Không gian mới của điện ảnh

Bài 1: Bước đột phá về công nghệ và tư duy

- Thứ Ba, 12/05/2020, 06:49 - Chia sẻ
Nền điện ảnh thời 4.0 là nền điện ảnh tích hợp công nghệ, tức là công nghệ được ứng dụng mạnh mẽ, đa diện, từ khâu sản xuất đến trình diễn và trải nghiệm của khán giả. Nhưng không chỉ thay đổi về mặt công nghệ, tính vật lý, nền điện ảnh 4.0 còn là sự đột phá về tư duy làm và thưởng thức phim ảnh.

Thay đổi mạnh mẽ

Ra đời cuối thế kỷ XIX, tức là khoảng thời gian của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai, điện ảnh là “con đẻ” của khoa học - công nghệ với những phát minh tân tiến nhất thời kỳ đó. Sự phát triển của lịch sử nghệ thuật điện ảnh gắn liền với sự phát triển khoa học kỹ thuật của nhân loại. Từ thời kỳ đầu còn là những thước phim nhựa đen trắng không có âm thanh, rồi đến phim có tiếng, phim màu, màn ảnh rộng, kỹ xảo đặc biệt, cho đến kỷ nguyên kỹ thuật số với phim 3D - 4D, âm thanh lập thể stereo... Có thể thấy gần đây, công nghệ đang thay đổi nhiều mảng trong lĩnh vực điện ảnh, từ việc bán vé, đặt chỗ qua các dịch vụ trực tuyến, hay hoạt động quảng bá phim, thu thập, phân tích dữ liệu công chúng, cung cấp dịch vụ xem phim trực tuyến... đến cách xây dựng kịch bản, đạo diễn, đối tượng chọn làm phim và thậm chí cách quay phim - sử dụng các công nghệ kỹ thuật số, chia sẻ thông qua internet trên các nền tảng, công nghệ đều rất mới.


Công nghệ phát triển làm thay đổi toàn diện ngành điện ảnh Nguồn: ITN

Trong các ngành nghệ thuật, điện ảnh chịu sự thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ nhất của cuộc Cách mạng 4.0, bởi nền tảng của nghệ thuật thứ bảy trước hết là yếu tố kỹ thuật. Khi công nghệ thay đổi liên tục, ngành điện ảnh phải nhanh chóng cập nhật và ứng dụng kiến thức, kỹ thuật mới vào sản xuất, phát hành, phổ biến phim, để bắt kịp xu thế phát triển của thế giới.

Theo ThS. Hoàng Dạ Vũ, Phó Viện trưởng Viện Sân khấu điện ảnh, Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội: Sự thay đổi rõ ràng nhất là khâu sản xuất phim, cách làm phim hiện nay quả thực đã tận dụng tối đa xu thế của công nghệ 4.0. Điều này ta có thể thấy rõ qua việc ứng dụng các công nghệ hiện đại như: Thiết bị bay không người lái (drones), hay công nghệ in 3D, ứng dụng cân bằng sáng, công nghệ AI trong thiết kế hình ảnh và âm thanh... Công nghệ điện ảnh giúp các nhà làm phim biến trí tưởng tượng của mình trở thành hình ảnh và âm thanh. Chúng ta xem những bộ phim viễn tưởng, phong cảnh bao la nhìn từ trên cao được thực hiện bởi máy flyingcam, những hình ảnh ngóc ngách, lắt léo hay chuyển động máy quay mượt mà được thực hiện bởi sterycam, dàn dựng các lớp lang của một trận chiến hoành tráng nhờ vào khả năng của công nghệ kỹ xảo, tái tạo âm thanh lập thể để phát ra xung quanh không gian rạp chiếu phim làm “đã tai” người nghe... Để có được những thước phim thú vị trên màn ảnh ấy, điện ảnh đã áp dụng tổng hợp ngành nghề và luôn cập nhật công nghệ hiện đại.

Cách xem và tiếp nhận thời 4.0 cũng có nhiều chuyển biến với hai ứng dụng công nghệ chính: Công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality) và hình ảnh phân giải cao. Cuộc Cách mạng 4.0 đã thay đổi cả tư duy làm phim và tư duy tiếp nhận phim ảnh. Bên cạnh đó, cách quảng bá điện ảnh trước cuộc Cách mạng 4.0 cũng có nhiều đổi khác.

Cơ hội phát triển

Nhờ tiến bộ kỹ thuật ban đầu và không ngừng phát triển trong gần 2 thế kỷ qua mà nghệ thuật thứ 7 ngày một thăng hoa. Phó Chủ tịch Thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam Nguyễn Thị Hồng Ngát vẫn còn nhớ khi đang học chuyên ngành viết kịch bản ở Trường Điện ảnh Moscow vào những năm 1980, cuốn Dạy viết kịch bản của Mỹ (bản tiếng Nga) đã viết: “Các nhà biên kịch cứ tha hồ viết bay bổng lên trời xuống biển theo trí tưởng tượng của mình, đừng sợ kỹ thuật không thực hiện nổi, đủ thấy trình độ của họ đã cao như thế nào. Trong khi các nhà quản lý điện ảnh Việt thì ngược lại, dặn các nhà biên kịch và đạo diễn rằng “các cậu viết đơn giản thôi nhé, cốt câu chuyện lâm ly có nhiều yếu tố bất ngờ, nhiều tình tiết éo le hấp dẫn là được. Viết phức tạp quá kỹ thuật không thực hiện nổi đâu. Nhà quản lý nói không sai. Kinh phí ít, kỹ thuật nghèo nàn, đã bó tay các nhà làm nghệ thuật... Nhưng đến nay, những thành tựu của công nghệ sản xuất, công nghệ viễn thông, công nghệ lưu trữ và truyền phát hình ảnh có chất lượng cao cũng đã đem lại cho ngành điện ảnh thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng nhiều cơ hội phát triển.

Cách mạng 4.0 đang tác động nhiều mặt đến điện ảnh Việt Nam. Cụ thể, nhiều năm trở lại đây, các nhà sản xuất và phổ biến, phát hành phim ở Việt Nam đã tiếp cận và sử dụng các phương tiện kỹ thuật số để duy trì hoạt động điện ảnh, đáp ứng được những yêu cầu căn bản của công nghệ sản xuất và phổ biến phim số chiếu rạp chung trên thế giới. Thống kê sơ bộ, cả nước có khoảng 160 cụm rạp, rạp chiếu phim đạt chuẩn số của điện ảnh, trong đó, số lượng phòng chiếu phim khoảng 760 phòng, vượt chỉ tiêu của “Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Hơn thế, internet of things sẽ tác động, làm biến đổi thị trường tiêu thụ của ngành công nghiệp điện ảnh. Người dùng internet không chỉ tìm kiếm được bộ phim mà mình muốn, xem chúng bất cứ đâu mà họ còn có thể chia sẻ với người khác hoặc tải bộ phim đó về máy tính, điện thoại hay các thiết bị điện tử có kết nối internet khác. Ở Việt Nam, khán giả có thể theo dõi các bộ phim ngay khi nó đang được phát sóng trên truyền hình mà không cần tivi; họ cũng có thể xem lại các bộ phim đã phát sóng bất cứ khi nào mà họ muốn qua ứng dụng của YouTube, Netflix, Danet, FPT play, My TV net, Clip TV... Ngoài website chính thức của các đài truyền hình, phần quan trọng nhất của hoạt động điện ảnh truyền hình trên mạng được thể hiện qua sự hiện diện của hàng trăm website tự phát để chia sẻ và xem phim trực tuyến…

Điện ảnh Việt Nam đang thu nhận ảnh hưởng tích cực từ thành tựu công nghệ thế giới. Tuy nhiên, Cách mạng 4.0 cũng khiến điện ảnh Việt phải đối diện với nhiều tác động tiêu cực như sự tụt hậu về công nghệ, suy giảm sản xuất kinh doanh, dư thừa lao động trình độ thấp, phá vỡ thị trường lao động truyền thống, mất an ninh an toàn thông tin, xâm phạm bản quyền, thiếu hụt nguồn nhân lực trình độ cao...

Ngọc Phương