Hành lang pháp lý và những điều kiện bảo đảm hoạt động của HĐND

Bài 1: Mạnh dạn với những quy định hình thức

- Thứ Năm, 21/11/2019, 08:22 - Chia sẻ
Trong tình hình, điều kiện hiện nay, bất kỳ HĐND ở cấp nào, nếu không chủ động đổi mới, cải tiến về nội dung, phương thức hoạt động, củng cố tổ chức sẽ khó tránh khỏi hoạt động mang tính hình thức, cầm chừng. Bên cạnh đó, để tạo thuận lợi cho HĐND thực sự phát huy vai trò, vị thế của mình, khi sửa đổi, bổ sung các văn bản luật, cần mạnh dạn với những quy định mang tính hình thức. Trường hợp giao quyền quyết định cho HĐND thì phải là quyền thực sự để tránh một tầng nấc không cần thiết, cũng để tạo điều kiện cho HĐND các cấp thực sự phát huy được vai trò đại diện cho nhân dân địa phương.

Thẩm quyền lớn nhưng chưa phù hợp với năng lực nội tại

So với các nhiệm kỳ trước, hành lang pháp lý bảo đảm cho hoạt động của HĐND nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã được hoàn thiện hơn rất nhiều. Chỉ nói riêng về thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh, có thể nói đã đạt đến mức lớn nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện đã bộc lộ: Thẩm quyền lớn nhưng chưa phù hợp với năng lực đã dẫn đến hình thức.

Đơn cử, HĐND có nhiệm vụ tham gia xây dựng tổ chức bộ máy bằng việc bầu và miễn nhiệm các thành viên UBND, các chức danh HĐND. Trong thực hiện thẩm quyền này, một số trường hợp, việc miễn nhiệm mang tính hình thức rất rõ nét. Như trường hợp thành viên UBND, thành viên Thường trực và các Ban HĐND nghỉ hưu để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội là quyền đương nhiên nhưng HĐND vẫn phải tiến hành miễn nhiệm, rồi cấp trên phê chuẩn kết quả. Thử hỏi, nếu trình ra kỳ họp, đại biểu không đồng ý miễn nhiệm thì xử lý như thế nào?

Một đơn cử khác mà HĐND cấp tỉnh cả nước quan tâm hiện nay là quy định về việc thông qua danh mục các dự án thu hồi đất hàng năm. Đây là Nghị quyết được xác định là văn bản quy phạm pháp luật. Theo quy trình ban hành văn bản, dự thảo chỉ gửi đến Ban HĐND tỉnh để thẩm tra trong thời hạn 15 ngày trước khi khai mạc kỳ họp. Trong 15 ngày đó, Ban phải xem xét có ý kiến đối với danh mục khoảng mấy trăm dự án (khoảng từ 100 - 600 dự án một năm) thì việc thẩm tra để có báo cáo đánh giá về tính chính xác, hiệu quả, khả thi, theo ý nghĩ chủ quan, là việc làm ngoài khả năng của các Ban HĐND. Thẳng thắn mà nói, đây là một thẩm quyền mà HĐND các tỉnh, thành trong cả nước đang "ngán ngại" nhất hiện nay.

Bên cạnh thẩm quyền thu hồi đất, thẩm quyền về phân bổ ngân sách; quyết định các dự án đầu tư trọng điểm; quyết định biên chế và hợp đồng lao động hàng năm được quy định tại Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công, Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng là những quy định góp phần làm cho việc quyết định của HĐND trở thành hình thức.

Nếu đặt HĐND trong chủ thể Chính quyền địa phương, nhận thấy còn phát sinh một vấn đề về phân cấp. Luật Tổ chức Chính quyền địa phương quy định "Việc phân quyền cho mỗi cấp chính quyền địa phương phải được quy định trong Luật". Tuy nhiên, hiện nay nhiều luật chuyên ngành chưa quy định cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm của HĐND tỉnh, thành phố nên dẫn đến khó xác định đầy đủ các nội dung mà HĐND, UBND các tỉnh, thành phố có thẩm quyền quyết định. Vì vậy, HĐND khó phát huy được đầy đủ quyền thay mặt nhân dân quyết định các nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế chính sách, thu ngân sách và quản lý tài sản ở địa phương.


Chỉ khi nào HĐND có đủ năng lực thực hiện quyền lực mới thực sự phát huy được vai trò đại diện cho nhân dân địa phương
Ảnh: N. Hiền

Hoàn thiện cơ cấu tổ chức và các yếu tố nội tại

Điểm qua các nghị quyết do HĐND các tỉnh, thành đã ban hành và công khai trên cổng thông tin điện tử, có thể thấy, rất nhiều nghị quyết nội dung đơn giản, chỉ thể hiện sự nhất trí với UBND. Nhiều nội dung trong nghị quyết còn giao cho UBND quy định cụ thể để tổ chức thực hiện nên ảnh hưởng tới hiệu lực, hiệu quả nghị quyết của HĐND.

Bên cạnh đó, báo cáo của Ban Công tác đại biểu cũng đã đánh giá, một bộ phận đại biểu do cơ cấu nên còn thiếu kỹ năng hoạt động. Một số đại biểu là lãnh đạo thuộc cơ quan chuyên môn của UBND còn ngại va chạm, ít phát biểu, chất vấn hoặc đưa ra những kiến nghị xác đáng. Chưa có con số thống kê nhưng có thể thấy, đại biểu đăng đàn chất vấn ở HĐND nhiều tỉnh, thành chủ yếu là đại biểu chuyên trách; đại biểu thuộc khối đoàn, hội, đơn vị sự nghiệp hay doanh nghiệp. Việc đại biểu lãnh đạo các sở, ngành, lãnh đạo địa phương tham gia chất vấn là hiếm hoi, chủ yếu là trả lời hoặc giải trình về những vấn đề đại biểu đặt ra. Tương tự, điều này cũng thấy ở QH. Từ vấn đề này, thiết nghĩ sắp tới Ban Công tác đại biểu cần có thống kê về hoạt động chất vấn của đại biểu HĐND các cấp, để từ đó có những gợi ý về cơ cấu đại biểu nhiệm kỳ tới.

Chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của cấp ủy Đảng địa phương nên trước khi xem xét, quyết định các nội dung, vấn đề tại kỳ họp, Thường trực HĐND trình để báo cáo xin ý kiến cấp ủy. Mà có xin ý kiến thì phải có cho ý kiến. Cấp ủy cho ý kiến thì tổ chức Đảng có trách nhiệm lãnh đạo HĐND quyết định theo đúng định hướng. Và để “chắc ăn” nên có tình trạng HĐND chuyện gì cũng xin. Vậy nên quyết định tại kỳ họp chỉ còn là quyết chuyện đã rồi, là hình thức.

Từ năm 2015, báo cáo giám sát hoạt động HĐND các cấp của UBTVQH cũng đã nhận định, hạn chế lớn nhất trong giám sát của HĐND là chưa làm rõ trách nhiệm của các đối tượng chịu sự giám sát, trong đó việc chỉ ra địa chỉ cụ thể rất yếu. Phải nhìn nhận một điều rằng, nội dung hoạt động và công tác giám sát của HĐND rất phong phú, đa dạng, có nhiều vấn đề mang tính nghiệp vụ chuyên sâu, trong khi số đại biểu hoạt động chuyên trách còn ít, đại biểu HĐND vẫn còn nặng tính cơ cấu nên hầu hết chỉ có năng lực chuyên môn trong lĩnh vực chuyên ngành nhất định. Chính yếu tố đó đã ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả hoạt động của HĐND.

Thực hiện quyền lực của HĐND phụ thuộc rất lớn vào các yếu tố trong cơ cấu tổ chức, cơ chế thực thi quyền lực. Đó là: Đại biểu, các Ban, Thường trực HĐND và bộ máy tham mưu, giúp việc… HĐND muốn thực hiện được quyền lực đó, trước hết phải có năng lực nội tại. Nói cách khác, chỉ khi nào HĐND có đủ năng lực thực hiện quyền lực thì khi đó mới có thực quyền. Hoạt động của HĐND có mang nặng tính hình thức hay không phụ thuộc chủ yếu vào các yếu tố này. Muốn HĐND có thực quyền phải hoàn thiện cơ cấu tổ chức và nâng cao năng lực của các yếu tố trong cơ cấu tổ chức.

KHÔI NGUYÊN