Phát triển bền vững cây vải thiều Thanh Hà

Bài 1: Điểm tựa cây vải sớm

- Thứ Bảy, 25/05/2019, 08:11 - Chia sẻ
Từ bao đời nay, cây vải trở thành cây chủ lực mang lại nguồn kinh tế lớn cho huyện Thanh Hà. Tuy nhiên, mùa vải năm nay được đánh giá không thuận lợi khi có tới 80% vải chính vụ bị thiệt hại do tác động xấu của thời tiết. Dù vụ vải chính vụ không như mong đợi, song cây vải sớm vẫn mang đến nhiều hy vọng cho người dân. Giá thành tốt, năng suất ổn định của vụ vải sớm hứa hẹn sẽ là điểm tựa để người trồng vải Thanh Hà bước qua khó khăn để tiếp tục gắn bó với cây vải thiều địa phương.

Vụ vải chính không như mong đợi

Vải thiều Thanh Hà ngày càng khẳng định được giá trị với chất lượng hảo hạng, vị ngọt thanh, xứng đáng là loại trái cây đặc sản của Việt Nam. Tuy vậy, việc trồng vải chính vụ cũng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Từ câu chuyện năng suất, thị trường, đầu ra cho đến tâm lý của người dân muốn đổi sang các giống cây trồng mới, thời gian gần đây, huyện Thanh Hà (Hải Dương) đang nỗ lực tập trung các nguồn lực, đẩy mạnh áp dụng KH - CN vào phát triển sản xuất theo hướng bền vững, nhằm ổn định năng suất, giá trị, thu nhập cho người dân và định vị thương hiệu vải thiều trên bản đồ nông sản trong và ngoài nước.

Toàn tỉnh Hải Dương có khoảng 10.500ha vải thì diện tích trồng tại huyện Thanh Hà đã chiếm 1/3 (khoảng 3.700ha). Theo ghi nhận thực tế, bà con nông dân trồng vải năm nay đang đứng trước nguy cơ mất mùa vải chính vụ vì 80% cây vải không cho quả. Đại diện Phòng NN - PTNT huyện Thanh Hà cho biết: Nguyên nhân sụt giảm sản lượng do thời tiết nóng ấm diễn ra đúng thời điểm cây vải đơm hoa nên tỷ lệ đậu quả vô cùng thấp.

Dồn tiền đầu tư, chăm sóc vụ vải chính nhưng kết quả không như mong đợi, nhiều hộ trồng vải thua lỗ đang tính chuyện chặt bỏ cây vải để thay thế bằng các loại cây ăn quả khác. Trước thông tin việc người dân mong muốn chuyển đổi cây vải sang trồng thanh long, chuối… Trưởng phòng NN - PTNT huyện Nguyễn Thị Lan cho biết: Phòng đã cử cán bộ xuống địa bàn nắm bắt tình hình cụ thể và phối hợp các địa phương tổ chức tuyên truyền, khuyến cáo người dân không tự chặt vải để chuyển đổi giống cây trồng. Bên cạnh đó, đã tổ chức vận động bà con ổn định sản xuất và không nên lo lắng khi giá trị quả vải sẽ được thị trường đẩy lên do thiếu hụt nguồn cung. Phòng cũng tổ chức các đoàn tham khảo các mô hình chăm sóc cây vải tốt trên địa bàn để người trồng vải tham quan, học tập. Đồng thời, đặt hàng các nhà khoa học nghiên cứu, áp dụng một số phương pháp trồng vải ứng phó với biến đổi khí hậu.

Về thông tin người dân phản ánh liên quan đến chất lượng thuốc trừ sâu không tốt, gây ảnh hưởng tới năng suất cây vải năm nay, Phòng NN - PTNT huyện Thanh Hà đã phối hợp với các Hội nông dân trên địa bàn hướng dẫn người dân lựa chọn và phun thuốc đúng cách. Đồng thời, khuyến cáo người dân phát hiện ra thuốc kém chất lượng, thuốc giả báo cáo lực lượng chức năng để tiến hành xử lý.


Người dân háo hức thu hoạch vải Ảnh: Thanh Bình

Hy vọng vào cây vải sớm

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Bính Lê Văn Hải, vải thiều vẫn là cây trồng chủ lực của địa phương và mang lại giá trị kinh tế rất lớn cho người dân. Năm 2018, thu nhập cây vải mang lại cho người dân Thanh Bính khoảng 52,2 tỷ đồng. Nếu có chuyển đổi sang trồng cây khác thì chưa chắc đã có nguồn lợi kinh tế tương đương. Năm 2019, dù vụ vải chính vụ không như mong đợi, song, cây vải sớm vẫn mang đến nhiều hy vọng cho người dân. Giá thành tốt, năng suất ổn định của vụ vải sớm hứa hẹn sẽ là điểm tựa để người trồng vải Thanh Hà bước qua khó khăn để tiếp tục gắn bó với cây vải thiều địa phương.

 Năm nay, ngày hội vải thiều huyện Thanh Hà diễn ra vào ngày mai (26.5), tại Nhà văn hóa trung tâm huyện và Quảng trường Thanh Bình. Tham gia ngày hội, dự kiến sẽ có khoảng từ 300 - 500 khách mời từ Trung ương đến địa phương, doanh nghiệp, cơ quan báo chí, truyền thông… Thông qua ngày hội, huyện Thanh Hà kỳ vọng sẽ quảng bá sâu rộng sản phẩm vải thiều cùng nhiều mặt hàng nông sản chủ lực và sản phẩm du lịch đặc trưng đến với khách hàng trong và ngoài nước. Đây là cơ hội mở rộng hợp tác tiêu thụ vải thiều và hàng nông sản, nhằm nâng cao giá trị thu nhập cho người dân.

Trên địa bàn huyện Thanh Hà, cây vải sớm (gồm vải u trứng, u hồng, tàu lai, u thâm) hiện chiếm 25% tổng diện tích. Trong đó, tập trung chủ yếu tại các xã Thanh Bính, Thanh Hồng, Thanh Cường, Vĩnh Lập, Trường Thành, Hợp Đức. Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Bính Nguyễn Văn Đệnh cho biết, địa phương hiện có 260ha vải trong đó diện tích vải sớm chiếm hơn 200 ha, còn lại là vải thiều chính vụ. Nhìn những trái vải sớm tươi căng tròn, ông Đệnh cho biết, nhờ những kỹ thuật đã được Phòng NN - PTNT huyện hướng dẫn nên cây vải sớm phát triển ổn định, năng suất và chất lượng khá tốt. “Thời điểm đầu, giá vải sớm đạt ngưỡng 70 - 75.000 đồng/kg, sau đó, ổn định trong khoảng 55.000 - 60.000 đồng/kg. Vải sớm được mùa, được giá nên phần nào giúp chia sẻ cho thất thu của mùa vải chính vụ”, ông Đệnh chia sẻ. 

Cũng đặt nhiều hy vọng vào cây vải sớm, nông dân Lê Văn Hóa (thôn Thanh Lanh, xã Thanh Bính) cho biết: Nhiều hộ dân trong xã năm nay nhìn quả vải chính vụ rụng la liệt rất xót xa. Nhưng cũng an ủi phần nào khi cây vải u trứng trắng ra quả rất sai và đẹp. “Dù thu hoạch chậm hơn các vườn khác nên không được hưởng được giá cao nhưng riêng buổi sáng nay, tôi đã bán được gần 2 tạ với giá 55.000 đồng/kg. Năm nay, người trồng vải sớm trong vùng đỡ vất vả hơn người mua đến tận vườn lấy trực tiếp, vừa đỡ công vận chuyển vừa giảm thiểu tối đa hao hụt”, ông Hóa chia sẻ. 

THANH BÌNH