Xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội

Ba Vì gặp khó về nguồn vốn

- Thứ Tư, 22/05/2019, 07:48 - Chia sẻ
Sau hơn 7 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo nông thôn của huyện Ba Vì đã đổi thay tích cực, đời sống người dân từng bước được cải thiện. Theo thống kê của UBND huyện, đến hết năm 2018, toàn huyện có 15/30 xã đã được công nhận xã đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu đến năm 2020 trở thành huyện NTM, Ba Vì vẫn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt ở các xã vùng dân tộc thiểu số.

Mới có 1/7 xã vùng dân tộc thiểu số về đích

Trong những năm qua, khu vực đồng bào DTTS của huyện Ba Vì đã nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và TP Hà Nội thông qua các chủ trương, chính sách ưu tiên đặc thù cho vùng đồng bào DTTS. Các chính sách đó đã góp phần kiến thiết cơ sở hạ tầng thiết yếu, như: Đường giao thông, trường học, trạm y tế, điện lưới, nhà văn hóa nông thôn… Theo đó, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào nơi đây đã có nhiều thay đổi tích cực. Năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của 7 xã vùng DTTS huyện Ba Vì đạt trên 1,5%; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 34 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn gần 5,29%.

Mặc dù có nhiều khởi sắc, tuy nhiên, trong số 7 xã vùng DTTS, hiện chỉ có 1 xã về đích NTM là Ba Trại. Còn lại 6 xã gồm: Khánh Thượng, Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài và Ba Vì đều còn từ 5 - 7/19 tiêu chí hiện chưa đạt, hoặc cơ bản đạt, chủ yếu là: Trường học, giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, môi trường. Hầu hết các tiêu chí trên đều cần nguồn vốn đầu tư rất lớn. Điển hình là xã Ba Vì đến nay mới chỉ có 8/19 tiêu chí đạt, 3 tiêu chí cơ bản đạt và 8 tiêu chí chưa đạt là: Hộ nghèo, lao động có việc làm, giáo dục và đào tạo, nhà ở dân cư, thu nhập, môi trường và ATTP, chợ nông thôn, văn hóa. Chủ tịch UBND xã Dương Trung Liên cho biết, trên địa bàn xã có 3 cấp trường đều chưa đạt chuẩn, nhà văn hóa trung tâm xã đã có quy hoạch với mức đầu tư khoảng 6 tỷ đồng nhưng chưa có kinh phí xây dựng, toàn xã có trên 25% nhà kiên cố, còn lại là nhà cấp 4, nhà tạm... Mặc dù cơ sở hạ tầng còn thiếu và yếu nhưng trên địa bàn xã không có doanh nghiệp, các nguồn thu từ đất không nhiều. Cùng với đó, mức thu nhập bình quân của xã hiện nay mới đạt 17,5 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo hơn 16,5%, mới có 1/4 số lao động địa phương có việc làm thường xuyên, nên việc huy động nguồn lực trong dân còn hạn chế. Bởi vậy, chặng đường về đích của xã Ba Vì rất nhiều gian nan.

Năm 2019, huyện Ba Vì chủ trương đưa 4 xã về đích, gồm: Minh Quang, Minh Châu, Tòng Bạt và Vạn Thắng. Trong đó, Minh Quang là xã thuộc vùng DTTS, đến nay mới chỉ đạt 12/19 tiêu chí, 5 tiêu chí cơ bản đạt là thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, y tế; 2 tiêu chí chưa đạt là giao thông và văn hóa. Chủ tịch UBND xã Phạm Tiểu Long chia sẻ, mặc dù đăng ký về đích năm 2019 nhưng đến nay mức độ đạt các tiêu chí của xã còn thấp, đặc biệt là các tiêu chí cần nguồn lực đầu tư lớn. UBND xã cũng đã phân công lãnh đạo, cán bộ phụ trách từng tiêu chí, đồng thời, chỉ đạo các đơn vị tư vấn tổ chức khảo sát, thiết kế xong các dự án thành phần và gửi về huyện thẩm định để thực hiện. Tuy nhiên, nguồn lực để thực hiện hoàn thành các tiêu chí chưa đạt đối với Minh Quang hiện rất khó khăn, xã khó có thể về đích đúng hẹn nếu không nhận được sự hỗ trợ của thành phố và huyện.

Thực tế, những khó khăn của xã Ba Vì hay Minh Quang đều là khó khăn chung của các xã thuộc vùng DTTS trên địa bàn huyện. Theo báo cáo của UBND huyện, mức thu nhập bình quân một hộ của toàn huyện cuối năm 2018 là 40 triệu đồng/người/năm, nhưng thu nhập bình quân của khu vực 7 xã miền núi lại chỉ đạt là 34 triệu đồng/người/năm. Chưa kể đến cơ sở hạ tầng còn thiếu và yếu, tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế - xã hội của các xã này so với toàn huyện cũng còn một khoảng cách khá xa và rất khó để tạo sức bật.

Loay hoay tìm vốn

 Huyện Ba Vì cũng đề nghị các sở, ngành liên quan tham mưu cho thành phố ban hành cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi theo hướng công nghệ cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; thực hiện hiệu quả liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đồng thời, khuyến khích nhân dân tích tụ ruộng đất để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, phát triển thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước... Đây là những yếu tố góp phần tạo sinh tế, làm tăng thu nhập, từng bước cải thiện đời sống người dân.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đình Dần

Trao đổi với phóng viên, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Hoàng Trúc Phong cho biết, tổng nguồn kinh phí cần để 15 xã còn lại của huyện về đích NTM từ nay đến năm 2020 là 1.670 tỷ đồng. Riêng năm 2019, xã Minh Châu cần 33,2 tỷ, xã Tòng Bạt cần 78 tỷ, Vạn Thắng cần 118 tỷ và Minh Quang phải cần đến 136 tỷ đồng để hoàn thiện các tiêu chí NTM. Hầu hết các xã trên địa bàn huyện đều gặp khó khăn về nguồn vốn, đặc biệt đối với các xã vùng DTTS nút thắt này càng khó gỡ hơn. Đơn cử, chỉ tính riêng tiêu chí trường học, để đạt tỷ lệ trường chuẩn quốc gia theo quy định, tổng nguồn vốn cần thiết để nâng cấp cơ sở hạ tầng giáo dục tại 6 xã DTTS của huyện đã gần 400 tỷ đồng.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đình Dần, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với huyện chính là nguồn vốn để thực hiện nhóm các tiêu chí cần nguồn lực lớn, nhất là trường học, giao thông và cơ sở vật chất văn hóa. Hiện nay, huyện Ba Vì đang triển khai các giải pháp khai thác nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất và các nguồn xã hội hóa để ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng cho 4 xã đăng ký về đích trong năm 2019, trong đó có Minh Quang là xã thuộc vùng DTTS của huyện. Đối với các xã còn lại, trong đó có 5 xã vùng đồng bào DTTS, huyện đã xây dựng kế hoạch để hoàn thành Chương trình NTM trong năm 2020. Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp, điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, bên cạnh tranh thủ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, các xã chỉ có thể trông chờ vào nguồn hỗ trợ của thành phố.

Thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của Thủ đô, từ năm 2011 đến nay, thành phố đã bố trí hàng nghìn tỷ đồng, phân bổ cho 7 xã vùng đồng bào DTTS của huyện Ba Vì thực hiện các dự án phát triển kinh tế, cải thiện hạ tầng. Đây là trợ lực quan trọng, cần thiết để các xã nỗ lực hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng NTM. Do đó, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì đề nghị thành phố tiếp tục có cơ chế chính sách, quan tâm bố trí nguồn vốn ưu tiên ngay từ đầu năm 2019 để thực hiện đầu tư đạt chuẩn các cấp trường học đối với những xã đăng ký hoàn thành NTM năm 2019 - 2020. Bên cạnh đó, huyện Ba Vì mong muốn thành phố tiếp tục kêu gọi các quận có điều kiện phát triển kinh tế vững mạnh hỗ trợ huyện về nguồn lực đầu tư các công trình hạ tầng, để chung tay gỡ nút thắt về nguồn vốn mà huyện vẫn còn loay hoay, chưa có hướng giải quyết hiệu quả.

ĐÀO CẢNH