Phiên giải trình của Thường trực HĐND cấp tỉnh, huyện Hà Tĩnh

Bài 1: Chưa thành công như mong đợi

- Chủ Nhật, 18/08/2019, 08:19 - Chia sẻ
Trên thực tế, các phiên giải trình của Thường trực HĐND cấp tỉnh, huyện của Hà Tĩnh đã tác động tích cực, tạo ra sự thay đổi nhất định trong tư duy và hoạt động quản lý hành chính nhà nước đối với lĩnh vực được pháp luật trao quyền. Tuy nhiên, nhiều kết luận - sản phẩm của phiên họp chưa rõ, chưa xác định được lộ trình giải quyết nên khó thực hiện trên thực tế; việc đôn đốc, giám sát thực hiện kết luận chưa được quan tâm… do đó nhiều phiên họp chưa thành công như mong đợi.

Tác động tích cực

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực HĐND tỉnh Hà Tĩnh đã duy trì thường xuyên phiên họp Thường trực HĐND hàng tháng theo Luật định. Đối với Thường trực HĐND các huyện, thị xã, thành phố, việc tổ chức phiên họp Thường trực HĐND được duy trì thường xuyên từ năm 2017, có địa phương duy trì thường xuyên từ năm 2018.

Qua thực tiễn tổ chức các phiên họp của các đơn vị cho thấy, Thường trực HĐND các địa phương đã bám sát 10 nhóm nhiệm vụ theo quy định tại Điều 104, Luật Tổ chức chính quyền địa phương để triển khai thực hiện nghiêm túc. Đặc biệt, công tác chuẩn bị phiên họp khá chu đáo về nội dung và hình thức. Đối với các nội dung được HĐND uỷ quyền, Thường trực HĐND đã phân công các Ban của HĐND thẩm tra theo quy định (nhất là các tờ trình xin chủ trương về đất đai, đầu tư công và tài chính ngân sách); cung cấp đầy đủ tài liệu liên quan đến nội dung phiên họp. Một số địa phương đã có sự đổi mới trong thẩm tra, chuẩn bị nội dung cho phiên họp. Như tại thị xã Hồng Lĩnh, theo phân công của Thường trực HĐND, các Ban HĐND đã phối hợp các tổ đại biểu HĐND và chính quyền địa phương xác minh, khảo sát thực tế vấn đề trình phiên họp để có ý kiến cụ thể tại phiên họp.

Qua các phiên họp, Thường trực HĐND đã kịp thời chỉ rõ những vấn đề còn vướng mắc, chưa phù hợp quy định pháp luật, kiến nghị để UBND, các ngành liên quan chấn chỉnh, khắc phục. Công tác điều hành phiên họp của Chủ tịch HĐND (hoặc Phó Chủ tịch HĐND khi được uỷ quyền) khá cởi mở, dân chủ, đúng luật, phát huy trí tuệ của tập thể Thường trực HĐND và các đại biểu mời tham dự, tạo điều kiện cho nhiều đại biểu thảo luận, đóng góp ý kiến vào từng nội dung của phiên họp. Chủ trì đã kết luận rõ ràng, xác đáng từng vấn đề, rõ trách nhiệm và lộ trình giải quyết, qua đó bảo đảm được sự nhất trí cao của các thành viên Thường trực HĐND khi biểu quyết thông qua. Đối với những vấn đề chưa rõ, còn ý kiến phân vân, Thường trực HĐND yêu cầu UBND, các ngành kiểm tra, làm rõ nội dung trình và tiến hành xem xét, quyết định tại phiên họp sau.

Thông qua tổ chức phiên họp thường kỳ hàng tháng, nhiều nội dung lẽ ra phải chờ đến kỳ họp HĐND mới được xem xét thì được xem xét ngay tại phiên họp mà HĐND đã ủy quyền cho Thường trực HĐND. Nhất là những vấn đề cử tri, nhân dân phản ánh, có những nội dung chậm giải quyết được Thường trực HĐND yêu cầu các Ban HĐND phối hợp với các tổ đại biểu khảo sát thực tế, thẩm tra và chất vấn, quy rõ trách nhiệm ngay tại phiên họp. Nhờ đó, việc giải quyết các kiến nghị của cử tri được UBND và các ngành quan tâm, chỉ đạo xử lý quyết liệt... Có thể nói, các phiên giải trình đã tác động tích cực đối với các cơ quan chính quyền trên địa bàn, tạo ra sự thay đổi nhất định trong tư duy và hoạt động quản lý hành chính nhà nước đối với lĩnh vực được pháp luật trao quyền.


Hội nghị giao ban chuyên đề kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng phiên họp Thường trực HĐND do Thường trực HĐND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức

Chưa xác định được lộ trình giải quyết

Tuy nhiên, việc tổ chức phiên họp thường kỳ hàng tháng của Thường trực HĐND cấp tỉnh, huyện của Hà Tĩnh vẫn gặp phải một số bất cập, hạn chế như: Thời gian đầu nhiệm kỳ việc tổ chức phiên họp Thường trực HĐND cấp huyện chưa đều, phải từ đầu năm 2018 trở lại đây thì mới tổ chức được thường xuyên. Hoạt động giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND chưa nhiều; việc lựa chọn nội dung giải trình có lúc còn lúng túng, có nội dung chưa rõ nên kết thúc phiên giải trình cũng chưa kết luận rõ được vướng mắc và hướng giải quyết.

Bên cạnh đó, ở một số nơi có tình trạng ôm đồm quá nhiều nội dung trong một phiên họp, dẫn tới không đi sâu làm rõ được từng vấn đề vì thời gian không cho phép, kết luận cũng chưa rõ khiến phiên họp không thành công như mong đợi. Sự chấp hành của một số cơ quan trong cung cấp báo cáo, tài liệu cho phiên họp chưa nghiêm túc, kịp thời. Một số phiên họp còn nặng về trình bày báo cáo, thời gian dành cho tham luận, tranh luận còn hạn chế. Một số đại biểu HĐND được mời dự chưa truy đến cùng vấn đề, không ít đại biểu có biểu hiện nể nang, ngại va chạm.

Từ những hạn chế trên dẫn đến nội dung nhiều kết luận - sản phẩm của phiên họp chưa rõ, chưa xác định được lộ trình giải quyết nên khó thực hiện trên thực tế. Việc đôn đốc, giám sát thực hiện kết luận tại các phiên họp chưa được quan tâm, có nơi không giám sát xem xét kết quả xử lý như thế nào nên kết luận chưa đi vào thực tiễn để thực thi như mục đích của phiên họp.

Về trình tự, phiên họp chưa được hướng dẫn cụ thể nên thiếu thống nhất giữa các địa phương. Thông thường do Thường trực HĐND các đơn vị tự thống nhất, dẫn đến một số gặp lúng túng trong các bước, nhất là đối với các phiên họp liên quan đến nội dung cho chủ trương vào các tờ trình, dự án (có bước trình bày ý kiến thẩm tra không hay điều hành chung thành phần ý kiến thảo luận; khi nào thì thảo luận, phần nào chất vấn, giải trình cũng chưa rõ ràng).

Lê Hồng Hạnh - Phó Trưởng ban Kinh tế - Xã hội HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh