Bắc Giang chủ động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con

- Thứ Năm, 13/12/2012, 15:01 - Chia sẻ
Trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS chủ yếu từ mẹ. Nếu như không có sự can thiệp thì nguy cơ lây truyền từ mẹ sang con có thể lên tới 35-40%. Thế nhưng nhiều thai phụ nhiễm HIV thiếu kiến thức về cơ chế lây truyền, phần lớn phát hiện muộn đã làm giảm khả năng can thiệp bằng điều trị dự phòng để sinh ra những đứa trẻ khoẻ mạnh.

Tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Bắc Giang, phần lớn thai phụ đến khám và theo dõi thai đều được tư vấn xét nghiệm HIV để phòng, tránh nguy cơ lây truyền sang con. Nếu bà mẹ phát hiện sớm sẽ được bác sỹ chỉ định phác đồ điều trị. Tùy thuộc thời điểm xác định HIV dương tính vào giai đoạn nào của thai kỳ mà có các chỉ định dự phòng khác nhau. Các bác sỹ sản khoa cho biết, nếu bà mẹ nhiễm HIV không được chăm sóc và can thiệp điều trị kháng virut thì khoảng 30-35% trẻ sinh ra có thể bị lây nhiễm từ mẹ. Các trường hợp được chăm sóc, điều trị đúng phác đồ trong thời gian mang thai, tỷ lệ lây nhiễm chỉ chiếm 3-5%. Tại Khoa khám bệnh, chị Nguyễn Huyền Trang, khu phố Vĩnh Ninh, phường Hoàng Văn Thụ, TP Bắc Giang cho biết: "do chủ quan nên khi mang thai, nhiều người mẹ như tôi không chú trọng đến căn bệnh này. Mặc dù không nghi ngờ mắc HIV nhưng khi đến khám thai định kỳ, bác sỹ đều tư vấn nên làm xét nghiệm kiểm tra sớm để dự phòng lây nhiễm cho con".

Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện đã tư vấn, xét nghiệm sàng lọc HIV cho hơn 1.000 phụ nữ mang thai, trong đó phát hiện và điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con cho 3 thai phụ. Bác sỹ Nguyễn Đình Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Sản- Nhi tỉnh cho biết, hầu hết phụ nữ mang thai thiếu kiến thức về cơ chế lây truyền, chưa tiếp cận các dịch vụ dự phòng. Do đó, ngành y tế tiếp tục vận động các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội và nhân dân tham gia vào các hoạt động dự phòng lây truyền HIV, đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức cho phụ nữ mang thai về HIV/AIDS và mở rộng các dịch vụ tiếp cận, tư vấn phòng, chống lây nhiễm. Các hoạt động truyền thông tập trung vào phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai, trẻ em sinh ra từ các bà mẹ nhiễm HIV, chồng hoặc bạn tình và các thành viên trong gia đình của các nhóm phụ nữ nguy cơ cao.

Theo các nhà chuyên môn, nếu biết cách dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sớm sẽ giảm tỷ lệ trẻ em bị nhiễm HIV, bớt đi nỗi đau của những gia đình có người mắc AIDS. Đến nay, toàn tỉnh phát hiện khoảng 3.600 người nhiễm HIV, trong đó có gần 600 nữ và 63 phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, thai phụ nhiễm HIV chủ yếu phát hiện ở giai đoạn muộn (giai đoạn cuối thai kỳ hoặc khi chuyển dạ) nên nhiều trẻ sinh ra đã mắc căn bệnh này. Bởi vậy, người mẹ chủ động xét nghiệm sớm khi mang thai là biện pháp tốt nhất để kiểm soát lây truyền sang con. Các bác sỹ chuyên khoa cho biết, khi mẹ bị nhiễm HIV, ngoài được chăm sóc thai nghén còn được tư vấn điều trị thích hợp. Nếu phát hiện ngay những tuần đầu, người mẹ được tư vấn về dinh dưỡng và xem xét điều trị ARV từ tuần thai thứ 14. Nếu họ không đủ điều kiện điều trị ARV sẽ được uống thuốc dự phòng lây truyền cho con từ tuần thai thứ 28 để giảm thiểu lượng virut trong cơ thể mẹ và hạn chế tình trạng lây truyền sang con. Ngoài ra, em bé được chăm sóc và điều trị kịp thời  giúp cải thiện sức khoẻ và tránh mắc những bệnh nhiễm trùng cơ hội. 

Thời gian qua, Sở Y tế tỉnh Bắc Giang đã triển khai chương trình Dự phòng lây truyền HIV/AIDS từ mẹ sang con tại 51 xã, phường trọng điểm trên địa bàn. Đồng thời tăng cường cung cấp vật tư sinh phẩm cho các đơn vị triển khai sàng lọc HIV trong nhóm phụ nữ mang thai. Bệnh viện các huyện, thành phố đẩy mạnh các hoạt động khám, quản lý thai sản, cung cấp các dịch vụ kế hoạch hoá gia đình, trong đó tập trung tư vấn, xét nghiệm sàng lọc HIV cho phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh nguy cơ cao. Bên cạnh đó, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Bắc Giang phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn kiến thức về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, lồng ghép tư vấn xét nghiệm tự nguyện cho phụ nữ mang thai và phụ nữ trong độ tuổi từ 19 - 45 tại các xã để can thiệp sớm. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ vẫn thiếu kiến thức về cơ chế lây truyền, chưa chủ động dự phòng, trang thiết bị phục vụ công tác xét nghiệm sàng lọc HIV ở tuyến huyện còn thiếu, vẫn còn tồn tại sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV tại cộng đồng...

Để làm tốt công tác dự phòng, cơ quan chuyên môn tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, can thiệp giảm tác hại trực tiếp từ cộng đồng, khu dân cư; triển khai chương trình trao đổi bơm kim tiêm và khuyến khích sử dụng bao cao su cho các đối tượng nguy cơ cao, củng cố, duy trì các hoạt động chăm sóc và hỗ trợ người nhiễm HIV tại gia đình, mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc, điều trị bệnh. Trong đó, các tuyến y tế chủ động tư vấn, xét nghiệm HIV cho thai phụ, thực hiện tốt quy trình chăm sóc, điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, chú trọng giới thiệu chuyển tuyến cho phụ nữ, trẻ em bị lây nhiễm HIV lên tuyến trên có các gói dịch vụ phù hợp về dự phòng, hỗ trợ chăm sóc và điều trị bệnh.

Minh Thu (Báo Bắc Giang)