Để kinh tế Việt Nam đổi chiều tăng trưởng

Bài 1: Động lực mới thúc đẩy tăng trưởng

- Thứ Ba, 02/10/2018, 06:52 - Chia sẻ
Để làm cơ sở cho việc đề xuất những chính sách và giải pháp nhằm đưa nền kinh tế nước ta tăng trưởng nhanh và bền vững trong thời gian tới, nhất là trong 2 năm 2019 - 2020, thực hiện mục tiêu kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 theo tinh thần Đại hội XII của Đảng, tôi không đề cập nhiều đến những thành tựu đã đạt được về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại… khá nổi bật của nước ta trong 3 năm qua, mà chỉ nhận diện những vấn đề đang bất cập, những tồn tại và điểm nghẽn cần được tháo gỡ.

LTS: Làm thế nào để kinh tế Việt Nam “đổi chiều tăng trưởng” trong giai đoạn mới? Để trả lời cho câu hỏi này, TS. TRẦN DU LỊCH, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, ĐBQH Khóa IX, XII và XIII đề nghị ngay từ Kỳ họp thứ Sáu tới đây, và các kỳ họp trong năm 2019, QH cần những quyết sách tạo ra động lực mới cho nền kinh tế tăng trưởng cao và bền vững trong 2 năm 2019 - 2020 và nhất là giai đoạn 2021 - 2030; chấm dứt giai đoạn tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm dần sau mỗi 5 năm từ 2001 - 2015.

Điều này nhằm huy động nguồn lực cho mục tiêu phát triển bền vững, nhất là mục tiêu tái cơ cấu gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011 - 2020) và Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 đã được QH thông qua tại Kỳ họp thứ Hai, QH Khóa XIV.

Tình hình kinh tế vĩ mô tích cực hơn so với đầu nhiệm kỳ

Diễn biến tình hình kinh tế nước ta trong những tháng gần đây có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. Một số chỉ báo kinh tế vĩ mô đáng quan tâm và nhất là  tâm lý lo lắng về diễn biến khó lường của cuộc chiến tranh thương mại Trung - Mỹ; phản ứng của thị trường tài chính quốc tế và thị trường chứng khoán trong nước… Tuy nhiên, về cơ bản trong năm 2018, các chỉ báo kinh tế vĩ mô tích cực vẫn là chủ đạo; những ảnh hưởng tiêu cực đối với nền kinh tế Việt Nam vẫn nặng về yếu tố tâm lý nhiều hơn. Đặc biệt, nền kinh tế nước ta đã có dấu hiệu đổi chiều: Từ tăng trưởng chậm dần sang tăng trưởng cao dần, đang mở ra thời cơ tạo nên bước đột phá mới.
Tình hình trên có nhiều nguyên nhân, nhưng theo tôi có 3 nguyên nhân chính. Một là, những nỗ lực cải cách thể chế, sự chỉ đạo điều hành tập trung của Chính phủ. Hai là, lợi ích của hội nhập sâu rộng mang lại. Và ba là sự hấp thụ, ứng dụng những thành tựu của công nghệ mới trong các ngành kinh tế (rất nhiều điển hình trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế ứng dụng công nghệ cao).

Năm 2018, sự tăng trưởng cao của quý I có nguyên nhân “bất thường”, nên ngay từ đầu quý II các dự báo đều đưa ra nhận định: Năm 2018 tốc độ tăng GDP sẽ giảm dần (khác với mọi năm) và cả năm chỉ cũng chỉ đạt mức 6,7 - 6,8% (không thể cao như quý I). Hiện nay tình hình đang diễn biến như vậy.

Những chỉ báo kinh tế vĩ mô như CPI, tỷ giá, cán cân vãng lai… đang được Chính phủ quan tâm để xử lý đồng bộ, chứ chưa đủ cơ sở để đe dọa đến sự bất ổn vĩ mô. Các chỉ báo quan trọng như lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm chỉ tăng 1,35%; giá USD tăng khoảng 1% so với tháng 12.2018; cán cân thương mại dương (xuất siêu); dự trữ ngoại hối đạt 63,5 tỷ USD; tăng trưởng tín dụng 6,35%, thấp hơn mức huy động tín dụng (tăng 7,78%), hệ thống ngân hàng thương mại có thanh khoản tốt, ngân sách cân đối chi tiêu và trả nợ như kế hoạch…

4 mục tiêu cơ bản của kinh tế vĩ mô vẫn bảo đảm: Tăng GDP; ổn định giá cả; tăng việc làm, giảm thất nghiệp và xuất khẩu ròng trong năm 2018. Do đó, về tổng thể tình hình kinh tế vĩ mô năm 2018 được cải thiện so với đầu năm 2016.

Tuy nhiên, về niềm tin của thị trường bị giảm sút và nền kinh tế đang đứng trước yêu cầu cần có động lực mới để thúc đẩy tăng trưởng trong các năm tiếp theo. Tốc độ tăng trưởng kinh tế chựng lại và yếu dần có nhiều nguyên nhân, nhưng nhìn chung có 3 nguyên nhân chính. Trong đó, nguyên nhân sâu xa từ sự bất cập của cơ cấu kinh tế và thể chế vận hành của thị trường. Nguyên nhân trực tiếp là tư tưởng chờ xem diễn biến cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, hậu quả của nó, nhất là nguy cơ có thể dẫn đến cuộc chiến tranh tiền tệ thế giới. Và, tâm lý hồ hởi của doanh nhiệp về nỗ lực cải cách thể chế của Chính phủ đầu nhiệm kỳ đang giảm dần do kết quả hạn chế, không được như mong đợi.

5 thách thức

Nền kinh tế nước ta đã có dấu hiệu đổi chiều: Từ tăng trưởng chậm dần sang tăng trưởng cao dần, đang mở ra thời cơ tạo nên bước đột phá mới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm dần qua từng kế hoạch 5 năm từ giai đoạn 2001 - 2005 tăng bình quân 7,33%/năm; 2006 - 2010 tăng bình quân còn 6,32%/năm và 2011 - 2015 tăng bình quân chỉ còn 5,96%/năm và tiếp tục đà này cho đến hết quý I.2017). Từ quý II.2017 bắt đầu đổi chiều với tốc độ tăng trưởng cao.

TS. Trần Du Lịch

Theo số liệu thống kê và những nghiên cứu riêng từ thực tiễn, nhất là việc theo dõi thực tiễn của tình hình kinh tế đất nước trong 15 năm qua, có thể khái quát 5 vấn đề đang là thách thức cả trước mắt và trong dài hạn.

Thứ nhất, trước mắt đáng lo ngại là nguy cơ nền kinh tế mất đà tăng trưởng từ quý IV.2018 và tốc độ tăng trưởng giảm dần từ quý I.2019.

Như đã phân tích ở trên, tốc độ tăng GDP quý I.2018 cao nhất trong 10 năm qua và đà tăng trưởng này giảm dần từ quý II và do đó kỳ vọng năm 2018 chỉ đạt được tốc độ tăng trưởng như năm 2017.

Câu hỏi đặt ra là: Động lực nào để nền kinh tế nước ta phục hồi tốc độ tăng trưởng, chấm dứt thời kỳ suy giảm và liệu có đạt được tốc độ tăng trưởng bình quân 6,5 - 7%/năm trong kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 không? Và hơn nữa là sẽ đạt tốc độ tăng trưởng ổn định ở mức bình quân 7 - 7,5% cho giai đoạn 2021 - 2030 trong bối cảnh chịu tác động mạnh mẽ của  những biến động của thị trường thế giới.

Thứ hai, chủ trương tái cơ cấu gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng được xác định trong Chiến lược 10 năm 2011 - 2020, nhưng đến nay về cơ bản chưa có sự chuyển biến đáng kể. Chất lượng tăng trưởng ít được cải thiện, nền công nghiệp chủ yếu vẫn là gia công; nền sản xuất nông nghiệp chưa phát huy được lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới, chịu quá nhiều rủi ro về thị trường, dễ bị tổn thương; mô hình kinh tế hộ nông nghiệp ngày càng bất cập; chính sách năng lượng không kích thích đổi mới công nghệ và phát triển năng lượng tái tạo. Nền kinh tế dựa vào khai thác tài nguyên thô và lao động rẻ không chỉ mất lợi thế, mà đang thành yếu tố bất lợi, trong điều kiện hội nhập và tiến bộ của kỹ thuật và công nghệ. Vậy trở lực nào làm chậm quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng?

Thứ ba, nền kinh tế luôn luôn tiềm ẩn sự bất ổn vĩ mô. Tăng trưởng dựa phần lớn vào nợ, chứ không phải dựa vào tích lũy (cả Nhà nước lẫn doanh nghiệp) tạo nên gánh nặng tài chính: Doanh nghiệp sống nhờ chủ yếu vào tín dụng của ngân hàng thương mại, Nhà nước dựa vào nợ công để đầu tư. Thị trường tài chính phát triển khập khiễng, mất cân đối giữa thị trường vốn (trung - dài hạn) và thị trường tiền tệ (ngắn hạn); hệ thống ngân hàng thương mại tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, dễ tổn thương. Thị trường bất động sản phát triển méo mó về cung - cầu, một phần dựa vào “kinh doanh cơ chế” đã góp phần quan trọng gây ra tình trạng nợ xấu trong giai đoạn trước.

Thứ tư, hệ thống pháp luật xung đột, chồng chéo, môi trường pháp lý thiếu minh bạch; cải cách thể chế kinh tế thiếu đồng bộ với cải cách nền tài chính công và hành chính công, nên những nỗ lực cải cách hành chính của Chính phủ trong thời gian qua mang lại hiệu quả thấp; thủ tục hành chính vẫn là nỗi ám ảnh của doanh nghiệp. Làm thế nào để xử lý đồng bộ giữa hoàn thiện thể chế kinh tế với cải cách nền tài chính công và hành chính công?

Thứ năm, khu vực kinh tế nội địa chủ yếu dựa vào khu vực kinh tế cá thể (hộ sản xuất kinh doanh nông - công nghiệp, dịch vụ), còn khu vực doanh nghiệp tư nhân chậm lớn. Hơn nửa triệu doanh nghiệp tư nhân hoạt động theo Luật Doanh nghiệp chỉ đóng góp từ 7 - 8% GDP (trong số khoảng 40% GDP đóng góp của khu vực tư nhân), mặc dù số lượng tăng. Từ giai đoạn 2006 - 2010 đến nay, nền kinh tế tăng trưởng hai tốc độ, trong đó khu vực FDI tăng trưởng ổn định, khu vực kinh tế trong nước suy yếu. Nếu khu vực kinh tế trong nước “đuối tầm” trong cạnh tranh thì chính là nguy cơ trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu. Làm thế nào để doanh nghiệp tư nhân vượt qua tình trạng “chậm lớn”, phát triển như tinh thần của Nghị quyết Trung ương 5, Khóa XII?

TS. Trần Du Lịch - ĐBQH Khóa IX, XII và XIII
Anh Phương ghi