Thường trực HĐND huyện Hoài Nhơn tổ chức phiên giải trình về xử lý vi phạm pháp luật nghĩa vụ quân sự

Bài 1: Khắc phục “lỗ hổng” pháp luật liên quan các chế định xử lý

- Thứ Bảy, 14/09/2019, 08:12 - Chia sẻ
Khắc phục “lỗ hổng” pháp luật liên quan đến quy định về xử lý hình sự đối với các trường hợp không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe có tính chất tái phạm, qua phiên giải trình của Thường trực HĐND huyện Hoài Nhơn mới đây, thiết nghĩ cần sớm giải thích Điều 332 Bộ luật Hình sự và Điều 3 Luật Nghĩa vụ quân sự về tội trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự theo hướng: Xác định hành vi không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe thuộc hệ thống trình tự, thủ tục sau bước đăng ký nghĩa vụ quân sự, trước khi thực hiện lệnh gọi nhập ngũ, gắn với việc đánh giá tính có căn cứ của Khoản 8, Điều 3 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015.

Bế tắc trong xử lý về hình sự

Kết quả giám sát của Ban Pháp chế HĐND huyện về tình hình thực thi pháp luật xử lý vi phạm pháp luật nghĩa vụ quân sự đối với Ban Chỉ huy Quân sự huyện và Chủ tịch UBND các xã, thị trấn cho thấy: Toàn huyện giao quân hàng năm tuy đạt chỉ tiêu song thời gian gần đây, tình hình vi phạm pháp luật về nghĩa vụ quân sự, số thanh niên không chấp hành pháp luật nghĩa vụ còn nhiều. Đặc biệt, số thanh niên không chấp hành lệnh khám sức khỏe gia tăng đột biến nhưng việc xử lý còn chậm, công tác xác lập hồ sơ chưa chặt chẽ. Trong năm 2018, 4 xã lập hồ sơ, báo cáo kiến nghị xử lý hình sự đối với 11 trường hợp vi phạm có tính chất tái phạm. Trong đó, 6 trường hợp vi phạm do không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe nhưng các cơ quan điều tra đã quyết định chuyển trả hồ sơ, đề nghị xử lý bằng các biện pháp khác.

Trên cơ sở kiến nghị của Ban Pháp chế, Thường trực HĐND huyện đã tổ chức phiên họp giải trình về xử lý vi phạm pháp luật nghĩa vụ quân sự. Theo đánh giá của các đại biểu, việc xác lập hồ sơ ban đầu xử lý thanh niên vi phạm thuộc trách nhiệm của cấp cơ sở. Tuy nhiên, do trình độ và năng lực của một số công chức (chỉ huy trưởng quân sự, tư pháp) có mặt còn hạn chế nên việc xác lập hồ sơ ban đầu thiếu chặt chẽ; quy trình còn thiếu nhưng không thể khắc phục được. Hạn chế này dẫn đến tuy hành vi vi phạm (trốn lệnh nhập ngũ) đã được quy định trong Bộ Luật Hình sự nhưng thiếu sót trong khâu lập thủ tục nên không thể xử lý được; có trường hợp hồ sơ tương đối chặt chẽ nhưng hành vi vi phạm chưa được quy định trong Bộ Luật Hình sự dẫn đến tình trạng lúng túng, hay nói đúng hơn là bế tắc trong quá trình xử lý về hình sự, nhất là đối với các trường hợp không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe.

Qua phân tích của các đại biểu, Thường trực HĐND huyện Hoài Nhơn thống nhất đánh giá: Có một “lỗ hổng” pháp luật liên quan các chế định xử lý vi phạm hành chính và hình sự thông qua việc xử lý của Chủ tịch UBND cấp xã và các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương.


Một buổi giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh Bình Định tại huyện Hoài Nhơn

Kịp thời, khả thi hơn

Thực tế, quy định về xử lý hình sự đối với các trường hợp không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe, có tính chất tái phạm thiếu tính thống nhất giữa Bộ Luật Hình sự 2015 và Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, dẫn đến ách tắc, không xử lý hình sự được. Năm 2018, UBND các xã, thị trấn đã lập thủ tục và đề nghị cơ quan cảnh sát điều tra huyện xử lý hình sự 11 trường hợp. Tuy nhiên, tại phiên họp giải trình, hầu hết các cơ quan tiến hành tố tụng đều cho rằng, cơ sở của trách nhiệm hình sự được quy định trong Điều 2 Bộ luật Hình sự 2015 là “Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật Hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự”. Điều đó cũng đồng nghĩa là, chỉ được xử lý hình sự những hành vi đã được quy định trong Bộ luật Hình sự.

Đối chiếu với quy định mang tính liệt kê tại Khoản 1 Điều 332 Bộ luật Hình sự năm 2015, về mặt khách quan của tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự chỉ là 3 hành vi độc lập (không đăng ký, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, không chấp hành lệnh gọi tập trung huấn luyện); hành vi không chấp hành lệnh khám sức khỏe chưa được quy định trong Bộ luật Hình sự 2015 và được hiểu là độc lập với hành vi “không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự” như quy định tại Khoản 1 Điều 332 Bộ luật Hình sự.

Trong khi đó, Khoản 8 Điều 3 Luật Nghĩa vụ Quân sự năm 2015 quy định “Trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự là hành vi không chấp hành lệnh gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự; lệnh gọi khám sức khoẻ nghĩa vụ quân sự; lệnh gọi nhập ngũ; lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập…”. Theo Nghị định số 13/2016, ngày 19.2.2016 của Chính phủ, sau khi công dân đăng ký, Ban Chỉ huy quân sự cấp giấy chứng nhận đăng ký nghĩa vụ quân sự cho công dân. Có thể khẳng định, việc gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự phải được thực hiện sau bước đăng ký nghĩa vụ quân sự; là bước trung gian, mang tính độc lập giữa đăng ký nghĩa vụ quân sự và gọi công dân nhập ngũ. Do đó, việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự không được xem là tình tiết “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm”.

Theo giải trình tại phiên họp, Cơ quan Cảnh sát Điều tra và Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Hoài Nhơn đều cho rằng, hai ngành đã báo cáo thỉnh thị và được ngành cấp trên cho ý kiến mang tính chất chung nhất, là chỉ được phép xử lý những hành vi nào được quy định trong Bộ luật Hình Sự năm 1995. Điều đó cũng có nghĩa là, hành vi không chấp hành lệnh khám sức khỏe chưa được quy định nên không có cơ sở pháp lý để truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó, đợt tuyển quân năm 2019, có một số trường hợp vi phạm không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe, có trường hợp tái phạm đến 3 lần nhưng các địa phương không lập báo cáo kiến nghị xử lý hình sự mà tiến hành xử lý hành chính như các trường hợp khác.

Nếu lấy nguyên tắc trường hợp có xung đột thì ưu tiên sử dụng luật chuyên ngành quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 để tháo gỡ vướng mắc. Quan điểm này cho rằng, các cơ quan tiến hành tố tụng nên vận dụng quy định Khoản 8 Điều 3 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 với tính chất là luật chuyên ngành để tiến hành khởi tố hình sự đối với các trường hợp không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự. Khắc phục “lỗ hổng” liên quan đến vấn đề xác định yếu tố tái phạm, tránh tình trạng vi phạm theo hình thức “giã gạo”, đề nghị sửa cụm từ “đã bị xử lý hành chính về hành vi này mà còn vi phạm” thành “đã bị xử lý hành chính về nhóm hành vi thuộc pháp luật nghĩa vụ quân sự mà còn vi phạm”.

Tuy nhiên, để chặt chẽ, khoa học, kịp thời và mang tính khả thi hơn, theo chúng tôi, UBTVQH sớm giải thích Điều 332 Bộ luật Hình sự và Điều 3 Luật Nghĩa vụ quân sự về tội trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự theo hướng xác định hành vi không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe thuộc hệ thống trình tự, thủ tục sau bước đăng ký nghĩa vụ quân sự, trước khi thực hiện lệnh gọi nhập ngũ, gắn với việc đánh giá tính có căn cứ của Khoản 8, Điều 3 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015. Làm cơ sở cho việc xử lý đúng pháp luật, bảo đảm nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa, góp phần phục vụ nhiệm vụ chính trị các địa phương.

Phạm Dân - Trưởng ban Pháp chế HĐND huyện Hoài Nhơn, Bình Định