Nâng cao hiệu quả giám sát các chương trình, dự án đầu tư công

Bài 1: Chủ động thu thập thông tin và xác minh thực tế

- Thứ Năm, 13/02/2020, 08:22 - Chia sẻ
Để nâng cao chất lượng thẩm tra các chương trình, dự án đầu tư công, kinh nghiệm cho thấy: Cần chủ động khảo sát thu thập thông tin về nhu cầu đầu tư và khả năng nguồn vốn; phối hợp với các địa phương, các ngành trong quá trình cân đối và bố trí vốn. Trong giám sát nội dung này, thành viên đoàn cần nghiên cứu kỹ các báo cáo, kết hợp xem xét hồ sơ cần thiết liên quan, nêu ý kiến có tính chất vấn, phản biện. Đặc biệt, cần chủ động thu thập thêm thông tin và xác minh thực tế làm căn cứ kết luận, kiến nghị sau giám sát.

Khảo sát nhu cầu đầu tư và khả năng nguồn vốn

Luật Đầu tư công ngày 18.6.2014 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2015) được xem là công cụ đổi mới quan trọng về quản lý nhà nước, đã quy định rất rõ nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND các cấp đối với lĩnh vực đầu tư công. Trên cơ sở đó, Thường trực HĐND tỉnh Long An giao Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh thẩm tra kế hoạch đầu tư trung hạn, việc cân đối và bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản hàng năm, làm cơ sở để HĐND thảo luận thông qua nghị quyết. Đây là nội dung quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư. Đồng thời, Ban Kinh tế - Ngân sách có nhiệm vụ giúp Thường trực HĐND tỉnh thẩm tra phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án nhóm B và dự án nhóm C; điều chỉnh một số nội dung trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm; điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách hàng năm; tạm ứng, vay các nguồn ngân sách để thực hiện một số công trình trọng điểm của tỉnh.


Báo cáo thẩm tra là một kênh thông tin quan trọng giúp HĐND thảo luận, ban hành nghị quyết
Ảnh: Công Thành

Quá trình chuẩn bị thẩm tra Tờ trình đầu tư xây dựng cơ bản, Ban Kinh tế - Ngân sách chủ động tổ chức khảo sát và làm việc với các ngành, địa phương để nắm thông tin cần thiết. Nghiên cứu, xem xét khả năng nguồn lực và bố trí đầu tư bảo đảm mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, an sinh xã hội, quốc phòng an ninh. Thẩm tra tính phù hợp với các nguyên tắc bố trí đầu tư theo thứ tự ưu tiên, đặc biệt là ưu tiên bố trí vốn xử lý dứt điểm nợ đọng; khắc phục tình trạng bố trí vốn dàn trải trong đầu tư. Đối với những công trình khởi công mới, xem xét tính phù hợp với quy hoạch, sự cần thiết đầu tư, mục tiêu đề án, địa điểm, quy mô, lộ trình đầu tư có phù hợp với khả năng ngân sách nhà nước, bố trí vốn có bảo đảm tính tập trung, không dàn trải và đồng bộ. Qua thẩm tra, Ban đã đề nghị xem xét, điều chỉnh vốn, điều chỉnh một số danh mục công trình không phù hợp. Báo cáo thẩm tra là nguồn thông tin quan trọng giúp đại biểu HĐND xem xét, ban hành nghị quyết về đầu tư xây dựng cơ bản đáp ứng mục tiêu đầu tư phát triển.

Để nâng cao chất lượng thẩm tra lĩnh vực này, kinh nghiệm cho thấy cần chủ động khảo sát, thu thập thông tin về nhu cầu đầu tư và khả năng nguồn vốn; phối hợp với các địa phương, các ngành trong quá trình cân đối và bố trí vốn; bảo đảm các nguyên tắc ưu tiên đầu tư, tránh dàn trải, phân tán vốn làm giảm hiệu quả đầu tư...

Xác minh làm căn cứ kết luận, kiến nghị

Để thực hiện nhiệm vụ giám sát đầu tư công, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Long An chủ động nghiên cứu, thu thập thông tin, tài liệu liên quan. Ban xây dựng kế hoạch giám sát cụ thể, chi tiết; nghiên cứu, xác định đối tượng giám sát, địa điểm để tổ chức giám sát thực tế đính kèm theo đề cương cụ thể. Trong tổ chức đoàn giám sát, Ban mời đại diện Thường trực HĐND tỉnh, đại diện các ngành liên quan của tỉnh, Thường trực và Ban Kinh tế - Xã hội HĐND các huyện, thị xã, thành phố (nơi đoàn đến giám sát) tham gia để nắm bắt thông tin và kịp thời giải trình các vấn đề liên quan. Kết thúc mỗi đợt giám sát, đoàn đều có kết luận về các nội dung mà cơ quan, đơn vị, địa phương được giám sát cần thực hiện để khắc phục những tồn tại, hạn chế; kiến nghị với các cơ quan chức năng của tỉnh xem xét, giải quyết những nội dung thuộc thẩm quyền. 
Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát chuyên đề về đầu tư xây dựng cơ bản, Ban tập trung xây dựng kế hoạch giám sát (kèm theo đề cương chi tiết, cụ thể). Để đề cương báo cáo giám sát đúng trọng tâm và đủ các thông tin phục vụ cho nội dung giám sát, việc dự thảo đề cương báo cáo giám sát được xây dựng trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền của đối tượng giám sát, các thông tin phản ánh trên báo chí, qua tiếp xúc cử tri, tiếp công dân. Đồng thời, tổ chức họp đoàn giám sát để bàn bạc, thống nhất các nội dung giám sát cụ thể. Thành viên đoàn giám sát phải nắm vững chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật liên quan về nội dung giám sát, nghiên cứu kỹ các báo cáo, kết hợp với xem xét các hồ sơ cần thiết liên quan, nêu ý kiến có tính chất vấn, phản biện... Đặc biệt, cần thu thập thêm thông tin tại các buổi khảo sát thực tế, có xác minh tại chỗ làm căn cứ kết luận, kiến nghị sau giám sát.

Báo cáo, kết luận giám sát phải bảo đảm tính khách quan, chính xác, trung thực, sát thực tế và quan trọng nhất là phải chỉ rõ những tồn tại, hạn chế cụ thể,  khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện; nêu ra được những kiến nghị, đề xuất rõ ràng, chính xác, phù hợp, khả thi, dễ thực hiện, tránh việc kết luận, kiến nghị chung chung, gây khó khăn cho việc thực hiện. Sau giám sát, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị trong kết luận giám sát, tổ chức tái giám sát nếu thấy cần thiết.

KIỀU BẢO