Nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn - nhìn từ hai phía

Bài 1: Chất vấn bằng thực tiễn và hình ảnh

- Thứ Ba, 19/03/2019, 08:36 - Chia sẻ
Có thể khẳng định, những năm qua, việc thực hiện quyền chất vấn của đại biểu HĐND có nhiều đổi mới, cởi mở và thẳng thắn hơn; nội dung chất vấn bằng thực tiễn và hình ảnh, nhiều câu đi thẳng đến vấn đề để quy trách nhiệm, tạo sự hấp dẫn và sức “nóng” cho kỳ họp; điều hành của chủ tọa cũng khá linh hoạt. Tuy nhiên, số lượng đại biểu thực hiện quyền này còn khá khiêm tốn; bên cạnh một số đại biểu không đeo bám đến cùng, một số khác lại quá gay gắt gây áp lực và căng thẳng cho người bị chất vấn…

Thẳng thắn hơn

Có lẽ trong bất kỳ một kỳ họp của cơ quan dân cử, phiên họp đa số đại biểu và cử tri trông đợi nhất chính là phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Đây là một hình thức giám sát bậc cao, thể hiện rõ ràng nhất bản lĩnh của đại biểu và cái “tâm” của người được chất vấn. Qua tham dự và từng tham gia chất vấn, có rất nhiều điều thú vị trong hoạt động giám sát quan trọng này.

Những năm qua, việc thực hiện quyền chất vấn của đại biểu có nhiều đổi mới, cởi mở và thẳng thắn hơn. Tại thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh, bình quân 1 kỳ họp, chủ tọa nhận được trên 20 câu hỏi chất vấn của các đại biểu HĐND. Nhìn chung, các câu hỏi bám sát thực tiễn tại địa phương, đi thẳng vào những vấn đề nổi cộm, cử tri và nhân dân còn nhiều ý kiến, kiến nghị. Hầu hết các câu hỏi được đại biểu đặt ra trên cơ sở kết quả giám sát chuyên đề của Thường trực, các Ban HĐND; báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND; báo cáo kết quả giải quyết ý kiến chất vấn và ý kiến, kiến nghị của cử tri tại kỳ họp trước, báo cáo tổng hợp ý kiến của cử tri chuyển đến kỳ họp và kết quả giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri do Thường trực HĐND tổ chức.

Cá biệt, có những đại biểu xác minh, phân tích và tổng hợp cụ thể các dẫn chứng để minh họa cho nội dung chất vấn từ khảo sát thực tiễn, nghiên cứu quy định, văn bản và gặp gỡ cử tri để làm rõ. Nhờ đó, chất lượng câu hỏi khá tốt, có tính bao quát, rõ ràng, nhiều câu đi thẳng đến vấn đề quy trách nhiệm, tạo sự hấp dẫn và sức “nóng” cho kỳ họp, tập trung chủ yếu trên lĩnh vực ngân sách, tài nguyên môi trường, chế độ chính sách và quản lý đô thị.


Trưởng ban Pháp chế HĐND thị xã chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh 
Ảnh: Bình Nguyên

 Điều hành của chủ tọa cũng khá linh hoạt, nhuần nhuyễn, chia câu hỏi thành từng nhóm vấn đề nên logic và hấp dẫn hơn. Để tạo điều kiện cho đại biểu cũng như người bị chất vấn, một mặt Thường trực HĐND thị xã đôn đốc các tổ, ban HĐND gửi câu hỏi chất vấn trước kỳ họp 1 - 2 ngày, giao cho đại biểu chuyên trách các ban và bộ phận tham mưu, giúp việc tổng hợp, xác minh, sau đó chuyển UBND và các ngành trước phiên khai mạc kỳ họp; mặt khác, cung cấp thông tin đầy đủ cho đại biểu HĐND để phục vụ cho việc đưa ra nội dung chất vấn.

Theo đó, ngoài tài liệu kỳ họp được gửi kịp thời cho đại biểu HĐND trước năm ngày, Thường trực HĐND sẵn sàng cung cấp các thông tin liên quan đến nội dung đại biểu chất vấn nếu đại biểu cần tra cứu, tham khảo như văn bản, quy định của Nhà nước về nội dung chất vấn, tình hình thực thi được UBND và các ngành báo cáo; kết quả các cuộc thanh, kiểm tra, giám sát liên quan; đồng thời, phối hợp cho đại biểu chuyên trách đồng hành xác minh, khảo sát thực tiễn để lấy tư liệu, khẳng định nội dung chất vấn bằng thực tiễn và hình ảnh. 

Vẫn còn những vấn đề cần điều chỉnh

Tuy nhiên, việc thực hiện quyền chất vấn của đại biểu tại kỳ họp cũng có một số vướng mắc chưa được tháo gỡ. Trước hết, đó là số lượng đại biểu thực hiện quyền này chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn, như ở thị xã Hồng Lĩnh, bình quân một kỳ họp, ngoài chủ tọa có khoảng 7 đại biểu, chiếm tỷ lệ 23%, tập trung chủ yếu vào đại biểu chuyên trách, lãnh đạo các ban HĐND và đại biểu đến từ các địa phương tham gia chất vấn và tái chất vấn; đại biểu của UBND và các đoàn thể hầu như ít tham gia chất vấn, thậm chí có đại biểu không đặt câu hỏi chất vấn.

Nguyên nhân của tình trạng này ngoài từ yếu tố chủ quan (né tránh, ngại va chạm…) thì có một nguyên nhân khách quan phải kể đến là do quy định về cơ cấu, bởi lẽ những đại biểu HĐND thuộc khối UBND thực hiện đồng thời 2 vai: Vừa là người chất vấn, vừa là người bị chất vấn. Bên cạnh đó, nếu không bị chất vấn thì họ cũng thuộc UBND nên không thể lãnh đạo và Ủy viên UBND lại đi chất vấn Ủy viên UBND, Trưởng phòng chuyên môn của UBND được. Đây là một bấp cập xảy ra ở nhiều địa phương cần sớm sửa đổi, không nên cơ cấu đại biểu HĐND thuộc khối cơ quan UBND.

Tiếp đến là một số câu hỏi chất vấn chất lượng chưa cao, gây lãng phí thời gian của kỳ họp, như các dạng câu hỏi mang tính kiến nghị giải pháp, hỏi về quy định, chính sách, câu hỏi cử tri hỏi đã được giải quyết mà đại biểu chưa cập nhật kết quả…; cũng có trường hợp đại biểu HĐND lợi dụng diễn đàn chất vấn đặt câu hỏi mang tính “hạ bệ” nhau, lấy diễn đàn để đạt lợi ích cá nhân dù trường hợp này không nhiều. Điều này đòi hỏi bộ phận tham mưu, giúp việc cho HĐND và Thường trực HĐND cần thận trọng trong việc tổng hợp và lựa chọn vấn đề đưa ra chất vấn trực tiếp tại nghị trường. Quá trình điều hành, chủ tọa cũng mắc phải một số sai sót như dài dòng, không dứt khoát trong chốt nội dung nên chưa quy rõ được trách nhiệm và lộ trình xử lý. Một số đại biểu không đeo bám đến cùng vấn đề, nêu ra rồi bỏ ngỏ mặc dù phần trả lời của người bị chất vấn chưa đầy đủ, rõ ràng; một số khác quá gay gắt trong phần tái chất vấn gây áp lực và căng thẳng cho người bị chất vấn…

Một thực tế nữa là việc chất vấn đang dừng lại ở Ủy viên UBND, trưởng phòng chuyên môn và trưởng các ngành… thậm chí ở một số đơn vị còn chất vấn những đối tượng ngoài đối tượng được quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, như trưởng các ngành dọc (điện, nước, ngân hàng, trường học…); việc chất vấn trực tiếp Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND phụ trách các mảng hầu như rất ít, thậm chí có địa phương không chất vấn Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND.

Lê Hồng Hạnh - Phó Trưởng ban Kinh tế - Xã hội HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh