Phương thức hoạt động của nghị viện trong thời kỳ dịch Covid-19

Ba phương thức hoạt động

- Chủ Nhật, 24/05/2020, 07:21 - Chia sẻ
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn hoành hành khắp các châu lục, cơ quan lập pháp của nhiều nước cũng phải áp dụng biện pháp cách ly xã hội giống như các trường học, các địa điểm tôn giáo hay các công sở. Vấn đề ở chỗ, trong giai đoạn khủng hoảng, vai trò của các nghị viện lại trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, bởi cơ quan lập pháp tối cao cần thông qua những đạo luật khẩn cấp, phê chuẩn các gói cứu trợ kinh tế và kiểm soát quyền lực của các chính phủ. Với nhiều nhiệm vụ quan trọng như vậy, làm thế nào để các cơ quan lập pháp hoạt động trong bối cảnh đại dịch như hiện nay? Tổ chức Liên nghị viện thế giới (IPU) đã tiến hành thống kê cách thức hoạt động của hầu hết các nghị viện trên thế giới và nhận thấy có ba phương thức hoạt động phổ biến sau.

Họp tập trung một cách hạn chế

Nhiều cơ quan lập pháp trên thế giới vẫn lựa chọn hình thức họp tập trung nhưng với những hạn chế hơn so với trước đây, như hạn chế số phiên họp toàn thể hoặc phiên họp ủy ban; hạn chế số nghị sĩ và nhân viên văn phòng trong tòa nhà nghị viện, một số làm việc từ xa; thay đổi địa điểm nhóm họp chẳng hạn tiến hành ở những phòng họp lớn hơn để bảo đảm khoảng cách tối thiểu giữa những người dự họp.

Bundestag (Quốc hội Đức) là một trong những cơ quan lập pháp vẫn tiếp tục họp tập trung nhưng với một chương trình làm việc hạn chế hơn, ưu tiên những vấn đề cần kíp cùng với số lượng nghị sĩ giới hạn.

Trong khi đó, Nghị viện Armenia vẫn tiến hành họp như thường lệ bởi Nội quy của Nghị viện không có quy định về họp từ xa. Tuy nhiên, cơ quan lập pháp nước này cũng đang xem xét khả năng có những sửa đổi cần thiết để có thể họp trực tuyến nếu tình hình dịch bệnh không tiến triển và các biện pháp cách ly xã hội tiếp tục được gia hạn.

Sau kỳ nghỉ lễ Phục sinh, Nghị viện Croatia đã nhóm họp trở lại nhưng lần đầu tiên một phiên toàn thể được tiến hành trong 3 phòng họp khác nhau để bảo đảm giãn cách xã hội. Số lượng các cuộc họp đã được cắt giảm đáng kể. Trong khi đó, các biện pháp đặc biệt được thông qua để tạo điều kiện cho ủy ban tiến hành các cuộc họp từ xa. Thành viên của ủy ban được phép bỏ phiếu thông qua thư tín hoặc SMS. Văn phòng Nghị viện cũng thông qua những sửa đổi trong Nội quy để tạo điều kiện cho cơ quan lập pháp hoạt động trong những điều kiện đặc biệt như đại dịch.

Ngày 23.3 vừa qua khi dịch bệnh bắt đầu diễn biến phức tạp, Nghị viện Australia đã thông qua lịch họp mới cho 6 tháng đầu năm 2020 với một số điều chỉnh cần thiết theo hướng hạn chế các cuộc họp. Hai viện của cơ quan lập pháp đã nhóm họp ngày 8.4 với một chương trình nghị sự ưu tiên thảo luận về các biện pháp nhằm hạn chế tác động của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế.

Hạ viện cũng đã quyết định cơ quan này có thể nhóm họp mà không cần phải tuân thủ theo một số quy định cứng như trong Nội quy chẳng hạn về số đại biểu tối thiểu cần có mặt hoặc cho phép tạm đình chỉ áp dụng Nội quy chỉ với đa số giản đơn thay vì đa số tuyệt đối như trước. Thượng viện cũng có một quyết định tương tự với sự đồng ý của lãnh đạo phe đa số đối lập; đồng thời cho phép những quyết định liên quan đến thủ tục có thể được quyết định bởi Ủy ban Thủ tục. Cơ quan này cũng thành lập một ủy ban đặc biệt chịu trách nhiệm xem xét các biện pháp đối phó với dịch bệnh của Chính phủ. Trong khi đó, một số ủy ban sẽ vẫn tiến hành các công việc thông qua họp trực tuyến. Những ủy ban không có các nội dung cần kíp phải thảo luận được tạm thời ngừng hoạt động cho đến khi các điều kiện y tế trở nên thuận lợi hơn.

Nghị viện Phần Lan cũng áp dụng các biện pháp đặc biệt để tránh việc phải tiếp xúc trực tiếp trong quá trình họp cũng như bỏ phiếu. Một số quy định mới cũng được đưa ra liên quan đến phân bổ chỗ ngồi. Các nghị sĩ được phép làm việc từ xa nhưng không được phép bỏ phiếu từ xa.

Thượng viện và Hạ viện Pháp đã giảm số lượng các phiên họp toàn thể xuống còn 1 phiên mỗi tuần và hạn chế các câu chất vấn Chính phủ xuống còn 10 câu. Trong các cuộc họp này, chỉ có người đưa ra câu hỏi và chủ tịch các nhóm đảng là bắt buộc phải có mặt. Các ủy ban được phép họp và điều trần các bộ trưởng từ xa. Các ủy ban cũng hạn chế các phiên điều trần và chỉ tiến hành các phiên thảo luận về các chủ đề liên quan đến virus corona.

Trong khi luật pháp nước này cho phép các cuộc họp từ xa thì bỏ phiếu từ xa lại không được phép. Pháp cũng đang xem xét đưa ứng dụng Zoom để họp trực tuyến. Tuy nhiên, chưa có phần mềm hoặc ứng dụng nào được sử dụng để truyền tài liệu, đặc biệt là các tài liệu cần sự bảo mật cao. Đối với các dự thảo luật, nghị sĩ có thể tải hoặc tra cứu thông qua một ứng dụng có tên là Eloi, một ứng dụng nội bộ do Hạ viện phát triển và áp dụng.

Họp trực tuyến

Một số Nghị viện áp dụng phương thức làm việc từ xa. Biện pháp này đã làm nảy sinh một số vấn đề, chẳng hạn vướng mắc pháp lý trong quy trình, thủ tục của nghị viện, vấn đề an ninh, bảo mật và việc chứng thực danh tính của đại biểu. Tuy nhiên, một số nghị viện đã hợp tác với các bên phát triển phần mềm để áp dụng những công nghệ tiên tiến phục vụ cho hoạt động của mình.

Hồi cuối tháng 4 vừa qua, Quốc hội Angola đã tiến hành phiên họp toàn thể đầu tiên theo hình thức hội nghị truyền hình thông qua ứng dụng Zoom. Các nghị sĩ tham gia phiên họp từ những địa điểm khác nhau, có người ngồi tại phòng riêng ở tòa nhà Quốc hội, có người ngồi tại văn phòng ở địa phương hoặc ở nhà. Phương pháp này bảo đảm một yếu tố cần thiết trong Hiến pháp, đó là cuộc họp phải bảo đảm số nghị sĩ tối thiểu tham dự (quorum) cũng như bảo đảm tỷ lệ nghị sĩ cần thiết để Quốc hội Angola có thể thông qua nghị quyết kéo dài tình trạng khẩn cấp đang được áp đặt. Nội quy của Quốc hội nước này cho phép việc bỏ phiếu từ xa.

Thượng viện Chile cũng đã thông qua một Nghị quyết cho phép nhóm họp từ xa thông qua các công nghệ thích hợp mà các nghị sĩ có thể thảo luận trực tuyến cũng như bỏ phiếu từ xa. Trong khi đó, Hạ viện nước này thì chưa áp dụng công nghệ mới mà chỉ hạn chế các cuộc họp toàn thể cũng như các cuộc họp của ủy ban.

Tạm hoãn họp

Một số nghị viện đã quyết định tạm đình chỉ hoạt động trong đợt dịch Covid-19 hoặc kéo dài kỳ nghỉ. Chẳng hạn như Nghị viện Anh đã bước vào kỳ nghỉ sớm hơn dự kiến trước khi cơ quan này nhóm họp trở lại theo hình thức trực tuyến ngày 22.4 vừa qua.

Trong khi đó một số nước như New Zealand đã sửa đổi nội quy để cho phép một ủy ban đặc biệt nhóm họp thay cho toàn thể Nghị viện, chịu trách nhiệm xem xét những vấn đề cấp bách trong đợt dịch.

Trong khi đó, tất cả các hoạt động của Nghị viện Andorra được hoãn cho tới tháng 6 trừ những vấn đề liên quan đến dịch Covid-19. Trước đó, một phiên họp toàn thể đặc biệt đã được tiến hành để thông qua các dự thảo luật khẩn cấp liên quan đến đại dịch nhưng với những hạn chế nhất định như chỉ có 15 nghị sĩ có mặt để bảo đảm giãn cách xã hội. Chính phủ và Nghị viện cũng thường xuyên tiến hành họp trực tuyến để trao đổi về phương thức ứng phó với đại dịch.

Quốc hội Bulgaria đã quyết định đình chỉ tất cả các cuộc họp toàn thể trong thời gian áp dụng lệnh tình trạng khẩn cấp ở quốc gia này, vốn được kéo dài đến cuối tháng 4 vừa qua.

Hầu hết các cuộc họp của Nghị viện Đan Mạch được hủy bỏ cho đến khi các biện pháp giãn cách được nới lỏng ngày 20.4 vừa qua.

Quốc Đạt