Tiêu chuẩn đại biểu và lựa chọn của cử tri

Bài 1: Niềm tin và trách nhiệm

- Thứ Ba, 26/04/2016, 14:25 - Chia sẻ
(ĐBNDO)- Sự cọ xát trong ứng cử, bầu cử là cả một quá trình chọn lọc khắt khe. Qua đó, phẩm chất, tài năng, tâm huyết, sự sẵn sàng của người ứng cử có thử thách quan trọng. Những phương thức vận động bầu cử phong phú, đúng luật, dân chủ và công bằng là diễn đàn dân cử đầu tiên cho đại biểu. Chính những thông tin trong vận động bầu cử lôi cuốn, giành sự tin tưởng ở cử tri là dấu ấn của niềm tin và trách nhiệm. Và cuối cùng cử tri là người quyết định lựa chọn ai làm đại diện cho mình.

Tiêu chuẩn ĐBQH là yếu tố đầu tiên, là cơ sở trong việc xác định chất lượng của người ứng cử đại biểu. Nhưng thước đo chất lượng hoạt động đại biểu lại ở quá trình làm nhiệm vụ đại biểu mà nhân dân giao phó. Vậy trong quá trình vận động bầu cử làm thể nào để cử tri nhận biết, đánh giá chất lượng nhưng người ứng cử ở đơn vị bầu cử của mình xác thực nhất.

Hoạt động của ĐBQH thường thấy ở những kỳ họp, phiên họp, thảo luận, chất vấn và biểu quyết… Đây là thời điểm Quốc hội bàn bạc công khai và đi đến quyết định cuối cùng bằng việc ban hành luật hay nghị quyết. Sự đóng góp của đại biểu qua thảo luận, tranh luận công khai thường dễ nhận thấy và được cử tri theo dõi, đánh giá dễ dàng hơn. Đó cũng có thể xem là một yếu tố đánh giá chất lượng hoạt động của đại biểu cụ thể, bằng các con số, lập luận thuyết phục.

Chất lượng hoạt động đại biểu còn thể hiện tập trung ở hoạt động tiếp xúc cử tri. Chính tiếp xúc cử tri là nguồn năng lượng cho hoạt động của đại biểu. Thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri, thu thập ý kiến của cử tri, giải quyết vấn đề cử tri đặt ra để thực hiện nhiệm vụ đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Và đây cũng là hoạt động mà cử tri dễ nhìn nhận, đánh giá việc thực hiện lời hứa của đại biểu.


Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Thông tin 596 xem danh sách cử tri (Ảnh: qdnd.vn)

Có thể thấy tiêu chuẩn đặt ra đối với ĐBQH cũng chính là tiêu chuẩn cho người ứng cử và là sự tổng kết quá trình hoạt động của cơ quan dân cử được luật hóa. Điều này là rất cần thiết làm căn cứ cho người ứng cử và cử tri xem xét.

 ĐBQH, đại biểu HĐND phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau đây:

- Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

- Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

- Có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu;

- Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm;

- Có điều kiện tham gia hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân.

Nhưng vấn đề nằm ở sự vận hành ngay từ giai đoạn ứng cử mà cử tri cần nhận biết đầy đủ. Khi tham gia ứng cử ĐBQH, người ứng cử phải nắm rõ nhiệm vụ, quyền hạn của ĐBQH; thời gian dành cho hoạt động của đại biểu chuyên trách hay kiêm nhiệm; việc tiếp xúc, nghiên cứu, thu nhận, xử lý thông tin từ cử tri; sự am hiểu chính sách pháp luật để lựa chọn vấn đề và phương thức giải quyết; tham gia quyết định lập pháp hay xử lý thông tin theo lĩnh vực, ngành nghề, theo giới, theo lứa tuổi… là tiền đề công việc đến với cử tri nhanh nhất.

Làm ĐBQH không có “bổng lộc gì” cũng không là nơi “đánh bóng tên tuổi” mà toàn tâm toàn ý từ vướng mắc cụ thể của dân như: con đường lầy lội tới bản làng; về nguồn nước tái định cư ô nhiễm kéo dài; trạm y tế xuống cấp; chính sách cho người có công chậm trễ; điều kiện làm việc sinh hoạt của công nhân cơ cực hay giá thu mua lúa thấp… Và đến những quyết sách lớn về tổ chức bộ máy nhà nước chính sách hình sự, dân sự, kinh tế, hội nhập… Tất cả đòi hỏi chất lượng hoạt động của đại biểu từ phẩm chất, kiến thức, hoạt động thực tiễn, tâm huyết… Từ đó, đại biểu tham gia vào công việc của Quốc hội một cách thực chất, hiệu quả.

Người đại diện cho dân là người nói tiếng nói, ý chí, nguyện vọng của dân trong các giai tầng xã hội, là người góp phần đưa ý chí, nguyện vọng của nhân dân thành chính sách pháp luật của Nhà nước. Vì vậy, ĐBQH chính là người ưu tú, gương mẫu, tiêu biểu trong những người đủ tiêu chuẩn ứng cử. Cử tri tham gia, giám sát xây dựng bộ máy nhà nước từ khởi đầu cơ quan dân cử ở mỗi nhiệm kỳ bằng những lựa chon cụ thể để ủy nhiệm.

Việc xem xét chất lượng hoạt động của đại biểu cũng chính là điều gợi mở xem xét khả năng đóng góp của người ứng cử khi trúng cử. Nhưng quan trọng hơn hết mục đích, động cơ người tham gia ứng cử là toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân. Đây cũng chính là điều cử tri mong đợi, xem xét. Điều đó cần được kiểm chứng, sát hạch ngay từ giai đoạn ban đầu thông qua thông tin về người ứng cử, ý kiến cử tri nơi công tác, nơi cư trú. Đặc biệt, qua vận động bầu cử khi dân tiếp xúc, dân lắng nghe, dân đặt câu hỏi và dân biết đánh giá.

Sự cọ xát trong ứng cử, bầu cử là cả một quá trình chọn lọc khắt khe, nhất là trong vận động bầu cử. Qua đó phẩm chất, tài năng, tâm huyết, sự sẵn sàng của người ứng cử có thử thách bước đầu quan trọng. Những phương thức vận động bầu cử phong phú, đúng luật, dân chủ và công bằng là cần thiết. Chính những thông tin trong vận động bầu cử lôi cuốn, giành sự tin tưởng ở cử tri là dấu ấn của niêm tin và trách nhiệm. Và cuối cùng cử tri sẽ là người quyết định lựa chọn ai làm người đại diện cho mình.

Thanh Hà