Giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh Nghệ An

Bài 1: Đề cương, biểu mẫu riêng cho mỗi cơ quan đặc thù

- Thứ Ba, 12/03/2019, 08:11 - Chia sẻ
Đề cương giám sát là “cốt lõi” và là “điểm” quyết định quan trọng của một cuộc giám sát. Bên cạnh nghiên cứu kỹ các văn bản pháp luật, tài liệu liên quan, cần tổ chức khảo sát, thu thập thông tin bằng nhiều kênh khác nhau; tranh thủ tham vấn ý kiến của các chuyên gia. Đề cương cần tập trung làm nổi bật được nội dung cốt lõi, trọng tâm, bảo đảm gọn, rõ vấn đề, cần xây dựng các phụ lục, mẫu biểu kèm theo. Đối với một số nội dung cần tìm hiểu sâu và cụ thể hơn, Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An chỉ đạo xây dựng đề cương, biểu mẫu riêng cho mỗi cơ quan, đơn vị đặc thù.

Lựa chọn cơ quan, đơn vị giám sát trực tiếp

Việc lựa chọn nội dung giám sát là bước đầu tiên, là nhiệm vụ rất quan trọng trong thực hiện giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh. Kinh nghiệm của HĐND tỉnh Nghệ An cho thấy, trước hết, cần xác định vấn đề giám sát bao trùm, có tác động lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, là những vấn đề bức xúc, nổi lên ở địa phương được nhiều cử tri và nhân dân, nhiều ngành, nhiều cấp quan tâm. Đơn cử như trong lĩnh vực đất đai, có nhiều vấn đề cần quan tâm như công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư… Tuy nhiên, Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An đã lựa chọn nội dung về quản lý, thực hiện các dự án sử dụng đất đô thị, tập trung giám sát công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đô thị - một nội dung hết sức nhạy cảm và phức tạp, gây bức xúc trong dư luận trình HĐND xem xét, thực hiện giám sát chuyên đề.


Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An họp thông qua kết quả giám sát tình hình quản lý, thực hiện một số dự án đất đô thị trên địa bàn 
Ảnh: Mai Hoa

Thành phần đoàn giám sát bảo đảm đầy đủ lực lượng nòng cốt; mời đội ngũ chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội để bảo đảm tính chuyên sâu, chuyên nghiệp trong tư vấn nội dung giám sát. Như khi giám sát về quản lý, thực hiện các dự án sử dụng đất đô thị, Đoàn giám sát mời 2 chuyên gia về lĩnh vực tài nguyên - môi trường và xây dựng quy hoạch đô thị tham gia… Mời Tổ trưởng Tổ đại biểu HĐND tỉnh được bầu tại địa bàn được giám sát, đại diện Thường trực, các Ban HĐND cấp huyện để Đoàn giám sát có thêm nhiều thông tin từ phía cơ sở; đồng thời, giúp các Tổ đại biểu HĐND tỉnh và HĐND cấp huyện kết hợp giám sát, nắm được sâu hơn vấn đề qua giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh trên địa bàn; mời các cơ quan báo chí, phát thanh - truyền hình để tuyên truyền kịp thời, sâu rộng các hoạt động giám sát của HĐND.

Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Viết Đường, việc lựa chọn cơ quan, đơn vị giám sát trực tiếp rất quan trọng. Đó phải là những cơ quan, đơn vị mang tính đại diện, bao quát đối với vấn đề cần giám sát,hoặc là những chủ thể trực tiếp thụ hưởng, thực hiện chính sách. Đồng thời, cần lựa chọn nhiều cơ quan, đơn vị để giám sát qua báo cáo. Riêng đối với UBND cấp huyện, ngoài những nơi đoàn giám sát trực tiếp, Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An yêu cầu UBND các huyện, thành, thị còn lại gửi báo cáo cho đoàn giám sát. Thường trực HĐND tỉnh cũng yêu cầu một số Tổ đại biểu HĐND tỉnh tổ chức giám sát và gửi báo cáo kết quả cho đoàn. Qua đó, đoàn giám sát vừa có thể nhìn nhận vấn đề từ một cơ quan, đơn vị cụ thể; đồng thời đánh giá khái quát, tổng thể vấn đề đang giám sát trên diện rộng, nhất là những yếu kém, khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện, từ đó có những kiến nghị sát đúng, phù hợp và có tính khả thi cao.

Tranh thủ tham vấn ý kiến chuyên gia

 Theo kinh nghiệm của HĐND tỉnh Nghệ An, việc bố trí, triển khai đoàn giám sát cần bảo đảm tính khoa học, hợp lý (trong quyết định thành lập có 2 đoàn giám sát nhưng khi làm việc tại đơn vị, địa phương thì mỗi đoàn lại chia thành 2 tổ làm việc độc lập để thu thập được nhiều thông tin); phân công rõ trách nhiệm đối với thành viên đoàn giám sát, tổ thư ký, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị được giám sát, tiến độ thực hiện, công tác tổ chức, phối hợp thực hiện; sắp xếp lịch trình khoa học; lựa chọn thời gian giám sát phù hợp (hạn chế tối đa việc trùng lặp để không làm ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan, đơn vị); địa điểm làm việc bố trí linh hoạt, hợp lý (khi làm việc với các sở, ban, ngành hoặc những cơ quan, đơn vị có tính đại diện, bao trùm đối với vấn đề giám sát, có thể mời về làm việc tại trụ sở cơ quan HĐND tỉnh, do thành phần của các đoàn giám sát khá đông người…).

Thực tế, đề cương giám sát là “cốt lõi” và là “điểm” quyết định quan trọng của một cuộc giám sát, cần chỉ rõ những nội dung trọng tâm, quan trọng nhất đoàn giám sát quan tâm để phục vụ mục đích của cuộc giám sát chuyên đề.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Viết Đường chia sẻ: Việc xây dựng đề cương giám sát được Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An chỉ đạo chuẩn bị rất công phu. Trước khi xây dựng đề cương, bên cạnh nghiên cứu kỹ các văn bản pháp luật, tài liệu liên quan, cần tổ chức khảo sát, thu thập thông tin bằng nhiều kênh khác nhau. Việc này được Thường trực HĐND tỉnh giao cho các đại biểu chuyên trách HĐND tỉnh theo lĩnh vực phân công với sự tham mưu, giúp việc của Văn phòng HĐND tỉnh. Mặt khác, việc tranh thủ tham vấn ý kiến của các chuyên gia trên các lĩnh vực trong quá trình xây dựng đề cương để bảo đảm khung đề cương đạt chuẩn về nội dung, chính xác về các thuật ngữ chuyên ngành cũng rất quan trọng. Vì nhiều nội dung thành viên đoàn giám sát không am hiểu chuyên sâu, nhất là đối với những vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm.

Về bố cục và nội dung, đề cương, cần tập trung làm nổi bật được nội dung cốt lõi, trọng tâm, bảo đảm gọn, rõ vấn đề, không mang tính chất vấn, “hỏi xoáy đáp xoay”, cần xây dựng các phụ lục, mẫu biểu kèm theo để một mặt các cơ quan, đơn vị được giám sát dễ thống kê, báo cáo số liệu, mặt khác đáp ứng được những mục đích, yêu cầu từ phía cơ quan giám sát và thuận lợi trong quá trình tổng hợp, xây dựng báo cáo kết quả giám sát. Đối với một số nội dung cần tìm hiểu sâu và cụ thể hơn, Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo xây dựng đề cương, biểu mẫu riêng cho mỗi cơ quan, đơn vị đặc thù. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh dẫn chứng: Giám sát tình hình quản lý, thực hiện các dự án sử dụng đất đô thị, Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo xây dựng 8 loại đề cương khác nhau để các chủ thể được giám sát báo cáo; trong giám sát công tác tổ chức bộ máy và biên chế, hợp đồng lao động, có 6 đề cương với 17 mẫu biểu, phụ lục dành riêng cho các ngành, các cấp…

PHƯƠNG BÌNH