Giáo dục nghề nghiệp - Chìa khóa phát triển nguồn nhân lực

Bài 1: Lọt sàng nhưng chẳng xuống nia

- Thứ Hai, 26/08/2019, 07:58 - Chia sẻ
Những năm qua, làm thế nào để lấp đầy chỉ tiêu tuyển sinh vẫn là bài toán không dễ giải đáp, khi các trường cạnh tranh cật lực mà vẫn khó thu hút người học. Cạnh tranh ở đây không chỉ giữa các trường nghề.

Lao đao nguồn tuyển

Hơn 4 năm triển khai Luật Giáo dục nghề nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành, hoạt động dạy nghề đã có những bước chuyển biến to lớn và thực sự đem lại hiệu quả cho toàn xã hội, tuy nhiên khó khăn, thách thức đặt ra không nhỏ. Muốn đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực ngày càng cao, những tồn tại, bất cập trong lĩnh vực này phải được nhìn nhận một cách thẳng thắn và sớm có giải pháp khắc phục.

“Khó tuyển sinh” là từ được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) nhắc đến nhiều nhất khi tiếp Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ năm 2019. Dẫn chứng là Hà Tĩnh - địa phương tập trung đông khu công nghiệp, nhu cầu lao động lớn nhưng số lượng học sinh lựa chọn học nghề ít. Phó Giám đốc Sở GD - ĐT Hà Tĩnh Đặng Thị Quỳnh Diệp chỉ ra thực trạng phân luồng hiện nay: 5 năm gần đây, chỉ tiêu tuyển sinh vào THPT là 80%, còn 20% dành cho học nghề, song số học sinh vào trường nghề chỉ xấp xỉ 10 - 12%. Tìm hiểu trong 8 - 10% còn lại, năm nhiều thì 600 - 700, ít thì 400 - 500 em không vào THPT nhưng không được hướng nghiệp, khoảng 1.000 em không vào THPT, không vào bổ túc, cũng không đi trường nghề.

Nhiều cơ sở GDNN rơi vào tình trạng nguồn tuyển sinh đào tạo hạn hẹp. Đơn cử, Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Bạc Liêu năm vừa qua tổ chức tuyển sinh chỉ đạt 78,6% chỉ tiêu, với 789 học sinh. Thậm chí, có trường có khối ngành không tuyển được học sinh, như Trường Cao đẳng Cộng đồng tỉnh Lai Châu đào tạo 11 ngành trình độ cao đẳng, năm 2016 tuyển được 57, năm 2017 tuyển được 41, năm 2018 tuyển được 31 sinh viên, tất cả đều thuộc ngành mầm non, các ngành khác không tuyển được...

Trước thực trạng tuyển sinh tại trường nghề, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ Cao Đình Thưởng, thành viên Đoàn giám sát phân tích, một trong những nguyên nhân là do buông lỏng quản lý giáo dục đại học. Thời gian dài, các trường cao đẳng, đại học mọc lên như nấm, vượt khỏi tầm kiểm soát của Chính phủ, chính quyền địa phương. Phương thức tuyển sinh đại học có nhiều thay đổi, nhiều trường chỉ cần xét học bạ, điểm chuẩn hạ thấp, thời gian tuyển sinh dài… để thu hút học sinh vào học, gây áp lực tuyển sinh cho các trường nghề.

Thế nhưng, mâu thuẫn ở bài toán so sánh năm 2018, 2019 với năm 2015, theo thống kê của nhiều tỉnh, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT vào ĐH giảm không ít, trong khi nhận thức xã hội ngày càng nâng lên, thậm chí nhiều học sinh tốt nghiệp ĐH giấu bằng đi học nghề, mà trường nghề vẫn không thu hút được người học. ĐBQH Cao Đình Thưởng trăn trở: “Số học sinh sau phân luồng không học nghề thì đi đâu? Trách nhiệm thuộc về ai? Công tác quản lý nhà nước về giáo dục, công tác quản trị nhân sự có chú ý đến? Câu hỏi này đặt ra cho nhiều cấp, nhiều ngành trong thời gian tới”.


Bài toán tuyển sinh có chuyển biến song vẫn là áp lực lớn đối với nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Phận “chiếu dưới”

Tính đến 12.2018, cả nước có 1.948 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, 397 trường cao đẳng (309 trường công lập, 84 trường tư thục, 4 trường có vốn đầu tư nước ngoài), 519 trường trung cấp (283 trường công lập, 235 trường tư thục và 1 trường có vốn đầu tư nước ngoài) và 1.032 trung tâm giáo dục nghề nghiệp (679 trung tâm công lập, 351 trung tâm tư thục, 2 trung tâm có vốn đầu tư nước ngoài).

Về lý thuyết, không phân biệt trường nghề, trường đại học, nhưng rõ ràng các trường nghề từ trước đến nay vẫn yếu thế hơn. Nhất là trong các “sân chơi” nhằm thu hút học sinh như: Ngày hội tư vấn tuyển sinh, phiên giới thiệu việc làm, tuyển dụng học nghề… các trường THCS, THTP còn hướng tới thành tích, thường ưu ái trường đại học khi tạo cơ hội tiếp cận học sinh. Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng TP Hồ Chí Minh Phạm Hữu Lộc cho biết: Hiện nay, tuyển sinh sau THCS gần như là sân chơi của các trường THPT, còn xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT chủ yếu là các trường ĐH. Năm 2020, tức chỉ còn 1 năm nữa, phấn đấu ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp, song thực chất phân luồng chỉ đạt khoảng 10%, vì các em không vào chính quy thì sang bổ túc, không vào trường công thì sang các trường tư...

ĐBQH Chu Lê Chinh (Lai Châu), thành viên Đoàn giám sát nhấn mạnh, phân luồng là mục tiêu của giáo dục nhưng chúng ta nhận thức chưa được, làm chưa đúng. Đấy là chưa nói đến việc GDNN không thu hút được người học, các chính sách cũng không đủ để bắt buộc người làm nghề phải có bằng cấp chuyên môn nhất định… Giờ đây nhiều người, nhất là ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi không học nghề mà tham gia ngay vào thị trường lao động, làm việc cho các công ty, doanh nghiệp không yêu cầu tốt nghiệp ngành nghề. Số lao động này sau 5 - 10 năm nếu bị sa thải, hoặc không được tăng lương… sẽ là gánh nặng cho xã hội.

“Theo thống kê, thế giới mỗi năm có 500 nghề biến mất và 600 nghề mới xuất hiện. Thế thì, GDĐH, GDNN theo như thế nào?”. Đặt câu hỏi này, ĐBQH Cao Đình Thưởng cho rằng, xu hướng ngành nghề sẽ tác động trực tiếp đến giáo dục đào tạo. Ở Việt Nam, vướng mắc lâu nay còn là mặt tâm lý xã hội, khi không ít phụ huynh và học sinh vẫn nặng về bằng cấp... Tuy nhiên, nếu trường nghề biết tận dụng cơ hội, đi đúng hướng thì sẽ có đất phát triển. Cơ hội đó một phần ở cơ chế, chính sách hợp lý, song trước hết nằm ở chính nội lực của các trường tạo ra giá trị thiết thực của việc học nghề.

Lê Thư