Thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động tại 3 trường nghề

Bài 1: Năng động, sáng tạo hơn

- Thứ Tư, 11/09/2019, 08:14 - Chia sẻ
Sau 3 năm thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 3 trường cao đẳng: Kỹ nghệ II, Công nghệ Quốc tế Lilama2 và Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn đã cơ bản hoàn thành mục tiêu đặt ra. Các trường này đã cho thấy, “tự chủ” không quá đáng sợ, ngược lại còn mang đến những thành công ngoài mong đợi trên một số lĩnh vực.

Tháng 4.2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành các quyết định phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ TP Hồ Chí Minh (nay là Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II); Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế Lilama2 và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn giai đoạn 2016 - 2019. Các Đề án nhằm xây dựng các trường thành cơ sở giáo dục chất lượng cao, hoạt động tự chủ, tự chịu trách nhiệm; đồng thời tăng trách nhiệm giải trình trước xã hội và không làm giảm cơ hội tiếp cận học nghề tại trường của các đối tượng chính sách.

Xóa bỏ tư duy thụ động

Có lẽ đây là nút thắt đầu tiên mà tập thể cán bộ, giáo viên, người lao động của cả 3 trường cởi bỏ thành công, làm tiền đề cho những bước đi tiếp theo trên con đường đổi mới. Nếu trước đây, việc giảng dạy của các trường phải tuân thủ tuyệt đối nội dung chương trình đào tạo, không tư duy đến việc gắn với nhu cầu người học hay của doanh nghiệp, nhưng khi thực hiện tự chủ thì những lề lối trên đảo ngược hoàn toàn.

Đơn cử tại Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II, với phương châm lấy người học là trung tâm; coi nhu cầu sử dụng lao động theo chuẩn kỹ năng là cần thiết, cấp bách… 26 bộ chương trình đào tạo của trường được cấu trúc lại theo module kỹ năng nghề; các nghề công nghệ thông tin (ứng dụng phần mềm), nghề kỹ thuật thoát nước và xử lý nước thải, công nghệ ô tô, hàn được đào tạo theo chương trình quốc tế. Đã có 24 chương trình hệ cao đẳng, 21 chương trình cao đẳng liên thông từ trung cấp và 24 chương trình hệ trung cấp được xây dựng, thẩm định với sự tham gia của doanh nghiệp. Đặc biệt, nhà trường đã công bố chuẩn đầu vào, chuẩn đầu ra của 26 chương trình dạy nghề trước khi tuyển sinh - điều không nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp làm được.

Còn tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn, tư duy năng động, sáng tạo cũng đã đưa nhà trường trở thành một trong những cơ sở đáp ứng tốt nhất theo yêu cầu đào tạo của Australia; với bộ máy tinh gọn và hoạt động hiệu quả.

Có thể nói, khi tư duy, nhận thức thay đổi, đã kéo theo chuyển biến các hoạt động căn bản của cả 3 trường. Và sự chủ động về nhân sự, chuyên môn cũng như tự định đoạt trong nhiều khâu đã giúp các trường xây dựng được đội ngũ thầy cô giáo giỏi nghề, giỏi kỹ năng; xây dựng được chương trình, giáo trình linh hoạt, sát thực tiễn; giúp người học tiết kiệm được thời gian, tiền bạc.


Thực hành nghề chăm sóc sắc đẹp tại Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II Ảnh: Đức Kiên

Chất và lượng đều tăng

Là 3 trường thí điểm thực hiện cơ chế đổi mới hoạt động, đến nay các trường đã chứng minh được vai trò chim đầu đàn của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Với họ, khi không còn lựa chọn nào khác, cả tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên đã cùng nhau vào cuộc với tâm thế: Chỉ tiến chứ không lùi!

Tại Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế Lilama2, cơ chế mới đã giúp nhà trường điều chỉnh các chương trình đang đào tạo theo hướng tinh gọn, mã hóa liên thông, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Cùng với đó, cơ chế mới cũng cho phép nhà trường tự xác định chỉ tiêu, quy mô tuyển sinh phù hợp với đội ngũ giáo viên, điều kiện cơ sở vật chất và thiết bị của mình, những việc trước đây hoàn toàn phụ thuộc vào các bộ, ngành. 

Đối với Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II, giá trị cốt lõi được xác định: Chất lượng đào tạo là danh dự và thương hiệu của nhà trường. Vì thế, nâng cao chất lượng đào tạo, dịch vụ, tuyển sinh hay làm lan tỏa thương hiệu là trách nhiệm, nhiệm vụ thường xuyên của từng thành viên trong trường. Nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động tư vấn hướng nghiệp cho học sinh các trường THPT trên địa bàn quận 9, quận 2, quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh; hình thành mô hình đào tạo giữa Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II gắn với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên; tạo tiền đề cho công tác phân luồng.

Hướng đi đúng đã giúp hì#nh thành mạng lưới đào tạo trường THPT - trường dạy nghề - doanh nghiệp - tổ chức cung ứng lao động. Nhờ đó, mới có Nguyễn Thái Phương, ngay lần đầu tranh tài tại Kỳ thi Tay nghề thế giới lần thứ 45 vừa tổ chức tại Kazan, Nga cuối tháng 8 vừa qua, đã đoạt Chứng chỉ nghề xuất sắc cho nghề Công nghệ nước. Cũng nhờ đó, khi học phí tăng lên gấp đôi ở các bậc học như: Trung cấp từ 5,2 triệu đồng/năm lên 13,2 triệu đồng/năm; cao đẳng là 6,5 triệu đồng/năm lên gần 14 triệu đồng/năm, thì số lượng tuyển sinh vào Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II vẫn không giảm. Thậm chí, tuyển sinh trình độ sơ cấp, đào tạo thường xuyên vượt hơn so với trước khi tự chủ 52%/năm… Chất lượng đào tạo còn được thể hiện ở tỷ lệ việc làm của học sinh sau khi tốt nghiệp. Nếu trước khi tự chủ, 80% học sinh ra trường có việc làm, thì sau khi tự chủ, tỷ lệ này là 92%, và năm 2018 đạt 100% khi nhà trường cam kết học sinh học tập tại trường được bảo đảm việc làm.

Thái Bình