Nâng cao kỹ năng giám sát của đại biểu HĐND cấp tỉnh

Bài 1: Kiến nghị, đề xuất trọng tâm, trọng điểm

- Thứ Tư, 27/05/2020, 06:00 - Chia sẻ
Cùng với tăng cường phối hợp tổ chức các hội nghị tập huấn, phương pháp truyền đạt khoa học của các báo cáo viên đã giúp cho đại biểu HĐND nắm bắt kỹ hơn các kỹ năng hoạt động nói chung, kỹ năng giám sát nói riêng. Vì vậy, khi tham gia các đoàn giám sát, các đại biểu đã chủ động thu thập tài liệu liên quan để nghiên cứu, trao đổi với các đơn vị chịu sự giám sát; phát huy, thể hiện được vai trò trong việc nêu câu hỏi, gợi ý cho đối tượng chịu sự giám sát trả lời nội dung quan tâm; có những kiến nghị, đề xuất trọng tâm, trọng điểm.

Giúp đại biểu nắm bắt kỹ hơn kỹ năng

Thực tiễn đã khẳng định, chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND được quyết định bởi kết quả hoạt động của Thường trực, các ban và của mỗi đại biểu HĐND. Trong đó, vai trò của đại biểu HĐND hết sức quan trọng. Do đặc điểm của đại biểu HĐND có đến 90% đại biểu hoạt động không chuyên trách, không mang tính chuyên nghiệp, không thường xuyên, trình độ khác nhau và điều kiện tham gia vào hoạt động HĐND cũng không giống nhau. Nhận thức được tầm quan trọng và để giúp cho đại biểu HĐND thực hiện tốt quyền hạn, nhiệm vụ của mình, Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương đã luôn quan tâm đến công tác bồi dưỡng kiến thức, các kỹ năng hoạt động nói chung và kỹ năng giám sát nói riêng cho đại biểu HĐND.

Giám sát là kỹ năng khó và phức tạp, đòi hỏi người đại biểu cần phải hiểu, quán triệt sâu sắc pháp luật về giám sát. Chính vì vậy, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021 đến nay, Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương thường xuyên phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử - Ban Công tác đại biểu tổ chức các hội nghị tập huấn cho đại biểu HĐND tỉnh nhằm bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng giám sát cho đại biểu HĐND như: Lựa chọn nội dung giám sát, các bước tiến hành, phương pháp và đối tượng; cách thức thu thập, phân tích, tổng hợp thông tin phục vụ cho hoạt động giám sát; cách thức thẩm tra, xem xét các báo cáo, tờ trình, đề án trình tại kỳ họp HĐND; kỹ năng lắng nghe, tiếp thu, đối thoại và thuyết phục của đại biểu… Với việc áp dụng phương pháp truyền đạt khoa học của các báo cáo viên, kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, đồng thời tăng cường trao đổi, thảo luận đã nâng cao tính tích cực, chủ động của đại biểu, giúp cho đại biểu nắm bắt kỹ hơn các kỹ năng hoạt động nói chung và kỹ năng giám sát nói riêng.


Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đại biểu HĐND tỉnh, lãnh đạo HĐND  và thành viên các ban HĐND cấp huyện
Ảnh: T. Hòa

Khẳng định vai trò trong hoạt động giám sát

Bên cạnh đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương đã ban hành “Kế hoạch tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị và phản ánh của công dân đến HĐND, đại biểu HĐND các cấp”. Các Tổ đại biểu, các đại biểu HĐND tổ chức tiếp công dân định kỳ tại nơi đại biểu ứng cử. Các đại biểu HĐND tỉnh đã cơ bản xác định được vai trò, trách nhiệm của mình, đó chính là việc giữ mối liên hệ giữa đại biểu HĐND và cử tri; tạo điều kiện để cử tri thực hiện quyền tự do, dân chủ, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, giảm bức xúc, xung đột trong xã hội. Trong thời gian qua, các tổ đại biểu, đại biểu HĐND tỉnh cơ bản làm tốt công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị và phản ánh của công dân tại nơi ứng cử. Qua đó, không chỉ tạo niềm tin cho cử tri và còn là nguồn thông tin quan trọng phục vụ đắc lực cho hoạt động giảm sát của đại biểu.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương đã triển khai được nhiều cuộc giám sát chuyên đề. Tham gia thành viên đoàn giám sát ngoài lãnh đạo HĐND, lãnh đạo các Ban HĐND, còn có các đại biểu HĐND tỉnh có trình độ và am hiểu về các lĩnh vực liên quan đến nội dung giám sát. Trong quá trình tham gia đoàn, hầu hết các đại biểu HĐND tỉnh đã chủ động nghiên cứu các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương, nắm bắt những thông tin qua báo cáo, dư luận và trên các phương tiện thông tin đại chúng... liên quan đến lĩnh vực giám sát. Khi giám sát thực tế, các đại biểu chủ động thu thập tài liệu liên quan đến nội dung giám sát để nghiên cứu, trao đổi với các đơn vị chịu sự giám sát; đồng thời phát huy, thể hiện được vai trò trong việc nêu câu hỏi, gợi ý cho đối tượng chịu sự giám sát trả lời nội dung mình quan tâm; có những kiến nghị, đề xuất trọng tâm, trọng điểm.

Ngoài ra, hàng năm Thường trực HĐND tỉnh tổ chức Hội nghị giao ban Thường trực HĐND hai cấp (tỉnh, huyện) báo cáo kết quả cũng như chia sẻ kinh nghiệm hoạt động của cơ quan dân cử địa phương. Qua đó, giúp đại biểu HĐND có cái nhìn đa chiều và trao đổi, học hỏi để nâng cao các kỹ năng hoạt động nói chung và kỹ năng giám sát nói riêng.

Qua thực tế hoạt động của đại biểu HĐND tỉnh Hải Dương cho thấy, khi tích cực tham gia các hoạt động của HĐND, các đại biểu sẽ hình thành được kỹ năng hoạt động chung cũng như kỹ năng giám sát tốt như: Nghiên cứu kỹ các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, biết cách tập trung vào trọng tâm của vấn đề, biết lắng nghe và biết cách đặt vấn đề… từ đó, góp tiếng nói của mình vào việc biểu quyết, thông qua những vấn đề quan trọng của địa phương. Vì vậy, vai trò tích cực của đại biểu HĐND - chủ thể thực hiện quyền năng giám sát và quyết định chính là một trong những yếu tố khách quan tạo nên chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

THÁI HÒA