Thảo luận tại hội trường kỳ họp HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh

Bài 1: Chưa giải quyết triệt để các nội dung trái chiều

- Thứ Hai, 12/08/2019, 07:58 - Chia sẻ
Là hình thức quan trọng thể hiện chính kiến của đại biểu dân cử, hoạt động thảo luận tại hội trường các kỳ họp HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh cũng còn có những hạn chế, vướng mắc: Đa số các ý kiến đăng ký thảo luận tập trung vào một nhóm đại biểu; việc tranh luận hầu như chưa có; điều hành để các phòng, ban, ngành cùng tham gia thảo luận để làm rõ vấn đề hầu như chưa thực hiện được. Do đó, chưa giải quyết triệt để các nội dung còn có nhiều ý kiến trái chiều, khác nhau giữa các đại biểu.

Hình thức quan trọng thể hiện chính kiến của đại biểu dân cử

Thảo luận tại hội trường là một trong 2 hình thức thảo luận chính tại các kỳ họp HĐND, chiếm 1/3 thời gian kỳ họp. Đây là diễn đàn quan trọng để các đại biểu HĐND thể hiện chính kiến của mình đối với các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết cũng như các nội dung khác liên quan đến kỳ họp HĐND. Ở thị xã Hồng Lĩnh, hoạt động thảo luận tại hội trường trong các kỳ họp HĐND thường diễn ra trong khoảng thời gian gần 1 buổi, bình quân 15 lượt đại biểu HĐND thị xã tham gia tại mỗi kỳ họp.

Từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay, HĐND thị xã đã tổ chức 8 kỳ họp, trong đó có 1 kỳ họp bất thường, tổ chức 7 phiên thảo luận tại hội trường với trên 100 lượt đại biểu HĐND thị xã tham gia thảo luận trực tiếp. Các đại biểu đăng ký và tham gia thảo luận đã nghiên cứu kỹ tài liệu, thu thập các thông tin liên quan nên chất lượng ý kiến phát biểu có chất lượng, đi thẳng vào các nội dung kỳ họp bàn và quyết định. Nhìn chung, các ý kiến đại biểu thể hiện sự nghiên cứu sâu về tài liệu, có so sánh, đối chiếu với thực tiễn nên tính thuyết phục cao. Có những ý kiến được minh họa khá sinh động, tính thuyết phục cao với địa chỉ cụ thể, số liệu rõ ràng. Sự điều hành của Chủ tọa linh hoạt, định hướng rõ vấn đề cho đại biểu phát biểu và có sự phân loại, dẫn dắt để tránh ý kiến dài, lặp lại, nhờ đó chất lượng thảo luận được nâng cao.


Đại biểu HĐND thị xã tranh luận tại phiên thảo luận

Tập trung vào một nhóm đại biểu

Thực tiễn cho thấy, việc thảo luận tại hội trường tại các kỳ họp HĐND thị xã Hồng Lĩnh cũng còn có những hạn chế, vướng mắc. Trước hết, về phía chủ tọa điều hành, có những nội dung còn dài dòng; việc định hướng thảo luận còn chung chung, thiếu sự phân công, chỉ đạo. Ở một số kỳ họp, nhất là kỳ họp thường lệ giữa năm, chương trình kỳ họp chưa dành nhiều thời gian thỏa đáng để thảo luận ở phiên toàn thể do thời gian tổ chức kỳ họp trong vòng 1,5 ngày, mất 1/3 cho hoạt động báo cáo, thảo luận và chất vấn dồn chung 1 buổi. Vai trò, trách nhiệm của Tổ trưởng các Tổ đại biểu HĐND trong việc chỉ đạo thành viên trong Tổ đăng ký thảo luận, thống nhất nội dung thảo luận của Tổ còn mờ nhạt.

Về phía đại biểu tham gia thảo luận, vẫn còn một số ý kiến trình bày không tập trung vào những nội dung chính của kỳ họp, còn nghiêng về phản ánh thành tích riêng của ngành, đơn vị; nội dung còn chung chung, chưa sâu sát, còn mang tính cá nhân, đề cập đến các sự việc nhỏ lẻ tại địa phương mà chưa mang tính tổng thể, bao quát, tác động lớn đến tình hình kinh tế - xã hội của thị xã. Một số giải pháp đại biểu đề xuất chưa rõ ý, chưa cụ thể để các cấp, các ngành tiếp thu trong quá trình chỉ đạo, điều hành. Đa số các ý kiến đăng ký thảo luận tập trung vào một nhóm đại biểu, thường là đại biểu cơ cấu ở các phường, xã và một số đại biểu có trách nhiệm, tâm huyết với hoạt động của HĐND. Phiên thảo luận đang dừng lại ở việc đại biểu tham gia một chiều còn tranh luận hầu như chưa có; điều hành để các phòng, ban, ngành cùng tham gia thảo luận để làm rõ vấn đề hầu như chưa thực hiện được. Do đó, chưa giải quyết triệt để các nội dung còn có nhiều ý kiến trái chiều, khác nhau giữa các đại biểu.

Nguyên nhân chính của tình trạng trên do đại biểu chưa phát huy vai trò, trách nhiệm của người đại biểu nhân dân; chưa bám sát thực tiễn và thiếu sự theo dõi, nắm bắt tình hình ở cơ sở; chưa chủ động nghiên cứu các chủ trương, chính sách mới của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Một số đại biểu kinh nghiệm hoạt động còn ít, thiếu mạnh dạn, ngại va chạm, do đó, việc đăng ký thảo luận có khi còn hạn chế, thiếu chủ động. Đặc biệt, một số đại biểu nhiều kỳ họp không tham gia thảo luận, đã được Thường trực HĐND có văn bản gợi ý, yêu cầu tham gia nhưng vẫn chưa phát huy trách nhiệm của mình, tham gia gượng ép, nội dung thảo luận lan man, ý kiến thiếu trọng tâm, trọng điểm và chính kiến.

Thực tế, công tác theo dõi, đôn đốc việc tiếp thu kiến nghị, đề xuất của đại biểu cũng còn gặp khó khăn do quy định của Nhà nước chưa rõ ràng, mặt khác do chất lượng 1 số ý kiến thảo luận của đại biểu HĐND còn lan man, đề cập đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, phạm vi rộng. Ngoài ra, do số lượng đại biểu HĐND nặng về cơ cấu, chuyên trách ít, kiêm nhiệm nhiều. Thời gian của đại biểu kiêm nhiệm dành cho nghiên cứu các chủ trương, chính sách, pháp luật cũng như quy định của cấp trên, nghiên cứu tài liệu kỳ họp còn ít nên chưa sâu. Do đó, đại biểu chưa nắm vững được vấn đề để thảo luận sâu, có chính kiến rõ ràng, nhất là đối với các quyết sách mang tính chuyên đề trên các lĩnh vực. 

Lê Hồng Hạnh - Phó Trưởng ban Kinh tế - Xã hội HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh