Thúc đẩy sáng tạo nghệ thuật đương đại

Bài 1: Khảo nghiệm đời sống mỹ thuật

- Thứ Năm, 13/02/2020, 10:52 - Chia sẻ
Mỹ thuật ra đời từ cuộc sống thực tế và không ngừng tiếp biến với các luồng ảnh hưởng. Đổi mới cần tầm nhìn văn hóa thẩm mỹ thích ứng. Ở Việt Nam, diện mạo đời sống mỹ thuật đang rất phong phú, sinh động, cho thấy sự chuyển dịch tách khỏi môi trường mỹ thuật truyền thống.

Mô hình thẩm mỹ mới

20 năm đầu thế kỷ XXI đánh dấu thay đổi lớn trong quá trình hội nhập, phát triển của mỹ thuật Việt Nam, nhất là từ khi nghệ thuật đương đại chính thức được công nhận như một mô hình thẩm mỹ mới. Nhìn lại thì thành quả này chủ yếu từ phía cá nhân nghệ sĩ.

Không thể phủ nhận, chặng đường hội nhập và phát triển của mỹ thuật Việt Nam những năm qua đã có nhiều thế hệ dấn thân, trưng ra thành quả sáng tạo dồi dào. Từ đầu những năm 2000, các triển lãm được tổ chức thường xuyên và liên tục, ngoài triển lãm nghệ thuật đương đại toàn quốc cho tất cả thế hệ nghệ sĩ, còn có 2 cuộc dành riêng cho nghệ sĩ từ 45 tuổi trở xuống là Festival Mỹ thuật trẻ toàn quốc và Biennale Mỹ thuật trẻ (Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh). Có thể thấy, các triển lãm được tổ chức với quy mô lớn đã phản ánh đời sống nghệ thuật sinh động, nhất là của thế hệ trẻ với những cách biểu đạt mới, tự tin đưa chất liệu đời sống vào nghệ thuật. Các tác phẩm đa dạng về thể loại, cách đặt vấn đề, góp phần quan trọng vào sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam.

Bước ngoặt từ năm 2007, Festival Mỹ thuật trẻ toàn quốc lần đầu tiên diễn ra đã chính thức công nhận nghệ thuật đương đại như một mô hình thẩm mỹ chứ không đơn thuần là chấp nhận thể loại, trường phái hay xu hướng nghệ thuật. Sau đấy, mỗi triển lãm, bieannale trưng ra hàng trăm tác phẩm hội họa, điêu khắc, đồ họa, sắp đặt, video art, trình diễn… Các tác giả từng bước làm chủ hình thức nghệ thuật, chất liệu, ngôn ngữ và tìm bản sắc riêng. Nếu trước đây, người xem có nhu cầu thưởng thức tranh tượng, thì giờ đã biết nghệ thuật đương đại với đa dạng cách thức sáng tạo của nó. Mỹ thuật Việt Nam cũng từng bước tiệm cận nghệ thuật đương đại thế giới.

Thế nhưng không có nghĩa con đường phát triển mỹ thuật Việt Nam luôn trải hoa hồng. Trong khảo cứu nhìn từ các triển lãm mỹ thuật trẻ Việt Nam, bà Nguyễn Thị Loan, Viện Mỹ thuật, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, chỉ ra thực tế vài năm trở lại đây, những không gian mỹ thuật mang tính nhà nước đang dần thiếu vắng tác phẩm đậm chất đương đại, tức là thiếu đi một mảng rất lớn trong đời sống hội họa. “Có thể các hình thức như sắp đặt, trình diễn, video art chưa có nhiều công chúng, chỉ có anh em họa sĩ và những người liên quan đến mỹ thuật thưởng ngoạn”. Nhưng sâu xa đâu chỉ bởi lý do như bà Nguyễn Thị Loan nêu ra.


Tác phẩm sắp đặt “Chung sống trên thiên đường” của nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Hùng trong triển lãm Tỏa 2017 tại không gian VCCA Hà Nội

Môi trường nào, tác phẩm nấy

“Đúng là thiếu vắng sản phẩm sáng tạo như video art, trình diễn… hay các hình thức nghệ thuật đương đại khác” - họa sĩ Trần Hậu Yên Thế nhận định tại triển lãm giao lưu giữa Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam và Trường Đại học Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh (từ 4.12.2019 - 6.1.2020). Còn nhà điêu khắc Mai Thu Vân sau khi tham quan các tác phẩm ở đây cho rằng: “Hình như ở môi trường như thế nào thì tác phẩm đưa ra cái đó”. Theo nhà điêu khắc Mai Thu Vân, qua triển lãm những tác phẩm tiêu biểu của hai cơ sở đào tạo mỹ thuật hàng đầu cả nước, ít nhiều thấy được nghệ thuật đương đại chưa thực sự tác động vào giảng dạy. “Chưa tác động vào giảng dạy thì chưa được thể hiện qua tác phẩm. Tất nhiên, đây là triển lãm của hai trường, ít nhiều mang tính chất học thuật, hàn lâm, còn triển lãm giữa các nhóm nghệ sĩ với nhau có thể sẽ khác”.

Chưa bàn đến câu chuyện giảng dạy, dường như nghệ thuật đương đại ở Việt Nam đang chọn cách trưng ra đầy đủ diện mạo trong không gian nghệ thuật khác, “giữa các nhóm nghệ sĩ với nhau”. Trong khi các sự kiện mỹ thuật lớn ở nhiều nước như Thái Lan, Indonesia… luôn phong phú tác phẩm đương đại thì ở Việt Nam lại ít. Thay vào đó, hội họa giá vẽ vẫn chiếm số lượng lớn. Nghệ sĩ “xuất khẩu” tác phẩm đương đại nhưng không phải đưa đến không gian mang tính chính thống như bảo tàng, biennale, triển lãm mỹ thuật toàn quốc… mà phần đông tìm đến không gian tư nhân. Điều này khiến việc đưa nghệ thuật đương đại đến với đông đảo công chúng vẫn là bài toán khó.

Thực ra, nghệ sĩ cũng có cái khó của mình. Mỹ thuật hiện đại đã không còn bó gọn trong phạm vi hội họa hay điêu khắc mà mở rộng sang các hình thức mới, gắn trực tiếp với thời kỳ bùng nổ công nghệ thông tin, cách mạng công nghệ số… Để đáp ứng những phương thức thể hiện đó, không gian triển lãm phải đủ rộng, đủ phương tiện âm thanh, ánh sáng, màn hình… Thế nhưng, phần lớn bảo tàng đều không đáp ứng được yêu cầu này. Họa sĩ Trần Thanh Cảnh phân tích: “Nghệ thuật đương đại cần một không gian vượt ra khỏi không gian dành cho nghệ thuật thông thường. Nó phải được thiết kế đặc thù, ví dụ phòng dành cho video art phải là phòng tối hoàn toàn, dành cho sắp đặt tương tác phải có diện tích và một vài yếu tố riêng khác…”.

Ngay cả thời gian trưng bày tác phẩm đương đại cũng khác biệt, như dùng cả khoảng tường lớn chỉ để treo một bức tranh trong 6 tháng - 1 năm, thậm chí lâu hơn, vì phải đủ lâu mới giúp người xem cảm nhận, đọc vị ý tưởng của nghệ sĩ. Còn ở Việt Nam, một triển lãm thông thường không kéo dài, trung bình 1 - 3 tháng, thậm chí vài ngày. Bên cạnh đó là vấn đề địa điểm, những không gian nghệ sĩ đương đại thường tìm đến như Heritage Space, Six Space, Manzi - Art Space, L’Espace (Hà Nội) hay Sàn Art, Quỳnh Gallery, A.Farm (TP Hồ Chí Minh)… phần lớn được cải tạo lại, hoặc do bản thân nghệ sĩ tự vận động mà có. Trung tâm nghệ thuật đương đại được đầu tư bài bản, kỹ lưỡng như Vincom Center for Contemporary Art (VCCA - Hà Nội), The Factory - Contemporary Arts Centre (TP Hồ Chí Minh) đến giờ thực ra chỉ là “đếm trên đầu ngón tay”, và cũng không thuần dành cho nghệ thuật đương đại.

Thái Minh