Bắc Giang đẩy mạnh phát triển KH-CN

- Thứ Năm, 31/03/2016, 08:25 - Chia sẻ
Những năm gần đây, các đề tài, dự án ứng dụng khoa học và công nghệ (KH - CN) đã tạo ra bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, quy mô, chất lượng cũng như hiệu quả sản xuất của Bắc Giang. Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH - CN đã trở thành động lực thúc đẩy phát triển KT - XH trên địa bàn.

Nâng tầm thương hiệu

Theo Sở KH-CN Bắc Giang, nhiều đơn vị trên địa bàn đã quan tâm đến hoạt động sáng kiến, tổ chức phát động sâu rộng phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật đến cán bộ, người lao động và nhận được sự hưởng ứng tích cực. Thời gian qua, đã có 860/960 sáng kiến được công nhận với tổng số tiền làm lợi là 1.667.500.000 đồng.

Giám đốc Sở KH - CN tỉnh Bắc Giang Nguyễn Đức Kiên cho biết: Những năm qua, Bắc Giang rất quan tâm đến việc đưa công nghệ, kỹ thuật mới vào chế biến nông sản, thực phẩm phục vụ nông nghiệp, nông thôn, góp phần quan trọng hình thành các vùng sản xuất tập trung, xóa bỏ tình trạng đầu tư manh mún, dàn trải, kém hiệu quả. Trình độ canh tác và năng lực sản xuất nông nghiệp hàng hóa của nông dân từng bước được nâng cao; việc ứng dụng công nghệ, giống mới vào sản xuất luôn được người dân quan tâm và đồng tình hưởng ứng, góp phần quan trọng phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng tập trung, gắn với xây dựng nông thôn mới…

Đặc biệt, các đề tài, dự án phát triển KH - CN thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đem lại hiệu quả KT - XH thiết thực, tạo ra chuỗi giá trị hàng hóa và thành vùng tập trung như chè, cam (huyện Yên Thế); gạo thơm (huyện Yên Dũng), nấm (huyện Lạng Giang), bưởi (huyện Hiệp Hòa)… từng bước nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác, tác động tích cực vào sự chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp của địa phương. Nhiều cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu thời vụ được nghiên cứu - ứng dụng vào sản xuất và đời sống góp phần thúc đẩy phát triển KT - XH của tỉnh - Giám đốc Sở KH - CN Bắc Giang nhấn mạnh.


Mô hình trồng vải thiều tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Lục Ngạn, Bắc Giang

Cũng theo Giám đốc Sở KH - CN tỉnh, một trong những sản phẩm thế mạnh của Bắc Giang được ứng dụng KH - CN mạnh mẽ trong sản xuất, trồng trọt là thương hiệu vải thiều Lục Ngạn. Cụ thể, trong năm 2015, sản lượng vải ước đạt khoảng 190.000 tấn, trong đó diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP (do Bộ NN - PTNT ban hành) là 12.200ha với sản lượng gần 80.000 tấn. Việc triển khai thực hiện sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP đã góp phần tăng giá trị từ 20-30% so với vải thiều sản xuất thông thường, đáp ứng yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, đem lại lợi ích kinh tế lớn cho người dân. “Trong năm qua, chúng tôi cũng xây dựng mô hình sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn quốc tế (GlobalGAP) với diện tích 50ha, sản lượng 300 tấn, bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ, Australia, Anh, Pháp… Vải thiều Lục Ngạn đã đăng ký bảo hộ thương hiệu Chỉ dẫn địa lý thành công tại 5 nước gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Campuchia” - ông Nguyễn Đức Kiên chia sẻ.

Hay như Dự án Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận gà đồi Yên Thế do Sở KH - CN chủ trì đã góp phần tích cực phát triển đàn gà của huyện Yên Thế với tổng đàn gia cầm năm 2015 ước đạt 17 triệu con, trong đó đàn gà khoảng 14,5 triệu con. Quy trình chăn nuôi được bảo đảm theo quy trình an toàn sinh học, áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, bảo đảm các yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm; tỷ lệ chăn nuôi trang trại và an toàn sinh học năm 2015 ước đạt 30%… Nhờ đó, đến nay gà đồi Yên Thế đã trở thành thương hiệu nổi tiếng, là một trong những sản phẩm mũi nhọn để quảng bá cho ngành chăn nuôi, trồng trọt của Bắc Giang, được tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Tạo bước đột phá về năng suất

Không chỉ tập trung trong sản xuất nông nghiệp, ứng dụng KH - CN còn được chú trọng trong các hướng công nghệ ưu tiên, trong đó đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn tạo, nhân giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt, thích nghi điều kiện biến đổi khí hậu; bảo quản, chế biến nông, lâm sản, sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và xử lý ô nhiễm môi trường. Đồng thời tiến hành lưu giữ và khai thác hợp lý nguồn gene quý hiếm, bảo vệ đa dạng sinh học; tiếp nhận và phát triển công nghệ sản xuất các loại vật liệu mới từ các nguyên liệu sẵn có của địa phương, sản xuất vật liệu phi gỗ tự nhiên, hỗn hợp với gỗ tự nhiên… Đến nay, UBND tỉnh đã hỗ trợ thực hiện Dự án Xây dựng nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu với tổng kinh phí 4 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương.

Theo chia sẻ của người đứng đầu ngành KH - CN tỉnh Bắc Giang, bên cạnh những kết quả đáng khích lệ, kinh phí sự nghiệp KH - CN mặc dù được tăng theo các năm nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu đến năm 2015 đạt 1,2% chi ngân sách tỉnh; hoạt động KH-CN chưa đồng đều ở tất cả các chương trình, lĩnh vực, địa phương; tất cả các huyện, thành phố chưa bố trí được cán bộ chuyên trách về KH - CN cấp huyện; công tác dồn điền, đổi thửa chưa hiệu quả, ruộng đất còn manh mún, tập quán canh tác vẫn theo lối cũ… Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao đòi hỏi vốn đầu tư lớn, người sản xuất phải có trình độ quản lý và tay nghề cao, vì vậy, thường chỉ những tổ chức, cá nhân có năng lực, vốn lớn mới tham gia.

Giai đoạn 2016 - 2020, Bắc Giang sẽ đẩy mạnh phát triển KH - CN nhằm hoàn thành các mục tiêu của chiến lược phát triển KH - CN của tỉnh; tập trung phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa và xây dựng nông thôn mới; nghiên cứu, đẩy mạnh chuyển giao các tiến bộ KH - CN. “Đặc biệt, chúng tôi sẽ ưu tiên áp dụng công nghệ về giống, công nghệ bảo quản, chế biến nông, lâm sản sau thu hoạch, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức xã hội về vai trò của KH - CN, đặc biệt trong các doanh nghiệp nhằm nâng cao tinh thần “tự lực, tự cường”, sự đồng thuận và ủng hộ mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị đối với hoạt động KH - CN… tạo động lực mạnh mẽ trong phát triển kinh tế và an sinh xã hội, là tiền đề để Bắc Giang ngày càng phát triển hơn nữa” - GĐ Sở KH - CN Bắc Giang khẳng định.

Nguyên Khôi