra cháy thì thiệt hại về của là vô cùng lớn, chưa kể những thiệt hại cả về người. Hậu quả cũng như tính chất nghiêm trọng của cháy nổ, đặc biệt là cháy rừng, có lẽ không ai là không thấy rõ. Do đó, hạn chế thấp nhất các vụ việc cháy rừng là một trong những vấn đề được các thành viên Đoàn giám sát của QH đặc biệt lưu ý. Muốn vậy, không còn cách nào khác, đó là phải áp dụng phương án phòng là chính.

Qua thực tiễn giám sát, Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ, Trưởng đoàn giám sát của QH, nhận thấy, cháy lớn ở rừng chủ yếu do thảm thực vật với nhiều lá khô, rất dễ bắt lửa. Do vậy, trước hết, muốn phòng được thì phải dọn sạch thảm thực vật ở rừng, đồng thời tạo ra các “băng” cản lửa. Minh chứng rõ nhất là rừng U Minh, Cà Mau với rất nhiều hệ thống kênh, mương nước, vừa tạo nguồn nước chữa cháy khi cần thiết, vừa ngăn nguy cơ cháy lan rộng. “Chúng ta có thể áp dụng phương pháp trồng bèo tây trên các băng cản lửa, tránh khô hạn nước bay hơi, hoặc có thể trồng thêm nhiều chuối, vì thực tế cho thấy chuối là một trong những cây trồng có tác dụng cản lửa rất tốt…”. Nhấn mạnh điều này, Phó Chủ tịch QH cho rằng, nếu chú ý đến công tác phòng cháy ngay từ những chi tiết nhỏ như thế sẽ có thể triệt tận gốc nguyên nhân cháy, cháy lan.

Với những gợi mở này, Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ mong muốn Bộ NN - PTNT nghiên cứu thêm các giải pháp hữu hiệu hơn để chủ động kiểm soát chặt chẽ tình hình, kịp thời khống chế nhanh nhất trường hợp cháy rừng xảy ra. Kiên quyết không để xảy ra các vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng tài nguyên rừng, tài sản và tính mạng của nhân dân.

Ý Nhi